Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn: ‘Mệnh lệnh’ không thể trì hoãn (B3)

Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn: ‘Mệnh lệnh’ không thể trì hoãn (B3)

Theo dõi MTĐT trên

Để hoạt động “làm sạch môi trường” thực sự bền vững, nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn hiện nay cần phải đồng bộ hơn từ “gốc” tới "ngọn."

Bài 3: Xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn: Phải đồng bộ từ “gốc” tới “ngọn”

Sau một thời gian triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, hầu hết lãnh đạo các cấp địa phương, cơ quan quản lý nơi triển khai dự án (như tỉnh Lâm Đồng, Nghệ An, Bạc Liêu), đều khẳng định đây là việc làm rất ý nghĩa và được người dân ủng hộ cao.

Tuy vậy, để hoạt động “làm sạch môi trường” thực sự bền vững, nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn hiện nay cần phải đồng bộ hơn từ “gốc” (thu gom, xử lý sau phân loại rác) tới “ngọn” (phân loại rác ngay từ phía các hộ gia đình).

Sau phân loại, rác vẫn chịu cảnh “3 trong 1”

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại thành phố Đà Lạt (1 trong 3 địa phương được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn) cho thấy quá trình “làm sạch môi trường” trên thực tế mới giải quyết được phần “ngọn,” còn phần “gốc” vẫn bất cập, khi rác thải đang phải chịu cảnh “gom chung,” dẫn tới hiệu quả xử lý rác không cao.

Phản ánh với phóng viên, ông Trần Bổ, Tổ trưởng Tổ dân phố 20, phường 2, cho biết hiện nay, mặc dù người dân phân loại rác thải tại nguồn rất tốt, nhưng thùng đựng rác lớn ở ngoài đường lại không cố định (nay để, mai dời đi). Ngoài ra, xe vận chuyển rác thải thực phẩm hàng ngày cũng không cố định. Chưa kể, thời gian đầu, túi đựng rác thải mà người dân sử dụng cũng chỉ có mỗi một màu đen.

Gần đây, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ người dân túi đựng rác theo 3 màu khác nhau (gồm túi màu xanh, màu vàng và màu đỏ), nhưng khi người dân đem rác tới điểm tập kết thì vẫn phải cho vào chung một thùng rác lớn.

“Nhiều người có phản ánh với tôi rằng tại sao ở nhà họ đã phân loại rác mà khi thu gom lại vẫn để chung vào một thùng rồi cho lên cùng một xe? Vì vậy, tôi cho rằng việc này cần phải thay đổi theo hướng đồng bộ hơn trong các khâu để công sức người dân phân loại rác không bị lãng phí,” ông Bổ nói.

Thừa nhận bất cập trên, ông Trần Hữu Toàn, Phó Đội trưởng Đội Môi trường đô thị thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt cho biết từ khi triển khai mô hình phân loại rác đến nay, người dân đã ý thức hơn trong việc vứt rác. Tuy nhiên, do các điểm tập kết còn thiếu thùng đựng rác phân loại theo màu (hiện chỉ có 1 màu), nên khi người dân đem rác ra điểm thu gom thì các loại rác vẫn còn phải để lẫn lộn vào nhau.

Xu ly rac thai ran sinh hoat tai nguon: 'Menh lenh' khong the tri hoan hinh anh 1
Mặc dù người dân đã làm tốt việc phân loại rác thải tại nguồn, song khi đem ra điểm thùng tập kết, rác vẫn còn phải để lẫn lộn vào nhau. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Cách Đà Lạt khoảng hơn 1.100km, việc triển khai mô hình thí điểm phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở xã Kim Liên (xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cũng chung tình cảnh tương tự.

Là cán bộ “bám địa bàn” để phổ biến kỹ thuật, triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải, ông Tạ Văn Trung – đại diện Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) cho biết thời gian qua, người dân Kim Liên đã phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn rất tốt. Thế nhưng sau khi ra khỏi nhà dân, toàn bộ rác vẫn phải chịu cảnh “3 trong 1” – chung một thùng rác lớn. Sau đó, toàn bộ rác thải lại “lên” cùng một xe về bãi chôn lấp.

Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng nên nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt của toàn huyện Nam Đàn hiện nay vẫn chưa được triển khai xây dựng. Vì thế, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân xã Kim Liên đang trực tiếp ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần môi trường đô thị tỉnh Nghệ An để thu gom, xử lý.

Công tác thu gom rác thải rắn sinh hoạt được tiến hành tại các hộ gia đình bằng xe thu gom đẩy tay, sau đó vận chuyển ra các điểm tập kết và được xe cuốn ép rác vận chuyển về xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), nhưng tần suất chỉ có 3 đợt/tháng.

Để đảm bảo đồng bộ công tác thu gom, vận chuyển và phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ông Trung cho biết Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường đã làm việc với đơn vị thu gom vận chuyển rác, đề nghị tăng tần suất thu gom vận chuyển và bố trí vận chuyển riêng các chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.

“Tuy nhiên, do kinh phí thu gom chỉ được lấy từ thu phí của các hộ dân với mức 7.000 đồng/khẩu/thán nên việc tăng tần suất thu gom hay tăng số đợt thu gom nhằm vận chuyển riêng từng loại chất thải rắn sau khi phân loại vẫn còn rất khó khăn,” ông Trung nói.

Cần giải pháp đồng bộ từ “gốc” tới “ngọn”

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại Nam Đàn, đại diện Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết đơn vị này đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đàn tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét, bố trí một phần kinh phí hỗ trợ mua thùng ủ phân cho các hộ dân tại xã Kim Liên (ngoài phần Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ) trong bối cảnh nhà máy xử lý rác thải của huyện chưa thể đi vào hoạt động.

Xu ly rac thai ran sinh hoat tai nguon: 'Menh lenh' khong the tri hoan hinh anh 2
Cán bộ Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường chia sẻ với người dân xã Kim Liên về việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đàn cần yêu cầu chủ đầu tư nhà máy xử lý rác thải của huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện nhà máy. Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Nghệ An và Ủy ban Nhân dân xã Kim Liên nghiên cứu phương án thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn đảm bảo đồng bộ với công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của người dân.

Về phía địa phương, ông Hồ Sỹ Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đàn cho biết việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải cho toàn huyện Nam Đàn là rất cấp thiết, bởi theo dự báo bãi rác chung của thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) – nơi đang tiếp nhận nguồn rác thải của huyện này, đến khoảng năm 2027 sẽ quá tải.

Tuy vậy, ông Hải cũng bày tỏ nỗi trăn trở, bởi để triển xây dựng khai nhà máy xử lý rác thải tập trung của toàn huyện Nam Đàn, thì hiện tại, địa phương còn cần trên 14 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Đây là khoản kinh phí “quá sức” của huyện.

“Với nguồn kinh phí trên, chúng tôi rất khó triển khai dự án. Vì thế, chúng tôi rất mong Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh Nghệ An và Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới Trung ương quan tâm, có cơ chế, trích nguồn sự nghiệp hỗ trợ kinh phí để huyện Nam Đàn triển khai xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tập trung trên địa bàn,” ông Hải nói.

Cùng chia sẻ khó khăn trong công tác xử lý rác thải rắn sinh hoạt, ông Nguyễn Văn Trãi – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cũng thẳng thắn cho biết hiện nay, năng lực thu gom rác thải của công ty vệ sinh môi trường còn hạn chế do “lực” của công ty không đủ mạnh, dẫn tới chưa đủ phương tiện xe thu gom.

Trong khi đó, ở các hộ gia đình, việc phân loại rác thải rắn sinh hoặt 3 ngăn đang được áp dụng theo 3 màu túi khác nhau, nhưng khi người dân đem rác ra các thùng đựng cũng như xe chở rác lại cho vào chung một chỗ. Vì thế, thời gian qua, người dẫn cũng băn khoăn: Liệu rằng phía nhà máy có xử lý đến nơi đến chốn? hay công sức mà người dân bỏ ra, tuân thủ theo quy định lại trở nên “công cốc?”

“Tôi cho rằng năng lực thu gom, thiết bị thu gom là vấn đề cần suy nghĩ. Từ việc phân loại đến thu gom, xử lý cần phải là một quy trình đồng bộ. Ví dụ hiện nay, rác đang được phân loại theo 3 màu túi khác nhau thì khi thu gom cũng phải trang bị 3 loại thùng và 3 loại xe tương ứng với các màu túi riêng biệt,” ông Trãi nhấn mạnh.

Xu ly rac thai ran sinh hoat tai nguon: 'Menh lenh' khong the tri hoan hinh anh 3
Năng lực thu gom rác thải của công ty vệ sinh môi trường còn hạn chế. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Ngoài ra, mặc dù thành phố Đà Lạt đã có nhà máy xử lý rác thải rắn (do doanh nghiệp đầu tư) với công suất 200 tấn/ngày đêm, nhưng công nghệ đốt cũng đã lạc hậu. Vì vậy, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cho rằng về lâu dài, nhà nước cần nghiên cứu lại việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải.

“Tôi cho rằng chỉ có Nhà nước mới đầu tư xây dựng được nhà máy xử lý rác thải tới nơi, tới chốn được. Còn xã hội hóa, để làm được công nghệ tiên tiến, hiện đại thì đòi hỏi nhà đầu tư, doanh nghiệp phải có ‘lực’ rất mạnh,” ông Trãi nhấn mạnh.

“Liệu cơm gắp mắm,” tránh gây lãng phí

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus trong quá trình đi khảo sát dự án thí điểm mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại Đà Lạt vào giữa tháng 12/2022, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (nay là Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng chỉ ra thực tế việc thu gom, xử lý rác thải sau phân loại tại nguồn vẫn còn rất hạn chế.

Vì thế, ông Thịnh đề nghị thời gian tới, công tác thu gom rác thải tại các địa phương triển khai dự án cần phải giám sát chặt hơn; đảm bảo rác sau khi đã được người dân phân loại đem ra thùng tập kết cũng phải phân loại thành từng thùng khác nhau.

Bên cạnh đó, túi đựng rác cũng cần phải điều chỉnh theo các loại màu khác nhau, bởi túi một màu sẽ khó giám sát. “Việc này không chỉ khó cho người thu gom, mà còn mất niềm tin với chính người dân phân loại rác. Vì vậy, công tác thu gom, phân loại cần phải được điều chỉnh, phải làm thật, làm tốt, đồng bộ trong các khâu,” ông Thịnh nói.

Xu ly rac thai ran sinh hoat tai nguon: 'Menh lenh' khong the tri hoan hinh anh 4
Ông Nguyễn Hưng Thịnh (chính giữa) chia sẻ trong quá trình đi khảo sát dự án thí điểm mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở thành phố Đà Lạt. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Ông Thịnh cũng lưu ý để đảm bảo việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn triển khai hiệu quả theo quy định mới (chậm nhất là ngày 31/12/2024), trước mắt các địa phương có thể hỗ trợ người dân túi đựng rác thải theo màu để người dân làm quen ban đầu. Về sau, khi người dân đã hình thành thói quen thì áp dụng theo quy định tính phí.

Tương tự, với thùng đựng rác chung ở các điểm tập kết, ông Thịnh cho rằng nếu để một chỗ 3 thùng đựng rác to sẽ lãng phí, chưa kể ở giữa thành phố Đà Lạt – tìm được vị trí “đẹp” để làm chỗ bố trí thùng rác là rất khó khăn. Thế nên, phía địa phương có thể sử dụng 1 thùng rác gắn nhãn dán mang tính chất “di dộng.”

“Ví dụ từ thứ Hai đến thứ Sáu, chỉ thu rác thải theo túi màu xanh thì sử dụng tấm biển nhãn dán màu xanh có ghi rõ nội dung trên biển. Đến thứ Bảy thu rác thải theo túi màu vàng thì treo tấm biển màu vàng. Chủ Nhật thu rác theo túi màu đỏ thì bộ phận thu gom kết hợp với tổ dân phố lại treo tấm biển màu đỏ. Như vậy, chúng ta chỉ cần treo tấm biển tương ứng với loại rác theo ngày. Còn địa phương nào rộng và có nguồn lực lớn thì có thể đầu tư thùng đựng rác theo màu,” ông Thịnh gợi ý.

Về đề xuất đầu tư xe thu gom, vận chuyển rác thải theo màu, ông Thịnh khẳng định nhiều nước trên thế giới như Pháp đã áp dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa làm được bởi chi phí đầu tư rất lớn. Do vậy, trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn khó khăn, ông Thịnh khuyến cáo các địa phương cần “liệu cơm gắp mắm” để đưa ra phương án xử lý phù hợp.

“Trước mắt, các địa phương có thể vận dụng hiệu quả bằng những xe hiện có; nếu chưa đủ thì thực hiện việc dán nhãn xe theo ngày, thời gian và lộ trình cụ thể,” ông Thịnh nhấn mạnh./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích