Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/3/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/3/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Việt Nam sẽ đưa ra các cam kết mạnh mẽ trong việc sử dụng nguồn nước
Việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần này, tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về việc tham gia chủ động, tích cực, đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và đảm bảo sinh kế cho người dân, không bỏ ai lại phía sau.
Nhận lời mời của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị LHQ rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu của Thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2022 tại New York (Mỹ) từ ngày 21-24/3.
Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng cho phát triển bền vững, phát triển kinh tế xã hội và liên kết chặt chẽ với nhiều vấn đề khác như biến đổi khí hậu, môi trường, y tế, lương thực. Nước cũng là nhân tố có thể thúc đẩy phát triển nhưng cũng có thể đe dọa hòa bình, an ninh, nhất là khi xảy ra bất đồng giữa các nước sử dụng chung nguồn nước xuyên biên giới.
Hội nghị nước 2023 là Hội nghị cấp cao đầu tiên sau gần 50 năm của LHQ về vấn đề này, thu hút sự tham dự của 15 nguyên thủ, lãnh đạo Chính phủ, gần 80 Bộ trưởng các nước và nhiều lãnh đạo các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế.
Hội nghị được tổ chức nhằm mục tiêu rà soát tiến độ của cộng đồng quốc tế thực hiện Thập kỷ hành động của LHQ “Nước vì phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2028. Hội nghị sẽ thảo luận về tầm quan trọng của nước gắn với việc đảm bảo sức khỏe, thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác xuyên biên giới. Đây cũng là dịp để cộng đồng quốc tế đưa ra các cam kết hành động mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Nghệ An xuất hiện mưa đá, lốc xoáy
Thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Quế Phong, Nghệ An, cho biết chiều tối 21/3 tại một số địa phương trên địa bàn huyện có xuất hiện mưa đá, gió lốc. Trận mưa đá, gió lốc kéo dài khoảng 45 phút, gây hại nặng nhất tại các xã Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong và thị trấn Kim Sơn.
Hiện chưa có thống kê chính xác mức độ thiệt hại, nhưng bước đầu cho thấy, tại những địa phương này có một số nhà dân, trường học bị tốc mái, cây cối ngã đổ.
Trước đó, tối 18/3, trên địa bàn một số xã ở huyện miền núi Kỳ Sơn cũng đã xuất hiện mưa đá làm hư hỏng hoa màu, nhà dân. Tại các huyện miền núi trong tỉnh Nghệ An, vào mùa này thường xuất hiện hiện tượng bất thường của thời tiết, phổ biến là giông tố, mưa đá.
Nghệ An: Kiểm tra việc chấp hành về bảo vệ môi trường tại huyện Nghĩa Đàn
Trưởng đoàn kiểm tra, đồng chí Nguyễn Nam Đình- Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ Tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An. Cùng tham gia có đồng chí Thái Thị An Chung – Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng đại diện các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và đại diện lãnh đạo, các phòng ban của UBND huyện Nghĩa Đàn.
Tại buổi làm việc, UBND huyện Nghĩa Đàn cũng đã báo cáo việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức trên địa bàn.
Huyện Nghĩa Đàn hiện đáng ngại nhất là tình trạng tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật. Bởi trong quá trình sản xuất, người dân sử dụng một lượng lớn phân bón hoá học, phân hữu cơ và các loại hoá chất bảo vệ thực vật. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện Nghĩa Đàn đang có 21 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật. Chưa kể, mỗi năm trên địa bàn huyện sử dụng khoảng 3, 78 tấn thuốc trừ sâu và 5.370 tấn phân bón hoá học các loại để tăng năng suất và bảo vệ cây trồng.
Việc sử dụng và quản lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học phục vụ sản xuất nông nghiệp không đúng quy trình, tình trạng lạm dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn diễn ra phổ biến, đã làm biến đổi chất lượng nước dưới đất và môi trường xung quanh.
Để xử lý vấn đề này, hiện nay UBND tỉnh đã phê duyệt thêm 5 điểm xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Phú và Nghĩa Lộc nhằm xử lý các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn huyện, hệ thống xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi của một số cơ sở chưa đảm bảo do ngân sách còn hạn hẹp, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện hiện nay chưa được đầu tư và vận hành.
Tỉnh Đoàn Thanh Hóa ra quân “Ngày chủ nhật xanh”
Trước thực trạng vứt rác bừa bãi làm cho môi trường sống ngày càng bị ảnh hưởng thì Ngày Chủ nhật Xanh thật sự là một hoạt động ý nghĩa. “Ngày Chủ nhật Xanh” lần thứ I năm 2023 được triển khai đồng loạt trên toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong việc tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo phong trào thi đua sôi nổi của tổ chức Đoàn tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng ý thức văn minh đô thị với phương châm “Sáng tạo – thiết thực – an toàn – hiệu quả”.
Trong ngày ra quân 19/3, 100% cơ sở Đoàn trên địa bàn toàn tỉnh đồng loạt ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” với các hoạt động cụ thể, thiết thực như: Tổ chức ra quân trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực công sở, trường học, các trục đường liên thôn, liên xã, Đài tưởng niệm, khu nhà Bia tưởng niệm liệt sỹ, di tích lịch sử, khu vực đê biển, bãi biển; thu gom, phân loại, xử lý rác thải, tái chế rác thải thành vật dụng thân thiện với môi trường; bóc gỡ các biển quảng cáo trái phép; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác hại của rác thải nhựa, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi nilon và thay thế túi nilon bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường.
Khai thác, bảo vệ và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh An Giang
Hội thảo do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang tổ chức.
Tại buổi hội thảo, đại biểu đã được nghe các diễn giả, chuyên gia trình bày các nội dung về: Chính sách và các giải pháp quản lý các vùng đất ngập nước của Việt Nam; sinh khối và khả năng hấp thụ CO2 của rừng tràm thích ứng biến đổi khí hậu; vấn đề bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học cho hoạt động du lịch sinh thái ở Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và Khu Bảo tồn đa dạng sinh học- Cây dược liệu Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An).
Bên cạnh đó, các chuyên gia, diễn giả còn trình bày các nội dung về đa dạng sinh học và các giải pháp bảo vệ, phục hồi các vùng đất ngập nước tỉnh An Giang; công tác khai thác, quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến…
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị