Còn nhiều rào cản thách thức trong sử dụng phương tiện giao thông điện

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao công bố Báo cáo khảo sát người tiêu dùng về phương tiện giao thông điện tại Việt Nam.

Báo cáo này cung cấp cái nhìn tổng thể về thị trường xe điện từ góc độ của người tiêu dùng, bao gồm nhu cầu và kỳ vọng, tiềm năng dựa trên các khía cạnh chi phí, công nghệ, lợi ích, tiềm năng và mức độ sẵn sàng tiếp cận xe điện của các nhóm người tiêu dùng khác nhau. Báo cáo cũng xác định những hạn chế, rào cản và thách thức chính cản trở việc sử dụng xe điện. Báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách và đề xuất của người tiêu dùng với đơn vị sản xuất, cung ứng nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện tại Việt Nam.

Còn nhiều rào cản thách thức trong sử dụng phương tiện giao thông điện

Việt Nam đã và đang thực hiện các bước để thúc đẩy việc sử dụng xe điện trong những năm gần đây. “Để định hướng cho ngành giao thông vận tải đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 876, trong đó quy định lộ trình chuyển đổi sang xe điện đối với xe buýt, xe taxi và giao UBND các tỉnh, thành phố thúc đẩy người dân chuyển đổi sang phương tiện giao thông cá nhân sử dụng điện,” ông Trần Ánh Dương, Phó Vụ trưởng – Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Bộ giao thông vận tải cho biết.

“Khảo sát thị trường các nhóm người tiêu dùng về xe điện sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho các Bộ và UBND các tỉnh, thành phố làm cơ sở đề ra chính sách phù hợp để thúc đẩy sự chuyển đổi của người dân.”

Theo báo cáo này, mức độ chấp nhận và sử dụng đa dạng các loại phương tiện giao thông điện, gắn liền với các nhận thức và trách nhiệm ngày càng gia tăng về lợi ích giảm phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, tiết kiệm chi phí vận hành. 78% người tiêu dùng được phỏng vấn chưa sử dụng phương tiện giao thông điện cho biết họ mong muốn được chuyển đổi sang sử dụng phương tiện điện trong tương lai.

Mức giá các loại phương tiện giao thông điện trên thị trường hiện nay tương đối phù hợp với mong đợi của đa số người tiêu dùng, cụ thể mức giá người tiêu dùng mong đợi đối với xe đạp điện là khoảng từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, đối với xe máy điện trong khoảng từ 10 – 40 triệu đồng, và đối với xe hơi điện là từ 550 triệu đến 850 triệu đồng.

Người tiêu dùng coi lợi ích đối với môi trường và tiết kiệm chi phí là hai ưu điểm vượt trội của phương tiện giao thông điện so với phương tiện sử dụng động cơ đốt trong. Họ kỳ vọng các loại phương giao thông điện trên thị trường có chủng loại đa dạng, giá thành, các yếu tố an toàn sử khi sử dụng, tuổi thọ công nghệ pin, thời gian xạc pin, quảng đường di chuyển, có các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật phù hợp.   

Đây là một số nội dung báo cáo dựa trên cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến và trực tiếp tại 8 tỉnh/thành phố với hơn 1280 người tiêu dùng. Kết quả khảo sát hành vi người tiêu dùng cho thấy: Khi lựa chọn phương tiện giao thông điện, người tiêu dùng rất quan tâm đến các yếu tố an toàn sử dụng, tuổi thọ pin và độ bền phương tiện, quãng đường di chuyển, giá thành và thời gian sạc pin. Hiện nay, người tiêu dùng thường mang pin cũ tới nơi sửa chữa, thay thế và trả thêm ít chi phí để đổi lấy pin mới.

Báo cáo cũng nhận diện những hạn chế, rào cản và thách thức chính cản trở việc sử dụng xe điện dựa trên các đánh giá của người tiêu dùng như tuổi thọ pin kém, thời gian sạc pin lâu, khó mua linh kiện thay thế, dịch vụ cung ứng và hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ tiếp cận phương tiện giao thông điện hiện nay chưa đáp ứng tốt kỳ vọng của người tiêu dùng.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Đào Xuân Lai – Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh “Chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển giao thông xanh cũng như phương tiện giao thông điện đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Đó cũng là cơ hội để ngành giao thông vận tải của Việt Nam phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thêm ngành kinh tế xanh, thêm nhiều việc làm và thu hút nhiều đầu tư. UNDP cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển phương tiện giao thông điện bền vững, đồng thời sẽ đóng góp vào các chính sách và hoạt động để giúp đẩy mạnh tiến trình này.”

Báo cáo khảo sát Người tiêu dùng về phát triển giao thông điện được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Chuyển dịch bền vững giao thông bằng điện” do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Dự án này nhằm hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông vận tải thông qua tạo hệ sinh thái dành cho xe điện và phát triển giao thông xanh ở cấp quốc gia và triển khai một số mô hình thí điểm chuyển đổi giao thông điện tại cấp địa phương.

Một số hoạt động cụ thể của dự án như hỗ trợ xây dựng Chương trình quốc gia phát triển giao thông vận tải hành khách đường bộ thân thiện môi trường, hỗ trợ xây dựng 03 tiêu chuẩn về trạm xạc điện, tổ chức đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và các hoạt động truyền thông.

Các mô hình thí điểm được thực hiện tại thành phố Huế như thí sử dụng xe điện phục vụ thu gom rác, xe điện trong vận tải hàng hóa chặng cuối, thí điểm cơ chế tài chính thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông điện, hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý xe điện chia sẻ.

Lê Kim Liên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích