Hơn 400 người thiệt mạng do bão Freddy ở Malawi và Mozambique

Hơn 400 người thiệt mạng do bão Freddy ở Malawi và Mozambique

Theo dõi MTĐT trên

Bão Freddy đã khiến hơn 400 người thiệt mạng tại Malawi, Mozambique và Madagascar từ khi đổ bộ vào bờ biển châu Phi vào cuối tháng 2 và quay lại khu vực này vào cuối tuần qua.

Theo số liệu chính phủ, sau khi quay lại châu Phi lần thứ 2 vào hôm 11/3, bão Freddy đã khiến ít nhất 53 người thiệt mạng tại Mozambique và 326 người tử vong ở Malawi. Trước đó, theo Reuters, trong lần đầu tiên đổ bộ vào cuối tháng 2, cơn bão này đã khiến 27 người thiệt mạng tại Madagascar và Mozambique.

“Hơn 500.000 người đã bị ảnh hưởng”, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết trong một báo cáo, đồng thời thông tin thêm rằng hơn 183.100 người đã phải di dời.

Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera vào hôm 16/3 đã đến thăm bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth và cầu nguyện cùng các nạn nhân. Bên cạnh hàng trăm người thiệt mạng, cơn bão cũng khiến 700 người khác bị thương tại Malawi.

Freddy là một trong những cơn bão dài nhất và gây ra thiệt hại nặng nề nhất từng được ghi nhận ở châu Phi trong những năm gần đây.

Điều cuối cùng mà Lukia Akimu nhớ được chính là hình ảnh nước lũ cuốn trôi ngôi làng của cô ở gần núi Soche khi bão Freddy quét qua miền Nam Malawi. Khi tỉnh dậy, cô thấy mình đang ở bệnh viện, đầu cô được băng bó và nẹp cố định ở cổ.

“Nước tràn ngập và một số người bị cuốn đi. Sau đó tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cũng như ai là người đưa mình đến bệnh viện”, người phụ nữ 35 tuổi kể lại khi đang nằm trên giường ở bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth.

Theo Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Biến đổi khí hậu Malawi, tuy cơn bão Freddy đã đi qua, một số khu vực tại nước này dự kiến vẫn phải chịu tình trạng mưa lớn, có khả năng gây ra lũ lụt.

tm-img-alt
Hậu quả của một trận lở đất gây ra bởi cơn bão Freddy tại làng Mtauchira ở Malawi. Ảnh: Reuters.

Mặc dù lưới điện bắt đầu được phục hồi tại Malawi vào hôm 16/3, nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão vẫn trong tình trạng thiếu nước sạch, trong đó Blantyre, thành phố lớn thứ 2 của quốc gia châu Phi.

Nhiều người dân tại thành phố này cho biết họ ước rằng bản thân đã tuân thủ lệnh di tản của chính quyền trước khi bão đổ bộ. Những người này không hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình và giờ đây không biết cuộc sống của họ sẽ đi về đâu.

“Rất khó để mọi người hiểu được chuyện gì đang xảy ra trước khi cơn bão đến. Tôi cảm thấy may mắn vì đã sống sót”, Logasiano Misoya, một cư dân của thành phố Blantyre, cho biết.

Trong khi đó, tại Mozambique, một số ngôi làng đã hoàn toàn bị cô lập sau khi bão Freddy đổ bộ vào châu Phi lần thứ 2.

“Chúng tôi đã huy động tàu thuyền và các phương tiện khác tham gia vào công tác tìm kiếm cứu nạn. Có rất nhiều người vẫn đang bị mắc kẹt. Những người này đang thiếu lương thực và cần chăm sóc y tế”, ông Paulo Tomas, người phát ngôn cơ quan kiểm soát thảm họa Mozambique cho biết.

Tổng thống Chakwera xác nhận, cho đến nay, Chính phủ Malawi đưa ra con số hơn 183.000 người phải sơ tán, đồng thời kêu gọi viện trợ toàn cầu để giải quyết các nhu cầu nhân đạo.

Hơn 300 cơ sở trú ẩn khẩn cấp đã được lập ra cho những người sống sót, trong khi quân đội và cảnh sát tiếp tục tìm kiếm các thi thể.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cơn bão ập đến khi Malawi đang trong đợt bùng phát dịch tả nguy hiểm nhất. Người phát ngôn của UNICEF Fungma Fudong nói với hãng tin AFP, “nguy cơ đợt bùng phát dịch tả đang diễn ra có thể trở nên tồi tệ hơn, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước cuộc khủng hoảng này”.

UNICEF lưu ý rằng bão nhiệt đới Freddy đã khiến hơn 280.000 trẻ em ở Malawi cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này Ambrose Lufuma cho biết trong một tuyên bố, nước láng giềng Zambia đã hỗ trợ các trang thiết bị cứu trợ và thực phẩm, bao gồm hàng trăm lều, chăn, màn, ngô và đậu.

Những cơn mưa đã dịu bớt kể từ ngày 15/3 nhưng bão Freddy vẫn đang trên đà trở thành một trong những cơn bão nhiệt đới kéo dài nhất thế giới.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích