Báo Xây dựng với công cuộc chuyển đổi số

(Xây dựng) – Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt ngày 03/6/2020, công cuộc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí đã đạt được những kết quả rõ nét. Chuyển đổi số góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động tại các cơ quan báo chí theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tờ báo. Nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, thời gian qua, Báo Xây dựng đã tích cực thực hiện chủ trương số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động.

Báo Xây dựng với công cuộc chuyển đổi số
Ông Nguyễn Sơn Tùng – Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng (Phụ trách Báo điện tử Xây dựng).

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí; công cuộc chuyển đổi số được các cơ quan báo chí nói chung và Báo Xây dựng nói riêng triển khai ra sao? Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Sơn Tùng – Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng (Phụ trách Báo điện tử Xây dựng).

PV: Thưa ông, “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mà Thủ tướng đã phê duyệt có ý nghĩa như thế nào đến quá trình chuyển đổi số tại các tòa soạn?

Ông Nguyễn Sơn Tùng: Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Chuyển đổi số là công việc trọng tâm của nhiều cơ quan, tổ chức và báo chí không nằm ngoài xu thế này. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi. Chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị “đào thải”, cần chủ động thay đổi, hợp tác với các cơ quan truyền thông khác để tạo chỗ đứng, vị thế trong làng báo chí công nghệ. Ở thời điểm hiện tại, vai trò của công nghệ là điều không thể phủ nhận. Báo chí không thể phát triển được nếu không có công nghệ song hành.

Hiện nay, các cơ quan báo chí tại Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ. Các báo có quá trình hình thành, phát triển với những đặc thù nhất định về cơ sở vật chất là tổ chức bộ máy nhân sự đan xen giữa cũ và mới, giữa tư duy làm báo cũ và cách thức làm báo theo công nghệ mới… Làm thế nào để dung hòa giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới tại các cơ quan báo chí trước nhu cầu chuyển đổi số hiện nay là vấn đề mà nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt. Chính vì vậy, “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt như “kim chỉ nam” cho các cơ quan báo chí. Không chỉ nằm ở việc tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới mà còn hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số được thuận tiện hơn: Nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.

PV: Theo ông, những điểm “được” lớn nhất khi các cơ quan báo chí chuyển đổi số là gì?

Ông Nguyễn Sơn Tùng: Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ mà còn là về tư duy. Chuyển đổi số làm thay đổi cơ bản cách vận hành của cơ quan báo chí nhằm cung cấp giá trị và lợi ích lớn hơn cho đối tượng mà tổ chức ấy phục vụ (bạn đọc, công ty truyền thông, khách hàng quảng cáo…).

Trước đây, với mỗi một công việc/nhóm công việc của một tòa soạn sẽ thực hiện trên các phần mềm khác nhau, độc lập, riêng rẽ. Ví dụ, Phòng Hành chính – trị sự dùng các phần mềm quản lý văn bản để lưu trữ, chuyển văn bản đi, văn bản đến; Ban Báo Xây dựng điện tử tác nghiệp trên CMS báo điện tử; Ban Thư ký tòa soạn tác nghiệp trên tòa soạn điện tử báo in; lãnh đạo tòa soạn muốn theo dõi hoạt động của toàn bộ tòa soạn thì phải đăng nhập vào các phần mềm khác nhau… thì ngày nay, toàn bộ cán bộ, nhân viên của tòa soạn chỉ phải đăng nhập vào nền tảng tòa soạn số duy nhất để xử lý các công việc của mình.

Việc ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ thông minh nhân tạo (AI), phân tích và xử lý dữ liệu lớn (Big Data)…trong các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí di động, báo chí đa nền tảng… sẽ giúp tạo ra các sản phẩm thông minh hơn trước.

Các hệ thống tự động, thông minh sẽ cho phép các tòa soạn tạo ra các bài báo hay tin tức một cách tự động, bán tự động. Việc xuất bản cũng ngày càng đơn giản hơn với các kỹ thuật, công nghệ phụ trợ. Đồng thời, tăng cường thu thập thông tin trực tiếp từ bạn đọc để hiểu rõ về độc giả, từ đó đưa ra các chiến lược sản xuất, phân phối nội dung phù hợp với từng bạn đọc.

Có thể thấy, chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí.

PV: Theo ông, việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí nên được tiến hành như thế nào?

Ông Nguyễn Sơn Tùng: Theo tôi, chuyển đổi số trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo. Trong một cơ quan báo chí, nếu người lãnh đạo có tư duy về chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công đã được 60%. Nếu lan tỏa tư duy chuyển đổi số đến mọi hoạt động trong tòa soạn thì sẽ có thể chuyển đổi số thành công.

Mỗi tờ báo cần xây dựng cho mình một chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, giữ chân được lượng độc giả trung thành và duy trì được nội dung cung cấp cho độc giả thì khả năng chuyển đổi số thành công sẽ cao hơn.

Theo tôi, chuyển đổi số trong cơ quan báo chí có hai mảng rõ ràng. Một là quản trị nội bộ với những hoạt động hàng ngày, văn bản, giấy tờ giao việc, quản trị nhân sự… mảng này tách biệt và khá ổn định, mức đầu tư cũng không lớn. Mảng thứ hai là chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý phổ biến và lưu trữ nội dung, đòi hỏi đầu tư rất lớn.

Tuy nhiên, việc áp dụng tại các cơ quan báo chí sẽ có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ nào phù hợp với tòa soạn thì đầu tư, áp dụng, không nên áp dụng máy móc theo xu hướng thế giới. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh thì mới có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả. Tương lai của báo chí tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy doanh thu cũng như quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch quảng cáo dựa trên nắm bắt xu thế độc giả và thu thập dữ liệu độc giả trực tiếp.

Báo Xây dựng với công cuộc chuyển đổi số
Thời gian qua, Báo Xây dựng đã thực hiện chuyển đổi số về mặt nội dung và trong quản trị nội bộ.

PV: Vậy xin ông cho biết, việc chuyển đổi số tại Báo Xây dựng đang được triển khai thế nào?

Ông Nguyễn Sơn Tùng: Thực hiện chiến lược chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí đến năm 2025, định hướng 2030, Báo Xây dựng đang triển khai công việc này. Chúng tôi xác định được 02 nội dung cần phải làm là chuyển đổi số về mặt nội dung và chuyển đổi số trong quản trị nội bộ. Hiện nay, ngoài ấn phẩm Báo in, chúng tôi có Báo điện tử hoạt động đa phương tiện, đa nền tảng. Chúng tôi cũng áp dụng công nghệ mới vào các sản phẩm báo chí, như: Sử dụng trí tuệ nhân tạo AI cho việc đọc tự động, Media, Infographic. Các nội dung cũng được lựa chọn hình thức truyền tải một cách hiệu quả và hấp dẫn qua các video, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube để lan tỏa và tiếp cận nhiều đối tượng bạn đọc.

Cùng với việc thực hiện chuyển đổi số về mặt nội dung, chúng tôi cũng đang tiến hành chuyển đổi số trong quản trị nội bộ. Trong thời gian tới, Báo Xây dựng sẽ áp dụng phần mềm để quản lý, điều hành công việc. Chúng tôi quan niệm rằng, một tờ báo hoạt động trong môi trường số thì bản thân tòa soạn phải được số hóa trong khâu vận hành.

Bên cạnh đó, tòa soạn cũng thường xuyên cử các kíp phóng viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại, xây dựng các tác phẩm báo chí đa phương tiện. Một phóng viên có thể vừa quay phim, chụp ảnh, viết, dựng video, thiết kế đồ họa bài E-magazine, infographic… Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng tờ báo in và Báo điện tử Xây dựng với đa dạng các loại hình báo chí: Báo viết, báo điện tử, truyền hình, thay đổi công nghệ làm báo và cách tiếp cận với độc giả, đưa thông tin một cách nhanh nhất, kịp thời, đa dạng nhất, Báo Xây dựng đang từng bước đáp ứng yêu cầu của độc giả trong thời đại công nghệ số hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích