Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/3/2023

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/3/2023

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/3/2023, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất tại Hà Nội ngày 17/3 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Nội: Lập hàng rào tôn quây kín chung cư cũ G6A Thành Công

Tin tức trên Tiền Phong, ngày 17/3, chung cư cũ G6A Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) – một chung cư được kiểm định thuộc cấp độ D (nguy hiểm) bị rào kín bằng tôn.

Trước đó, ngày 13/3, UBND phường Thành Công đã có thông báo gửi đến cư dân về việc rào tôn đảm bảo an toàn tại tầng 1 đơn nguyên 1, 2 toà nhà G6A tập thể Thành Công.

tm-img-alt

Cụ thể, theo thông báo này, Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Ba Đình tổ chức thi công rào tôn trong 2 ngày 15, 16/3. Phường đề nghị 21 hộ dân nghiêm túc thực hiện các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời người và tài sản ra khỏi nhà nguy hiểm cấp độ D; phối hợp, tạo điều kiện để đơn vị thi công thực hiện các biện pháp rào tôn và lắp biển cảnh báo.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trên địa bàn quận đã di dời xong 4/5 nhà chung cư nguy hiểm. Toà nhà G6A Thành Công gồm 49 hộ, đã di dời được 28 hộ, còn 21 hộ chưa di dời và đang có một số yêu cầu như: không công nhận kết quả kiểm định nhà là cấp D; muốn có chủ đầu tư trước thoả thuận về diện tích căn hộ, quyền lợi… “Quận đã tổ chức đối thoại với tất cả các hộ này ngày 17/2 và giải đáp các thắc mắc của các hộ dân”, ông Chiến nói.

Cụ thể, ông Chiến cho biết, theo quy định, các chung cư cũ có kết quả kiểm định cấp độ D (nguy hiểm) đều được các cơ quan có uy tín kiểm định, đặc biệt chung cư cũ G6A Thành Công đã được kiểm định lần thứ 2 và vẫn cho kết quả như lần kiểm định đầu (cấp độ D). Việc di dời các hộ dân đang sinh sống tại đây là để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Hà Nội có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

KT&ĐT đưa tin, sáng 17/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU cùng đoàn công tác TP kiểm tra thực tế mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Đông Anh.

Đồng thời chủ trì Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo quý I/2023 về việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình 04-CTr/TU trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận một số cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.

Tham gia buổi làm việc có Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cùng đoàn công tác TP kiểm tra công trình Nhà văn hóa Tổ dân phố Thị trấn Đông Anh; Trường Mầm non Phúc Lộc, xã Uy Nỗ; Dự án kè sông Đào và đường gom hai bên Quốc lộ 3; dự án kè ao hồ và đường giao thông xung quanh thôn Lương Nỗ, xã Tiên Dương; Nhà văn hóa huyện và kè ao hồ, cảnh quan xung quanh Nhà văn hóa huyện Đông Anh.

tm-img-alt
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn công tác TP kiểm tra Dự án kè sông Đào và đường gom hai bên Quốc lộ 3.

Trình bày báo cáo tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU quý I/2023, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, trong năm 2022, TP có thêm 3 huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Phú Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; nâng tổng số huyện đạt chuẩn NTM tính đến hết năm 2022 lên 15/18 huyện, thị xã.

Đối với 3 huyện chưa đạt, đến nay, huyện Ứng Hòa và huyện Ba Vì đã được Đoàn thẩm định của TP thẩm định; các sở, ngành có báo cáo đánh giá; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã lấy ý kiến sự hài lòng của Nhân dân đủ điều kiện. Sở NN&PTNT đã có Tờ trình đề nghị tổ chức họp, xét công nhận huyện Ứng Hòa và huyện Ba Vì đạt chuẩn NTM năm 2022 gửi UBND TP. Còn huyện Mỹ Đức đã cơ bản đủ điều kiện theo quy định, hiện đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ dự kiến gửi Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM trong tháng 3/2023 để tiến hành thẩm định, lấy ký kiến các sở ngành trước khi trình UBND TP theo quy định.

Về xây dựng huyện NTM nâng cao, hiện nay có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai đã có văn bản đăng ký và cam kết hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2023.

Với nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong năm 2022, toàn TP có thêm 63 xã được thẩm định đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 38 xã so với kế hoạch TP giao) và đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao toàn TP đến hết năm 2022 lên 111 xã. Cũng trong năm 2022, TP có thêm 15 xã được thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM (đạt kế hoạch), đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu toàn TP đến hết năm 2022 lên 20 xã…

Hà Nội tuyên dương học sinh xuất sắc đạt giải Nhất quốc gia năm học 2022-2023

Tin trên KT&ĐT, chiều 17/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm học 2022- 2023.

Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 – 2023, Hà Nội có 12 đội tuyển tham gia dự thi với 184 học sinh ở 12 môn thi gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga và Tiếng Trung.

Thành viên của các đội tuyển đến từ 7 trường: THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (có 122 em), THPT chuyên Nguyễn Huệ (có 31 em), THPT Chu Văn An (có 25 em), THPT Sơn Tây (có 3 em), Hà Nội Academy (1 em), THPT Thường Tín (1 em) và THPT Phùng Khắc Khoan – Thạch Thất (1 em).

tm-img-alt
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trao thưởng cho 13 học sinh đạt giải Nhất Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 – 2023.

Để chuẩn bị tham dự kỳ thi, toàn bộ thành viên của các đội tuyển đã được Sở GD&ĐT Hà Nội bố trí học tập, ôn luyện tập trung tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam trong 3 tháng.

Kiến thức, hình thức thi được các thầy cô định hướng, học sinh tập dượt kỹ càng ở các môn, nhất là trong thi viết, lập trình trên máy tính ở môn Tin học và hình thức thi nói ở mức độc thoại với các môn Ngoại ngữ. Quy trình và kỹ thuật xử lý trên thiết bị ghi âm, lập trình được thực hiện nhuần nhuyễn.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đồng bộ, hiện đại và liên kết với các trường, viện nghiên cứu. Đội ngũ giáo viên được tập huấn nâng cao năng lực, giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề, có kỹ năng sư phạm tốt, có kinh nghiệm và bề dày thành tích trong việc ôn luyện đội tuyển các năm trước. Lãnh đạo Sở và các nhà trường thường xuyên nắm tình hình, thăm hỏi, động viên, khích lệ thầy trò.

Kết quả, Hà Nội đạt 141 giải/184 học sinh dự thi (đạt tỷ lệ 76,6%), trong đó có 13 giải Nhất, 46 giải Nhì, 41 giải Ba và 41 giải Khuyến khích (tăng 16 giải và 6 giải Nhất so với năm học 2021- 2022).

Đáng chú ý, Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam có 100 giải. Với thành tích này, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số giải và cũng là địa phương có nhiều học sinh đạt giải Nhất.

Hà Nội phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%

L&XH đưa tin, TP Hà Nội sẽ tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 14.720 người, trong đó: Đào tạo cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật; người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; người chấp hành xong hình phạt tù là 14.202 người. Thông qua đào tạo góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5% trở lên.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 83/KH-UBND về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023.

tm-img-alt
Hà Nội phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%.

Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 14.720 người, trong đó: Đào tạo cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật; người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; người chấp hành xong hình phạt tù là 14.202 người.

Đào tạo cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội là 500 người. Thông qua đào tạo góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5% trở lên.

Để làm tốt nhiệm vụ này, UBND TP giao các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân; tạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trên địa bàn TP trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn TP.

Đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá dịch vụ đào tạo, mức hỗ trợ các đối tượng, các nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trình UBND TP phê duyệt. Xây dựng kế hoạch, triển khai công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hoạt động đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.

Các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; thông tin tuyên truyền về kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn TP.

Hà Nội: Kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, ngăn trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Tin trên ANTĐ, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Bảo hiểm xã hội Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cụ thể hàng tháng, quý phân tích, đánh giá dữ liệu chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế các cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán trên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, xác định các cơ sở khám chữa bệnh có chi phí gia tăng bất thường như: Chỉ định bệnh nhân vào nội trú, kéo dài ngày điều trị, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế quá mức cần thiết…

Tổ chức kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế về sử dụng quỹ bảo hiểm y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhất là các cơ sở khám chữa bệnh có chi phí gia tăng bất thường.

Phối hợp Sở Y tế thực hiện dừng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở khám chữa bệnh không chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Tăng cường công tác truyền thông về bảo hiểm y tế, có giải pháp vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với từng nhóm đối tượng, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế được giao; nâng cao vai trò giám sát chi phí khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

Thực hiện báo cáo tình hình chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và sử dụng dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2023 với UBND Thành phố theo quy định.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích