Sở hữu trí tuệ là công cụ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo
Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang phát triển như vũ bão, gia tăng độ phức tạp, tạo ra nhiều đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực, ví dụ như sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học.
Những thành tựu công nghệ mới tác động tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Trong cuộc cách mạng này, các quốc gia cần tích cực và chủ động ban hành các chính sách, chiến lược phù hợp để không bị tụt hậu với sự phát triển nhanh và mạnh của kỷ nguyên số, của trí tuệ nhân tạo.
Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một chủ trương lớn được các cấp lãnh đạo của Việt Nam quan tâm chỉ đạo. Điều này thể hiện rõ trong các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và cụ thể hóa bằng nhiệm vụ xác định trong các chương trình, kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và địa phương. Trong đó phải kể đến Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trọng tâm của Quyết định hướng tới tầm nhìn năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Ảnh minh hoạ
Cũng theo ông Đinh Hữu Phí, nói tới đổi mới sáng tạo, nói tới nền kinh tế tri thức hay CMCN 4.0, chúng ta không thể không quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ là công cụ để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, là một trong các trụ cột quan trọng để mỗi quốc gia phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế và cũng là cơ hội để đón nhận các thành quả của CMCN 4.0.
Chính vì vậy, cùng với những nỗ lực tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, các vấn đề khác liên quan tới CMCN 4.0 đã và đang được thảo luận và xem xét một cách tích cực, với mục tiêu đáp ứng được các nhu cầu mới của xã hội và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia. Ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động quản lý về sở hữu trí tuệ nhưng cũng đồng thời phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ thể tạo ra và sở hữu các thành quả đó bằng hệ thống sở hữu trí tuệ đủ mạnh là mục tiêu hướng tới của mỗi quốc gia.
Trong cuộc CMCN 4.0 trí tuệ nhân tạo đã làm cho cuộc sống của chung ta có sự thay đổi lớn, đồng thời cũng đem lại nhiều thách thức cho hệ thống sở hữu trí tuệ của quốc gia và quốc tế. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các quốc gia đều đang nỗ lực xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ, kể cả các nước hàng đầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng đang nghiên cứu nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo hộ đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mới.
Đây cũng là thách thức rất lớn cho Chính phủ Việt Nam, đưa hệ thống sở hữu trí tuệ phát triển đồng bộ và theo kịp sự lan rộng của các công nghệ tiên phong trong mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, đồng hành cùng cộng đồng các nhà khoa học và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia Việt Nam luôn lắng nghe và đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, sẵn sàng tiếp thu những ý kiến, đề xuất phù hợp để có thể đưa ra giải pháp cụ thể cho những rào cản mà hệ thống sở hữu trí tuệ đang gặp phải trong việc xác lập quyền đối với các công nghệ tiên phong, đưa công nghệ tiên phong phục vụ hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.
Phong Lâm