Hưng Yên: Người chăm sóc, nhân giống và bảo tồn giống nhãn cùi cổ
Hưng Yên: Người chăm sóc, nhân giống và bảo tồn giống nhãn cùi cổ
Theo dõi MTĐT trên
Trên địa bàn hai xã Tân Hưng và Hồng Nam, thuộc thành phố Hưng Yên hiện còn 147 cây nhãn cổ đầu dòng, có tuổi đời nhiều trăm năm tuổi, đặc biệt trong số đó duy nhất chỉ còn lại một cây nhãn cùi cổ.
Trên địa bàn hai xã Tân Hưng và Hồng Nam, thuộc thành phố Hưng Yên hiện còn 147 cây nhãn cổ đầu dòng, có tuổi đời nhiều trăm năm tuổi, đặc biệt trong số đó duy nhất chỉ còn lại một cây nhãn cùi cổ. Có thể nói ở tỉnh Hưng Yên cũng chỉ còn duy nhất rặng nhãn cổ quý hiếm này với các loại nhãn ngon nổi tiếng Phố Hiến như nhãn lồng, đường phèn…
Năm 2021 thành phố Hưng Yên đã giao cho HTX nhãn lồng Nễ Châu chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, bảo tồn, phục vụ khai thác và nhân giống các dòng nhãn cổ quý hiếm dọc theo triền đê tả sông Hồng thuộc địa bàn thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam.
Ông Bùi Xuân Tám – Giám đốc HTX nhãn lồng Nễ Châu là người tâm huyết với cây nhãn nói chung, và đặc biệt đối với cây nhãn cùi cổ nói riêng, ông coi trọng cây nhãn như hơi thở bản thân, ông có thể không ăn, không ngủ khi cây nhãn cùi cổ bị sâu bệnh chưa tìm ra phương án cứu chữa cho cây.
Từ thập niên 1980-1990, ông đã phát hiện rặng nhãn cổ nói trên chỉ còn duy nhất một cây nhãn cùi cổ, ông âm thầm ươm gieo, triết ghép giống nhãn cổ quý hiếm này, cho đến nay vườn nhãn cùi cổ của ông có gần 100 cây, cây to nhất năm 2022 đã cho 2,5 tạ quả, bán giá 90 ngàn đồng/kg (gấp 10 lần giá trị nhãn Hương chi và các loại nhãn khác). Ông Tám hiện cũng là Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn Nễ Châu, ông cho biết hiện ông đã đặt mua 1.000 cây nhãn con, sẽ ghép mắt nhãn cùi cổ và tặng các cựu chiến binh xã Hồng Nam mỗi người một cây, với mong muốn các gia đình hội viên CCB tham gia và phát triển nhân ra diện rộng nguồn nhãn cổ đặc sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, làm giàu cho gia đình và quê hương.
Năm 2022, ông Tám mang sản phẩm nhãn cùi cổ dự hội thi nhãn đầu dòng của tỉnh Hưng Yên, quả nhãn ngon đặc sắc đã đem về cho ông tấm giấy chứng nhận của sở NN&PTNN tỉnh. Cũng từ hội thi này, nhiều nhà vườn, các doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài tỉnh đã xin số điện thoại, đến thăm quan, ký hợp đồng với nhãn cùi cổ của ông.
Đặc biệt năm 2022, lãnh đạo bộ Ngoại giao và đại sứ quán 14 nước tại Việt Nam đã về thăm và sau khi thưởng thức quả nhãn cùi cổ đã đánh giá rất cao, đây là cơ hội để bạn bè quốc tế biết đến sản phẩm đặc sản này của Việt Nam.
Ông cũng cho biết nhu cầu đặt mua cây và số lượng nhãn quả cùi cổ là rất lớn, nhưng hiện ông mới chỉ ký hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu đi Châu Âu với số lượng rất khiêm tốn, khoảng 1-2 tấn quả mỗi năm, ông cho rằng chỉ thời gian ngắn nữa thôi, cây nhãn cùi cổ sẽ đem lại cuộc sống sung túc, kinh tế phát triển cho người dân thôn Nễ Châu nói riêng và xã Hồng Nam nói chung.
Được biết chủ trương của lãnh đạo xã Hồng Nam cho thành lập HTX Xanh Phố Hiến, do chị Bùi Thị Thu Hường là con gái ông Tám làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, HTX đã đi vào hoạt động, nhiệm vụ chính yếu là nghiên cứu, nhân giống gen các dòng nhãn cổ quý hiếm, nhân rộng ra toàn xã.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị