Tự viết kịch bản, thuê người làm bệnh nhân “thổi phồng công dụng” của sản phẩm Bonigout+

Tự viết kịch bản, thuê người làm bệnh nhân “thổi phồng công dụng” của sản phẩm Bonigout+
Thực phẩm chức năng Bonigout+ và nhiều sản phẩm khác gắn nhãn mác Botania đang được thổi phồng công dụng gây hiểu lầm cho người mua hàng.
Thời gian qua không ít người dân phải “ngậm quả đắng” vì dính phải chiêu trò quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tràn lan trên các trang mạng xã hội. Nhiều người vì tin tưởng những lời quảng cáo có cánh này đã mất đi cơ hội vàng trong điều trị, phải trả giá bằng tiền bạc, sức khỏe thậm chí là tính mạng của mình.
Cụ thể, phản ánh đến Gia đình Việt Nam nhiều bạn đọc cho biết, sản phẩm Bonigout+ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng lại được thông tin, quảng cáo thổi phồng công dụng như là thuốc chữa bệnh khiến nhiều người bị bệnh gout tin theo, mua uống tràn lan.
Sản phẩm Bonigout+ có giá bán 405 ngàn đồng/1 lọ và đang được giới thiệu do Công ty TNHH Thiết bị y tế Minh Duy nhập khẩu từ Mỹ, được phân phối bởi Công ty TNHH Thương Mại Botania.
Về sản phẩm này không khó để tìm thấy trên các website, mạng xã hội đưa thông tin, quảng cáo rầm rộ với những video được dàn dựng công phu, bài bản. Đáng chú ý, nhân vật chính trong các video này là những người được cho là bệnh nhân khắp cả nước đã khỏi bệnh sau khi dùng sản phẩm.
Nội dung của các video này đều được thực hiện theo “mô típ” là sau khi bệnh nhân chạy chữa nhiều nơi, nhiều bệnh viện, dùng cả thuốc Đông y và thậm chí dùng cả thuốc Tây nhưng bệnh tình không giảm. Cuối cùng khi dùng sản phẩm Bonigout +, Bonidiabet.. thời gian ngắn thì bệnh được ổn định. Video còn đưa ra lời khuyên những ai bị bệnh gout nên sử dụng Bonigout+ thay vì thuốc Tây.

Sản phẩm Bonigout +
Đáng chú ý, để xác thực những nội dung như trong video, phóng viên đã trực tiếp liên hệ với nhân vật và phát hiện thông tin không ngờ.
Cụ thể, một nhân vật bệnh nhân trong video tiết lộ: “Những lời quảng cáo trong video là do Công ty Botania viết kịch bản và đưa cho tôi nói”.
Khi được hỏi những thông tin chia sẻ có chính xác hay không ông này còn không giấu giếm mà cho hay: “Quảng cáo thì cứ bốc phét lên, ai tin thì kệ người ta”.
Nhân vật này cũng không ngần ngại chia sẻ: “Tôi đến công ty và họ nói nhờ quảng cáo rồi họ bồi dưỡng cho ít tiền ăn sáng. Tôi cũng chỉ quảng cáo cho họ về sản phẩm Bonigout để kiếm vài trăm tiêu và để ăn sáng thôi. Công ty họ đến quay video quảng cáo từ năm 2016 và đến nay (2023) tôi vẫn được họ trả mỗi tháng 5 trăm ngàn đồng và 1 lọ Bonigout có giá khoảng hơn 400 ngàn đồng”.
Theo lời chia sẻ của người đàn ông này, khi kiểm chứng lại thông tin phóng viên phát hiện các video đều được đăng tải từ rất lâu, trong đó có những video từ tận năm 2017 và có lượng người xem rất lớn lên đến con số hơn 15 ngàn lượt.
Không chỉ sản phẩm Bonigout đang được quảng cáo, nói quá sự thật mà trên các website còn có rất nhiều video quảng cáo nói khống về công dụng về các sản phẩm khác như Bonidiabet+ dành cho người bị tiểu đường, rồi Bonibaio+ dành cho người bị đại tràng …


Sản phẩm Bonidiabet, Bonibaio… cũng đang được giới thiệu rầm rộ, nói khống về công dụng
Đáng buồn thay, vì tin theo lời quảng cáo, thay vì đến bệnh viện, nhiều người khi bị bệnh lại chọn mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng để sử dụng. Chỉ đến khi sử dụng một thời gian dài không thấy khỏi bệnh, họ mới tìm đến bệnh viện thì đã bỏ qua mất giai đoạn “vàng” điều trị bệnh và phải gánh chịu nhiều hậu quả đối với sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.
Luật Quảng cáo 2012 quy định: “Cấm quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm”.
Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rất rõ về Tội quảng cáo gian dối.
Cụ thể: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất địnhtừ 01 năm đến 05 năm”.
Liên quan việc sử dụng hình ảnh dược sĩ, người bệnh để quảng cáo, giới thiệu về thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 cũng nêu rõ: “Không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Quy định là thế, tuy nhiên tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát bất chấp những khốn khó người bệnh phải gánh chịu.