Doanh nghiệp huy động cả tỷ USD trái phiếu chỉ trong 2 tuần
Thị trường trái phiếu có tín hiệu ấm trở lại sau gần một năm ảm đảm. Các công ty bất động sản và doanh nghiệp đầu ngành huy động cả tỷ USD trong hai tuần, sau khi Chính phủ ban hành nghị định gỡ khó cho doanh nghiệp.
Hút tỷ USD, cân đối dòng tiền
Trong tuần 10-17/3, thị trường trái phiếu Việt Nam bất ngờ ấm trở lại sau gần một năm gần như đóng băng, bởi các sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,…
Cụ thể, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An hôm 10/3 là cái tên đầu tiên với thương vụ phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 4.700 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 13%/năm, kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi. Đây là lô trái phiếu giá trị lớn nhất được phát hành thành công trong gần một năm qua.
Ít ngày sau đó, hôm 14/3, một đại gia kín tiếng đã bơm 2.300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 6%/năm cho Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas.
Thị trường trái phiếu bắt đầu có những thương vụ thành công có giá trị lớn đầu tiên. (Ảnh: CF) |
Tới ngày 16/3, CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Ngôi sao Phương Nam – một DN kinh doanh bất động sản cũng hút thành công 4.965 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất kết hợp giữa cố định 13%/năm và thả nổi.
Cũng trong khoảng thời gian này, Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living, Công ty Đầu tư và phát triển Đô thị Hưng Yên đã phát hành những lô trái phiếu trị giá nhiều nghìn tỷ đồng. Luxury Living huy động 4.800 tỷ đồng, trong khi Đô thị Hưng Yên hút thành công 4.500 tỷ đồng.
Đây đều là công ty kinh doanh bất động sản và đều phát hành riêng lẻ.
Hôm 17/3, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang cũng huy động thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng.
Như vậy, khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/3, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động được hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu. Cùng với Masan và một vài DN khác, tổng vốn huy động qua kênh trái phiếu DN đã đạt khoảng 1 tỷ USD.
“Những đốm sáng”
Nghị định 08 (thay Nghị định 65) được đánh giá là tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của trái phiếu, đặc biệt là việc gia hạn thời điểm đáo hạn. Trước đó, một số tổ chức phát hành đã tự thảo thuận với trái chủ nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể nên việc thỏa thuận gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ thành công thấp.
Nhiều doanh nghiệp phát hành thành công các lô trái phiếu trong tháng 3/2023. (Nguồn: HNX) |
Nghị định cũng cho phép thanh toán nghĩa vụ nợ và lãi trái phiếu bằng các tài sản hợp pháp khác và hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối; đồng thời, giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến 1/1/2024.
Thị trường trái phiếu phải chăng đã có những tín hiệu tan băng? Các doanh nghiệp bất động sản liệu đã nhanh chóng trở lại đường đua huy động tiền từ trái phiếu?
Ông Vicente Nguyen, CIO của AFC Vietnam Fund, cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp hút vốn trở lại thông qua kênh trái phiếu hai tuần qua được coi là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được tác động thực sự của Nghị định 08.
Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Tuấn – nhà sáng lập CTCP FIDT – coi động thái một số doanh nghiệp công bố hút thành công nhiều nghìn tỷ đồng trái phiếu gần đây là một điểm sáng nhỏ trên thị trường trái phiếu. “Đây mới chỉ là tín hiệu tích cực ban đầu”, ông Tuấn nhìn nhận.
Còn theo chuyên gia tài chính ngân hàng – TS. Nguyễn Trí Hiếu, Nghị định 08 giải quyết được một phần khó khăn chứ chưa thể giải “cơn khát” của thị trường trái phiếu, có thể chưa đáp ứng được kỳ vọng giải quyết khó khăn của thị trường trái phiếu nói chung.
Theo ông Hiếu, vấn đề quan trọng là xây dựng lại niềm tin cho các nhà đầu tư.
Ông Hiếu phân tích, Nghị định 65 siết lại điều kiện để trở thành nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp để giảm rủi ro, nhưng lại mở ra để tháo gỡ khó khăn. Chính điều này lại tăng tính rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân và cho cả thị trường. Cùng với đó, nội dung dời xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đến năm sau cũng khiến ông băn khoăn.
Gần đây, không chỉ trong nước, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do nhiều vụ đổ vỡ. Mới đây nhất là vụ ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ Credit Suisse bị sáp nhập vào Ngân hàng UBS và 17 tỷ USD trái phiếu của Credit Suisse bị xóa sổ.
Nguồn: Báo xây dựng