Phê duyệt danh mục có 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp tại Hà Nội

Phê duyệt danh mục có 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp tại Hà Nội

Theo dõi MTĐT trên

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt danh mục có 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố.

Tại nhiều nước trên thế giới, cây xanh, hồ nước được ví như “lá phổi xanh” của đô thị. Ao, hồ, cây xanh giúp điều hoà không khí, giảm khói bụi và tăng cường sức khoẻ, ổn định đời sống dân cư. Trong các bản quy hoạch, các đô thị lớn đều tránh những nơi có cây xanh, hồ nước tự nhiên để thực hiện dự án. Thậm chí, họ còn tạo ra nhiều hồ nước nhân tạo để góp phần điều hòa không khí, tạo cảnh quan.

tm-img-alt
Công viên nằm ở vùng đông bắc Phần Lan, nổi tiếng với các khu rừng rậm cùng với rất nhiều hồ nước trong như pha lê, rất lý tưởng đối với những du khách có sở thích đi bộ đường dài. Ảnh ITN

Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến được biết đến là một đô thị có hệ sinh thái cảnh quan phong phú với hệ thống ao, hồ và cây xanh đa dạng. Trong quá trình chuyển mình để trở thành đô thị hiện đại, vai trò của hệ thống ao, hồ Hà Nội càng quan trọng hơn trong chức năng sinh thái xã hội, môi trường, điều hòa ngập úng, điều hòa không khí và giúp Hà Nội thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều hồ Hà Nội gắn liền với các địa danh văn hóa, lịch sử tâm linh tạo nên những giá trị văn hóa riêng cho Hà Nội.

tm-img-alt
Một góc bán đảo Quảng An, Hồ Tây. Ảnh ITN

Mang nhiều ý nghĩa như vậy, nhưng do sự phát triển của Thủ đô, theo thời gian, số lượng ao, hồ trên địa bàn Thủ đô sụt giảm một cách đáng báo động. Nguyên nhân xuất phát từ việc san lấp để nhường chỗ cho dự án. Diện tích, số lượng ao, hồ bị thu hẹp cũng đã gây ra nhiều hệ lụy: Ngập lụt, ô nhiễm không khí, hệ sinh thái bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống của cư dân khu vực bị giảm sút… Nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cũng bị phôi phai theo sự sụt giảm của hệ thống ao, hồ. Song để cứu vãn những ao, hồ còn lại, Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn.

tm-img-alt
Người dân tổ 11, 12 phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) treo băng rôn phản đối việc san lấp 2 hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy (hay còn gọi là hồ Bà Đồ). Ảnh ITN

Nhiều năm qua, không ít các hồ nước Hà Nội là “nạn nhân” của tình trạng “bê tông hóa”. Các công trình, dự án mọc lên từ những hồ nước tự nhiên bị san lấp. Nhiều ao, hồ bị thu hẹp diện tích, ô nhiễm môi trường, thậm chí là bị trục lợi bất hợp pháp, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Phổ biến việc lấn chiếm áo hồ ở nhiều nơi như: Người dân vô tư xả rác, vật liệu xây dựng xuống ao, hồ. Có nơi thì bị đổ đất cơi nới xây dựng công trình. Có nơi đất ao hồ công cộng nhưng bị cá nhân chiếm giữ hoặc thuê lại không đúng mục đích sử dụng. Đặc biệt, còn có trường hợp nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh quy hoạch, lấp ao hồ để xây dựng các tòa nhà cao tầng.

Cách đây khoảng hơn 10 năm, khu vực các quận như Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam – Bắc Từ Liêm, Tây Hồ là những vùng có nhiều ao, hồ. Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá và tăng trưởng dân số đã dẫn đến nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng cao. Ao, hồ là một trong những mục tiêu lấn chiếm, san lấp.

tm-img-alt
Tình trạng san lấp, lấn chiếm hồ, ao tại Hà Nội diễn ra ngày càng phức tạp. Ảnh ITN

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010 – 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Cụ thể, trong 6 quận nội thành, quận Ba Đình số hồ vẫn giữ nguyên và có thêm 2 hồ; quận Hoàn Kiếm giữ nguyên hiện trạng; quận Đống Đa mất 4 hồ, không có hồ thêm; quận Hai Bà Trưng mất đi 3 hồ, không có hồ thêm; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, thêm 3 hồ và quận Tây Hồ mất đi 2 hồ, thêm được 2 hồ.

Ngoài việc giảm số lượng, tổng diện tích mặt nước ao, hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm đi. Năm 2010 tổng diện tích mặt nước ao, hồ là 7.031.845 m2 nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6.959.305 m2. Như vậy, so với năm 2010, diện tích mặt nước ao, hồ Hà Nội đã giảm đi 72.540 m2.

Điều đáng lo ngại, đây mới chỉ là nghiên cứu trong 6 quận trung tâm của nội thành Hà Nội. Ví dụ như quận Đống Đa có nhiều ao, hồ nhất thành phố (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010 – 2015) đã san lấp 4 ao, hồ. Ngoài ra, diện tích các hồ khác cũng mất đi gần 15.000 m2. Nguyên nhân chủ yếu là do bị san lấp và bị lấn chiếm hoặc nằm trong vùng quy hoạch dự án.

tm-img-alt
Lấy lý do nhằm cải tạo lại khu chung cư Thành Công đã xuống cấp, một trong những phương án mà Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đưa ra lần này là đề xuất mở rộng diện tích 4.267 m2 mặt hồ Thành Công để làm nhà tái định cư. Đây không phải là lần đầu tiên hồ Thành Công bị đề nghị lấp một phần mà trước đó, tháng 4.2017, tại hội thảo cải tạo chung cư cũ, Vihajico đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1 ha diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ. Ngay khi nhận được thông tin, người dân sống quanh khu vực hồ Thành Công (lâu nay vốn đã bức xúc vì tình trạng cao ốc bủa vây hồ) lại “dậy sóng”.

Trước thực trạng suy giảm ao, hồ, UBND TP.Hà Nội cũng đã nỗ lực thúc đẩy công tác kè hồ. Năm 2010, có 80% hồ đã kè toàn phần, chiếm 66,5% số lượng ao, hồ Hà Nội; 10 hồ chỉ kè một phần, chiếm 80%; và 32 hồ chưa kè, chiếm 26%. Trong đó, có 73% số hồ đã kè toàn phần có môi trường bờ được đánh giá là sạch và khá sạch, 23% là bẩn và 4% được đánh giá là rất bẩn. Đối với các ao, hồ chỉ được kè một phần hoặc chưa kè, chỉ có 18 % số hồ được đánh giá là sạch và khá sạch, nhưng có tới 20% là bẩn và 62% là rất bẩn.

Đến năm 2015, có 86 hồ đã kè toàn phần, chiếm 77% số lượng ao, hồ Hà Nội; 13 hồ chỉ kè một phần, chiếm 11,5%; và 13 hồ chưa được kè, chiếm 11,5%. Số lượng ao, hồ đã được kè toàn phần tăng lên đáng kể và chất lượng vệ sinh ở các hồ khá tốt, 82% số hồ đã kè toàn phần có môi trường bờ được đánh giá sạch và khá sạch. Tuy nhiên, vẫn còn 14% là bẩn và 4% là rất bẩn. Đối với các ao, hồ chỉ được kè một phân và chưa được kè chỉ chiếm 20% ao, hồ có môi trường hành lang bờ sạch và rất sạch và có đến 52%, chất lượng rất bẩn, 28% có chất lượng bẩn.

tm-img-alt
Bán đảo Linh Đàm nằm ở phía Nam của Thủ đô, thuộc địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Đây là bán đảo được xếp vào hàng đẹp nhất và lớn nhất Hà Nội với diện tích 200 ha, trong đó hệ thống hồ nước rộng trên 70 ha bao quanh khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. Ảnh TL

Công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp

Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định.

Trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp xem xét đánh giá sự phù hợp của giải pháp thiết kế đồ án với Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp được duyệt và các giải pháp hoàn trả (nếu có); tổng hợp báo cáo UBND TP xem xét đồng thời trong quá trình phê duyệt đồ án.

tm-img-alt

Hà Nội phê duyệt danh sách hơn 3.000 hồ, ao không được san lấp (Ảnh: Internet)

UBND các quận, huyện, thị xã, TP thông báo, phổ biến nội dung Quyết định này đến UBND các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố và các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý danh mục hồ, ao đầm không được san lấp trên địa bàn để biết và triển khai thực hiện. Các đơn vị kiểm tra, rà soát, đối chiếu danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp với quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt để tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo thống nhất; kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm, sử dụng không đúng mục đích.

Theo danh mục được phê duyệt, các quận có số lượng hồ ít như: Quận Hoàn Kiếm 1, Hai Bà Trưng 9, Ba Đình 11, Thanh Xuân 9, Đống Đa 15, Tây Hồ 18, Cầu Giấy 29… Các huyện có số lượng hồ, ao, đầm lớn như: Thanh Oai 275, Quốc Oai 276, Thường Tín 239, Đan Phượng 210, Phú Xuyên 201, Mê Linh 181, Phúc Thọ 178, Hoài Đức 126, Thạch Thất 151…

Nay UBND TP Hà Nội công khai ban hành danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm siết chặt quản lý, để người dân thực hiện và giám sát, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm.

Các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm cần xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm kịp thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.

UBND TP Hà Nội đề nghị cộng đồng dân cư không được tự ý san lấp, lấn chiếm trái phép hồ, ao, đầm và cần sử dụng không đúng mục đích.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định “công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích” (Điều 57). Trong khi đó, Luật Kiến trúc (2019) cũng yêu cầu các công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố, bao gồm cả đài phun nước đều phải đảm bảo thiết kế phù hợp với cảnh quan và đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ (Điều 11).

Mặt khác, chúng ta không thể quên công viên và cây xanh đô thị cũng là một loại tài sản công quan trọng và quý giá. Điều 4 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công (2017) nêu rõ tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng bao gồm nhiều công trình kết cấu hạ tầng. Trong đó, bao gồm hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa và hạ tầng du lịch.

Như vậy, chính ao, hồ, công viên và cây xanh đô thị thuộc về ba loại tài sản kết cấu hạ tầng nêu trên. Đã là tài sản công thì phải được quản lý và khai thác “công khai, minh bạch, chống lãng phí, chống tham nhũng và đúng pháp luật” (Điều 6). Và rõ ràng, những đề xuất lấp hồ, lấp diện tích cây xanh đều phản khoa học, trái ngược lại với các quan điểm bảo vệ môi trường.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích