TP.HCM: Cảnh báo thủ đoạn đe dọa khoá sim để lừa đảo
Công an TP.HCM cho biết, thời gian gần đây, có thông tin phản ánh về việc một số người dân nhận được cuộc gọi thông báo về tình trạng khóa sim điện thoại (sau ngày 31/3) và yêu cầu thực hiện các thủ tục khai báo thông tin cá nhân bằng cách ấn phím điện thoại và làm theo hướng dẫn.
Tuy nhiên, đây không phải là cách thức cảnh báo, thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao của các nhà mạng và có thể coi là một thủ đoạn nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dùng.
Trước tình hình trên, Công an TP.CM đề nghị người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không cung cấp, tiết lộ thông tin cá nhân theo các phương thức trên. Khi người dân có nhu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao, cần liên hệ nhà mạng để thực hiện theo đúng quy định.
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua mạng, điện thoại ngày càng nhiều. Trong ảnh: Nhiều đối tượng đã dùng thủ đoạn “con cấp cứu” để lừa đảo phụ huynh trên địa TP.HCM. |
Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai nhiều biện pháp kết nối dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phát hiện còn nhiều trường hợp thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này, nhất là giải quyết tình trạng sử dụng sim thuê bao di động không đúng quy định, được biết các doanh nghiệp viễn thông (nhà mạng) sẽ gửi tin nhắn cho những thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để đề nghị cập nhật dữ liệu.
Thuê bao sẽ bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày kể từ ngày nhận thông báo; dừng 2 chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo; 30 ngày sau khi bị dừng 2 chiều nếu vẫn không thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ chấm dứt hợp đồng thuê bao.
Việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng là cần thiết, góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng sim điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Cảnh báo lừa đảo “con cấp cứu” Liên quan đến tình trạng lừa đảo qua điện thoại, trước đó, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện một số đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh là giáo viên hoặc nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp các bậc phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang được nhập viện cấp cứu tại một số bệnh viện, yêu cầu phải chuyển tiền nhanh để đóng viện phí . Trước tình hình trên, Công an TP.HCM cảnh báo người dân khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn…, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin. Trường hợp không có căn cứ rõ ràng (thông báo thu viện phí của cơ sở khám chữa bệnh…), người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Khi bị đối tượng lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất (Công an phường, xã, thị trấn, Công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức) hoặc liên hệ Trực ban Công an Thành phố (qua số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp Cơ quan Công an nhanh chóng điều tra, xử lý. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô