Hiệu quả hoạt động xây dựng TCVN cho đô thị thông minh

Có rất nhiều nghiên cứu và đánh giá về đô thị thông minh, tuy nhiên, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật còn ít được thảo luận trong các tài liệu hiện hành. Bài báo này trình bày sơ lược vấn đề về các định nghĩa đô thị thông minh và TCVN về đô thị thông minh quan trọng đã được xây dựng và công bố. Các TCVN được xác định rõ ràng cho phép so sánh mức độ triển khai giữa các đô thị thông minh.

Giới thiệu

Đến năm 2050, dự kiến 66% dân số toàn cầu sẽ sống ở các khu vực thành thị. Thách thức sẽ là cung cấp cho người dân nguồn tài nguyên thiết yếu bao gồm năng lượng đầy đủ, nước sạch và thực phẩm an toàn, đồng thời đảm bảo sự bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Trên thế giới, một số thành phố mong muốn chuyển đổi thành các đô thị thông minh của ngày mai.

Tuy nhiên, những thách thức cần vượt qua để thực hiện điều này bao gồm việc hoạch định kế hoạch phức tạp bao gồm các bên tham gia công và tư, nhà cung cấp sản phẩm và nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin. Một đô thị thông minh cần nền tảng của hạ tầng công nghệ thông tin dựa trên các tiêu chuẩn đáp ứng, hỗ trợ một loạt yêu cầu, thích ứng với công nghệ mới, chẳng hạn như cảm biến tiên tiến, các công cụ đo lường và phân tích cũng như giải pháp được thúc đẩy bởi học máy và trí tuệ nhân tạo.

Những lợi ích của đô thị thông minh bao gồm việc tạo ra các triển vọng chính về tính bền vững, phòng chống thiên tai, hiệu quả kinh doanh, an toàn công cộng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, có những thách thức chính cần được giải quyết đòi hỏi một đô thị thông minh phải hướng đến: i) các nhu cầu được áp dụng để chứng minh mối quan hệ thực nghiệm giữa mục đích và công nghệ; ii) để tạo ra sự hiểu biết lý thuyết và thực tiễn đối với những vấn đề về quyền riêng tư của các bên tham gia trong đô thị thông minh.

Tại Việt Nam, tình hình triển khai phát triển đô thị thông minh đang diễn ra mạnh mẽ và rất tích cực. Tính đến nay có khoảng 30 tỉnh trên cả nước đã và đang có kế hoạch phát triển theo mô hình đô thị thông minh, khoảng 12 tỉnh dự kiến triển khai thí điểm đô thị thông minh ở quy mô đô thị hoặc khu đô thị. Một số địa phương đi đầu đã có những triển khai cụ thể nhằm bắt tay vào xây dựng nền tảng cho đô thị thông minh, phê duyệt đề án xây dựng đô thị thông minh, xây dựng và vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh/thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế; triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị…

Để phát triển đô thị thông minh hiệu quả cần phải có tiêu chuẩn. Trong đó, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp tạo ra sự kết nối giữa các bộ phận; tiêu chuẩn về dữ liệu giúp đảm bảo một khuôn mẫu dữ liệu chuẩn, thống nhất áp dụng cho mọi mức độ, nhu cầu khai thác khác nhau, đảm bảo tính bảo mật thông tin truy cập và khai thác; tiêu chuẩn quản lý tạo ra một khuôn khổ giao tiếp chung, các thành tố khác nhau đều có định dạng kết nối chung.

Tất cả những điều này rất có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ, nhà vận hành và người khai thác để có ngôn ngữ chung, một cách tiếp cận thống nhất trong triển khai áp dụng, kiểm tra, đánh giá, giao dịch, quản lý chất lượng, liên kết phối hợp, chia sẻ khai thác. Nếu thiếu tiêu chuẩn, đô thị thông minh sẽ chỉ là những mảng sáng rời rạc, không có tính liên kết, thiếu tính tổng thể và tất nhiên sẽ không thể phát huy hiệu quả cao nhất của một đô thị hiện đại.

Hay nói cách khác, tiêu chuẩn sẽ hỗ trợ cho sự phát triển đô thị thông minh một cách hiệu quả và toàn diện. Do vậy, bên cạnh nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh, một công việc quan trọng khác không thể không nhắc đến, đó là những nỗ lực xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và các tiêu chí đánh giá đô thị thông minh.

Vần đề về định nghĩa đô thị thông minh

Một trong những lý do của việc thiếu định nghĩa chung về đô thị thông minh là do các đô thị thông minh cụ thể cung cấp các chức năng và thực thể liên quan đa dạng khác nhau. Do đó, các định nghĩa hiện có có thể thay đổi rất nhiều. Có một số định nghĩa cho đô thị thông minh được các tổ chức và các bên liên quan khác nhau đưa ra. Sự đồng thuận phổ biến nhất cho định nghĩa đô thị thông minh là đô thị thông minh sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và điện tử khác nhau để chuyển đổi môi trường sống với công nghệ thông tin và truyền thông.

Một số định nghĩa gắn đô thị thông minh là thành phố sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, đô thị thông minh không chỉ đơn giản là có công nghệ thông tin và truền thông mà còn phải phát triển công nghệ khác để đạt được những tác động tích cực đến cộng đồng.

Một số định nghĩa về đô thị thông minh từ các tổ chức tiêu chuẩn, tổ chức nghề nghiệp, cơ quan chính phủ được đưa ra như: ITU-T, ISO/IEC, BSI (Anh), SAC (Trung Quốc), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Ủy ban Châu Âu, Viện Kỹ sư Điện và Điện tử, Liên minh Cộng đồng Thông minh Nhật Bản…

Các định nghĩa này đã nêu ra sự giống và khác nhau trong định nghĩa đô thị thông minh có thể được tóm tắt: Sự giống nhau: Nâng cao mức sống bằng cách đưa ra các quyết định phù hợp thông qua công nghệ tiên tiến để thu thập, xử lý và đánh giá dữ liệu; i) Hệ thống được tích hợp để trao đổi thông tin; ii) Người dân tiếp cận thông tin tốt hơn về môi trường xung quanh; iii) Tính bền vững và bảo tồn môi trường cần được tối đa hóa. Sự khác biệt: Các lĩnh vực hoặc yếu tố của đô thị thông minh, ví dụ: giao thông, năng lượng và y tế, v.v. có thể khác nhau do lợi ích của từng thành phố.

Hoạt động xây dựng TCVN trong đô thị thông minh

Vấn đề tiêu chuẩn hóa đô thị thông minh có phạm vi rộng, liên quan không chỉ toàn bộ lĩnh vực đô thị, công nghệ thông tin mà còn bao gồm một số lĩnh vực khác như môi trường, chất lượng sống… Các tiêu chuẩn về đô thị thông minh cơ bản được phân thành 03 lớp: lớp chiến lược, lớp quy trình và lớp kỹ thuật.

– Lớp Chiến lược: Là những tiêu chuẩn đô thị thông minh nhằm mục đích hướng dẫn lãnh đạo đô thị và các tổ chức khác về “quá trình xây dựng một chiến lược đô thị thông minh toàn diện, rõ ràng và hiệu quả”. TCVN này bao gồm hướng dẫn xác định các ưu tiên, làm thế nào để xây dựng lộ trình thực hiện và theo dõi, đánh giá hiệu quả tiến độ theo lộ trình.

– Lớp Quy trình: Là các tiêu chuẩn tập trung vào việc cung cấp bài học thực tiễn tốt nhất trong quản lý các dự án đô thị thông minh có tính liên ngành và liên cơ quan, bao gồm cả hướng dẫn về việc kết hợp các gói tài chính phù hợp với nhau.

– Lớp Kỹ thuật: Bao gồm vô số các thông số kỹ thuật cần thiết nhằm triển khai các sản phẩm và dịch vụ của đô thị thông minh để đạt được các mục tiêu chung.

Hình 1 – Ba lớp tiêu chuẩn trong đô thị thông minh. 

Các tiêu chuẩn thuộc lớp chiến lược phù hợp nhất cho cấp lãnh đạo; tiêu chuẩn lớp quy trình phù hợp với những cán bộ quản lý. Tuy nhiên, các cán bộ quản lý cũng cần biết các tiêu chuẩn lớp kỹ thuật khi phải mua các sản phẩm và dịch vụ.

Từ năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn về đô thị thông minh. Hiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) phục vụ cho phát triển đô thị thông minh đã được xây dựng và đang đẩy mạnh hoạt động phối hợp, xây dựng và triển khai áp dụng. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 950/QĐ-TTg, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai xây dựng 23 dự thảo TCVN và công bố 14 TCVN khung về đô thị thông minh sau đó có kế hoạch cụ thể để các bộ, ngành xây dựng tiêu chuẩn về các lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ đô thị thông minh như chiếu sáng thông minh, giao thông thông minh, v.v. (cụ thể trên Hình 2).

Hình 2 – Các TCVN về Đô thị thông minh và liên quan. 

Kết luận

Đô thị thông minh là đô thị thông minh và bền vững; một đô thị thông minh đòi hỏi phải sử dụng các công nghệ mới, bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông mạnh mẽ và các thiết bị cảm biến. Việc xác định đô thị thông minh đang tiếp tục xây dựng và phát triển, trong đó phải chấp nhận sự tồn tại của các thuật ngữ khác nhau do phạm vi xem xét khác nhau, ví dụ, khu vực và cộng đồng liên quan.

Các TCVN hiện đang được xây dựng để triển khai đô thị thông minh và các TCVN cũ sẽ được cập nhật sửa đổi phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu xã hội hiện tại. Sáu lĩnh vực đô thị thông minh đã được xác định bao gồm năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, tính khả chuyển thông minh, kinh tế thông minh và quản trị thông minh. Các nhà nghiên cứu và phát triển thành phố cần phải chấp nhận và áp dụng các loại tiêu chuẩn khác nhau hiện có và đang được phát triển, để xây dựng một thành phố hoạt động hiệu quả và bền vững.

Đánh giá hiệu quả việc áp dụng và triển khai các TCVN chưa có tính phổ biến rộng rãi: cần có các dự án đô thị thông minh để trình bày chi tiết về việc áp dụng các TCVN và ý nghĩa của TCVN đối với đô thị thông minh. Đồng thời, cần có các dự án tiền xây dựng TCVN, để có cơ sở khoa học và thực tiễn trong công tác xây dựng TCVN trong đô thị thông minh. Các tiêu chuẩn cần được xác định rõ ràng cho phép so sánh có ý nghĩa giữa việc triển khai các đô thị thông minh.

Nguyễn Hải Anh – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích