Nhà máy thuỷ điện cao nhất thế giới của Trung Quốc sẽ được vận hành vào năm 2024

Nhà máy thuỷ điện cao nhất thế giới của Trung Quốc sẽ được vận hành vào năm 2024

Theo dõi MTĐT trên

Trung Quốc đang gấp rút hoàn thành nhà máy thủy điện khổng lồ Maerdang công suất 2,2 triệu kW trên độ cao 5000 mét thượng nguồn sông Hoàng Hà cung cấp khoảng 7,3 tỷ tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm khi hoạt động.

Nhà máy thủy điện Maerdang, cơ sở có độ cao lớn nhất thuộc ngành thủy điện trên thượng nguồn sông Hoàng Hà, đang được xây dựng và dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 3/2024.

Nằm trên độ cao 5.000 mét so với mực nước biển dọc theo sông Hoàng Hà thuộc tỉnh Thanh Hải, nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt là 2,2 triệu kilowatt dự kiến ​​sẽ tạo ra sản lượng trung bình hơn 7,3 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm sau khi đi vào hoạt động đầy đủ, cắt giảm 2,56 triệu tấn than tiêu chuẩn tương đương và 8,16 triệu tấn khí thải carbon dioxide.

Dự án cũng là cơ sở năng lượng sạch tích hợp đầu tiên của công ty Năng lượng Trung Quốc bao gồm thủy điện, năng lượng mặt trời và lưu trữ năng lượng. Công ty cho biết doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt hơn nguồn năng lượng sạch dồi dào ở phía tây Trung Quốc đồng thời mang lại lợi ích cho những khu vực phía đông đang thiếu năng lượng.

tm-img-alt
Dự án nhà máy thủy điện Maerdang dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 3/2024. Ảnh: Getty Images

Li Hongxin, phó giám đốc Qinghai Maerdang Co Ltd, một đơn vị thừa hành của China Energy cho biết, dự án gần như đã hoàn thành. Công ty cam kết đảm bảo dự án được đưa vào vận hành đúng tiến độ bất chấp tác động của dịch Covid-19 trong những năm vừa qua.

Công ty Năng lượng Trung Quốc (China Energy Investment) hiện đang đẩy mạnh xây dựng năng lượng sạch trong bối cảnh toàn quốc đang phục hồi lại hoạt động kinh doanh sản xuất. Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng thúc đẩy sản xuất năng lượng nhằm đạt được mục tiêu về năng lượng sạch đã đề ra.

Ngoài nhà máy thủy điện Maerdang ở Thanh Hải, cơ sở năng lượng sạch của công ty ở Ninh Hạ với tổng công suất năng lượng mặt trời là 3 triệu kW cũng đang được xây dựng với tốc độ tối đa.

Đây là dự án đầu tiên của đất nước nhằm đáp ứng tham vọng của nhà nước, phát triển nhanh hoạt động xây dựng các cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở sa mạc Gobi và những khu vực khô hạn khác trong nhằm phát triển năng lượng tái tạo và cải thiện môi trường sống, phù hợp với sự phát triển chung của đất nước.

Giai đoạn đầu tiên với công suất 1 triệu kW năng lượng mặt trời dự kiến ​​sẽ sớm kết nối với lưới điện, trong khi giai đoạn thứ hai với 2 triệu kW cũng dự kiến ​​sẽ được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động cuối năm 2023.

Các nhà phân tích thế giới cho biết, động thái tiếp tục phát triển các dự án năng lượng của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng thế giới cũng như quá trình chuyển đổi xanh.

Lin Boqiang, nhà lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn cho biết, việc tiếp tục các dự án năng lượng trên toàn quốc, bao gồm xây dựng các nhà máy hạt nhân và thủy điện, các trang trại năng lượng mặt trời và gió, góp phần vào nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải carbon và chống biến đổi khí hậu.

Nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc sẽ là nguồn năng lượng an toàn, bền vững khi quốc gia đang phát triển các dự án năng lượng sạch đáp ứng những mục tiêu quốc tế về khí hậu. Ông Lin cho biết, Trung Quốc hiện có hệ thống cung cấp năng lượng an toàn và bền vững hơn so với ngay cả các quốc gia phát triển khác.

Dự án Maerdang có một đập chắn bê tông bắt đầu được xây dựng từ năm 2012 dọc theo sông Hoàng Hà ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Nhà máy có tổng công suất lắp đặt khoảng 2,2 triệu kW, sản xuất điện năng trung bình hơn 7,3 tỷ kWh/năm khi chạy hết công suất, giúp giảm 2,56 triệu tấn tiêu thụ tương đương than tiêu chuẩn và 8,16 triệu tấn khí thải carbon dioxide.

Năm 2022, Trung Quốc cũng mới hoàn thành việc xây dựng nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than – công trình thủy điện lớn thứ hai trên sông Dương Tử. Cơ sở này được trang bị 16 tua-bin 1GW, đưa tổng công suất lắp đặt lên 16GW khiến nó trở thành nhà máy phát điện thủy điện lớn thứ hai trong nước và thế giới, sau đập Tam Hiệp.

Việc xây dựng trên đập bắt đầu vào năm 2017 và nhà máy dự kiến có thể sản xuất ra 62,44 kWh mỗi năm, tiết kiệm khoảng 90,45 triệu tấn than mỗi năm và cắt giảm 248,4 triệu tấn khí thải carbon dioxide hàng năm. Bạch Hạc Than là một trong sáu nhà máy thủy điện khổng lồ dọc theo sông Dương Tử.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích