Cần kiểm tra hoạt động nhà máy xử lý chất thải Sông Công gây ô nhiễm môi trường
Cần kiểm tra hoạt động nhà máy xử lý chất thải Sông Công gây ô nhiễm môi trường
Theo dõi MTĐT trên
Người dân xã Tân Quang, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên liên tục ‘tố’ nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH môi trường Sông Công gây ô nhiễm môi trường, và dấu hiệu xử lý chất thải công nghiệp thông thường không đúng quy định
Được biết, Công ty TNHH môi trường Sông Công (sau đây viết tắt là Công ty môi trường Sông Công, có địa chỉ tại thôn Tân Mỹ 2, xã Tân Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Hiện công ty này đang quản lý Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công, xử lý rác thải thông thường và rác thải nguy hại. Dự án đi vào hoạt động năm 2021, công suất thiết kế trên 3.500 tấn/ngày, với quy mô hoạt động gồm 4 lò, 2 xưởng và 1 kho phân loại.
Thông tin từ người dân thôn Tân Mỹ 2, xã Tân Quang, cho biết: Hơn 1 năm nay, kể từ khi nhà máy của Công ty môi trường Sông Công đi vào hoạt động, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn do phải hứng chịu cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn phát sinh từ hoạt động xử lý chất thải từ nhà máy. Bên cạnh đó, nhà cửa, vật dụng của các hộ gia đình luôn bị bám đầy bụi bẩn, ruồi nhặng lúc nào cũng bâu đen kịt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân. Ruộng, vườn và đặc biệt là ao nuôi cá bị ô nhiễm nguồn nước nên không thể nuôi trồng gây ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế hộ gia đình.
Để tìm hiểu thông tin, chiều ngày 20/3/2023, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại nhà máy của Công ty môi trường Sông Công tại thôn Tân Mỹ 2, xã Tân Quang để ghi nhận thực tế. Tại thời điểm ghi nhận, một cột khói trắng và một cột khói đen từ khu vực xử lý rác của nhà máy xả ra phủ kín một góc trời, kèm theo mùi khét rất khó chịu. Ngoài ra, từ xa cũng nghe thấy tiếng ồn rất lớn phát ra từ máy móc, quạt hút gió công nghiệp được lắp đặt tại các lò đốt.
Bà P.T.V – người dân thôn Tân Mỹ 2 cho biết, hàng ngày cả nhà tôi phải hít mùi khét lẹt từ hoạt động của lò đốt chất thải. Ban ngày ở trong nhà tôi cũng phải đeo khẩu trang. Cháu tôi học trong phòng đóng kín cửa mà còn kêu mùi khét quá không thể chịu nổi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và học tập. Không những thế, hàng ngày chúng tôi phải chịu đựng tiếng ồn rất lớn phát sinh từ trong các lò đốt. Ngoài ra, hằng đêm còn phải chịu đựng tiếng gầm rú ầm ầm từ các xe tải cỡ lớn vận chuyển rác thải về nhà máy.
Chia sẻ với PV, chị N.T.B bức xúc: Từ ngày nhà máy này đi vào hoạt động, cuộc sống các hộ dân sống xung quanh đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Do mức độ ô nhiễm nặng không thể chịu được, nên chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng không được giải quyết. Mấy lần khi người dân kéo vào nhà máy, lên trụ sở xã để phản ánh thì chính quyền có lập biên bản sự việc và công ty này hứa sẽ cải thiện nhưng sau đâu lại vào đấy.
Cũng theo chị B., nhà tôi bị ảnh hưởng tiếng ồn, khói, ruồi nhặng rất nhiều. Mỗi lần nấu ăn là phải đóng kín cửa, nhưng do quá nhiều (ruồi, nhặng – PV) nên dù đóng kín cửa vẫn bị ảnh hưởng, khách đến nhà nhưng không dám ở lại ăn cơm vì sợ ruồi, nhặng.
Ban ngày đã vậy, đêm đến cũng không có được giấc ngủ yên, bởi càng về đêm thì nhà máy họ càng hoạt động mạnh hơn, nhất là vào khoảng từ 1h sáng. Mỗi lần đốt là khói khét lẹt, tiếng ồn lớn làm cả nhà mất ngủ. Do hít phải khí độc nhiều nên tôi ho hen suốt. Ao nuôi cá của nhà trước đây vẫn bình thường, thời gian sau cá bị nổi chết hết và giờ thì bỏ không cho cỏ mọc vì nguồn nước ô nhiễm không thể nuôi được nữa.
Để có thông tin chính xác về những phản ánh trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Công ty môi trường Sông Công. Tại buổi làm việc, đại diện công ty cho biết, công ty mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nay, thời kỳ đầu do vận hành máy móc và công nhân mới nên không thể hoàn chỉnh ngay được.
Bên cạnh đó, vị này cũng xác nhận, có nhiều lần người dân phản ánh đến chính quyền và kéo đến nhà máy để kiến nghị về vấn đề môi trường của nhà máy. Hiện nay còn có 3 hộ dân vẫn chưa nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng nên vẫn đang sinh sống trong khuôn viên nhà máy.
Như vậy, những bất an, lo lắng của người dân sống gần nhà máy xử lý chất thải của Công ty môi trường Sông Công về vấn đề ô nhiễm môi trường là hoàn toàn có căn cứ. Về lâu dài, những tác động tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống hàng ngày, mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng phát triển kinh tế của họ. Chúng tôi kính đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên, chính quyền thành phố Sông Công sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý và sớm có biện pháp khắc phục, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây để người dân yên tâm sinh sống.
Trong một diễn biến khác, ngoài việc nhà máy bị ‘tố’ gây ô nhiễm môi trường như đã nêu trên, Công ty môi trường Sông Công còn ‘dính’ vào nghi án quản lý, xử lý chất thải công nghiệp thông thường từ nhà máy sản xuất dầu DMC và Silicone của Công ty TNHH Hoá công nghiệp Triển Bảng tại Khu công nghiệp Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh không đúng quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Liên quan đến nội dung này, tại buổi làm việc trên, vị đại diện nhà máy của Công ty môi trường Sông Công đề nghị PV liên hệ làm việc với văn phòng công ty, bởi nhà máy chỉ chịu trách nhiệm xử lý chất thải còn việc vận chuyển thì bộ phận khác của công ty chịu trách nhiệm.
Về nội dung này sẽ được Môi trường và Đô thị Việt Nam thông tin chi tiết trong bài báo sau.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị