Coi chừng gặp nạn vì gắng tập thể dục

Coi chừng gặp nạn vì gắng tập thể dục

Theo dõi MTĐT trên

Dù cơ thể đau nhức hay đã xuất hiện tổn thương vi thể, nhiều người vẫn quyết tâm tập thể dục đều đặn với cường độ cao nhằm đạt được mục đích nâng cao sức khỏe, giảm cân, hay tăng cường cơ bắp…

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc – khoa y học thể thao, Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) – cho hay trong đa số các môn thể thao, vị trí quan trọng nhất luôn cần được bảo vệ để an toàn tính mạng cho người tập luyện bao gồm cổ, gáy.

Chấn thương cột sống cổ được xem như là một trong những chấn thương nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhất.

Nếu như trong quá trình tập luyện, việc dùng các trợ cụ thể thao quá chặt ở các vùng có động mạch lớn đi qua như cổ và bụng vẫn có thể kích hoạt phản xạ của cơ thể làm giảm nhịp tim, nhịp thở. Điều này có thể khiến người tập luyện bị ngất, nếu không xử trí đúng cách có thể diễn tiến đến hôn mê.

Một vị trí khác ít được quan tâm hơn là ở vùng gáy – chúng đóng vai trò như cơ quan điều nhiệt của cơ thể. Trong trường hợp chạy bộ ngoài trời, nắng gắt chiếu vào nhưng không được che phủ hợp lý, hoặc che phủ bằng cách quấn khăn làm cản trở quá trình thoát nhiệt thì có thể dẫn đến việc người tập bị say nóng, say nắng.

Trả lời câu hỏi sau khi tập thể dục, làm sao để người tập luyện biết được cơ thể đã phục hồi để tham gia vào buổi tập kế tiếp, bác sĩ Tiến Lộc cho hay việc đau nhức cơ khi chơi thể thao là một trong những phản ứng có lợi của cơ thể, vì khi chơi thể thao cường độ cao, các cơ sẽ có hiện tượng bị tổn thương vi thể (nghĩa là những tổn thương không thể nhìn thấy bằng mắt thường).

Vì vậy, trước khi đến buổi tập kế tiếp, người tập phải chắc chắn rằng mình không còn đau nhức nữa (quá trình này kéo dài khoảng 36 tiếng sau buổi tập trước) để không làm trầm trọng thêm tình trạng vi tổn thương.

Ngoài ra các chấn thương ở vùng cổ và gáy, thì chấn thương thường gặp khác chủ yếu ở hệ thống cơ xương khớp. Khi cơ thể tự chữa lành, phản ứng viêm sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nếu phản ứng viêm kéo dài sẽ dẫn đến các hiện tượng viêm gân, viêm cơ. Nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể diễn tiến đến hiện tượng đứt gân do quá tải.

Để phòng tránh các chấn thương trên, cần khởi động thật kỹ, tập luyện thường xuyên các bài tập tăng cảm giác và thăng bằng ở cổ chân và khớp gối. Khi tập thể thao tại nhà một mình với bất kỳ bộ môn nào, nên bổ sung đầy đủ nước điện giải.

Ngoài ra, thời gian phục hồi cơ thể cũng là yếu tố cần được quan tâm đến. Khoảng thời gian này sẽ tùy thuộc vào cường độ tập luyện và tính chất của mỗi môn thể thao. Tuy nhiên, để dễ áp dụng thì người chơi thể thao cần phải có khoảng nghỉ giữa hai buổi tập kéo dài khoảng 36 tiếng để cơ thể sẵn sàng cho buổi tập kế tiếp.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích