Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/3/2023

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/3/2023

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 17/3/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…

Giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tại Dự án Tisco 2

Tin tức trên TTXVN, dự án Tisco 2 được khởi công ngày 29/9/2007 và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng nhưng đến nay vẫn đang trong tình trạng thi công dở dang do nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đoàn công tác của Ủy ban sẽ có buổi làm việc trực tiếp với đối tác Trung Quốc liên quan đến Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2) vào ngày 18/3, tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Tisco 2 là dự án đầu tư trọng điểm do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư và Công ty Hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu.

Công trình được khởi công ngày 29/9/2007 và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng nhưng đến nay vẫn đang trong tình trạng thi công dở dang do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC ký ngày 12/7/2007 giữa hai bên.

Từ năm 2012 đến năm 2016, TISCO và MCC đã tiến hành 12 cuộc đàm phán nhưng không giải quyết được các vướng mắc Hợp đồng EPC.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), ngay sau tiếp nhận vai trò thường trực Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém ngành công thương để xử lý các dự án này và đặc biệt là sau chuyến khảo sát, làm việc tại Dự án Tisco 2 của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2022, Ủy ban đã quyết liệt chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và TISCO trao đổi với MCC tổ chức đàm phán để thống nhất phương án giải quyết dứt điểm các tranh chấp/vướng mắc của Hợp đồng EPC.

tm-img-alt
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2) vẫn đang trong tình trạng thi công dở dang. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Những nỗ lực chỉ đạo, điều phối của Ủy ban đã đạt những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Cụ thể, sau rất nhiều năm bị đình trệ, MCC đã cử đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại Việt Nam từ ngày 14-24/10/2022 để khảo sát, đánh giá, trao đổi với các cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp liên quan của Việt Nam về Dự án Tisco2.

Chuyến công tác đã tạo ra bước đột phá trong quá trình giải quyết các tồn tại của Dự án Tisco 2 khi lần đầu tiên hai bên đã cùng khảo sát, tiếp cận trên thực tế đối với các máy móc, thiết bị đã tập kết tại hiện trường, bước đầu đã giúp đưa ra định hướng sơ bộ về việc xử lý công việc tiếp theo trong thời gian tới.

Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian, phạm vi ủy quyền và thành phần đoàn công tác, nên mặc dù nhiều nội dung đã được 2 bên đồng ý đưa vào Biên bản ghi nhớ, nhưng vào phút chót, MCC đã từ chối ký Bản ghi nhớ.

Do đó, để việc đàm phán giải quyết những tồn tại, hạn chế của Hợp đồng EPC của Dự án Tisco2 đạt được kết quả thực chất theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo và phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp hai bên, Ủy ban đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc tổ chức Đoàn đi công tác Trung Quốc từ ngày 13 đến 19/3/2023 để trực tiếp chỉ đạo SCIC, VNS và TISCO đàm phán với đối tác MCC, đồng thời có công hàm đề nghị Lãnh đạo SASAC tham dự đàm phán và chỉ đạo MCC cử Lãnh đạo có đủ thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quyết định các vấn đề pháp lý và thương mại liên quan đến Dự án Tisco2 trực tiếp đàm phán với Đoàn công tác.

Doanh nghiệp bị phạt 225 triệu đồng vì chiếm đất làm điện gió

VOV đưa tin, theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 15/3, Công ty CP năng lượng tái tạo Đại Dương – Chủ đầu tư Nhà máy điện gió Cầu Đất tại thôn Trường Thọ (xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt) bị xử phạt số tiền 225 triệu đồng về hành vi vi phạm các quy định của pháp luật liên quan tới đất đai.

tm-img-alt
Nhà máy điện gió Cầu Đất tại xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt.

Cụ thể, công ty này đã có hành vi chiếm đất, sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Trong đó, có tổng cộng hơn 4.200m2 đất rừng phòng hộ, hơn 8,6ha đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm của doanh nghiệp khác thuê triển khai dự án và hộ, gia đình, cá nhân quản lý sử dụng.

Ngoài yêu cầu đóng phạt số tiền này, UBND tỉnh Lâm Đồng còn buộc Công ty CP năng lượng tái tạo Đại Dương phải nộp lại hơn 1 tỷ 152 triệu đồng thu lợi bất hợp pháp do sử dụng hơn 9ha đất công trình năng lượng khi chưa được cấp thẩm quyền giao hoặc cho thuê đất, sử dụng không đúng mục đích.

Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu thu hồi 1 khu đất hơn 12.000m2

Tin trên Người lao động, Thanh tra TP HCM vừa công bố kết luận thanh tra toàn diện khu đất số 4 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình TP HCM.

Theo Thanh tra TP HCM, khu đất này diện tích 12.496 m2. Năm 2002, Công ty CP Nam Tiến được nhà nước cho thuê đất với hình thức trả tiền thuê đất hằng năm và quản lý, sử dụng. Tháng 5-2005, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng chung cư cao tầng, văn phòng cho thuê. Đến nay, công ty này vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý.

Trong quá trình sử dụng, Công ty CP Nam Tiến không trực tiếp sử dụng đất thuê của nhà nước (trả tiền thuê đất hàng năm) mà cho các đơn vị, cá nhân thuê lại toàn bộ diện tích để kinh doanh, làm kho, bãi giữ ôtô… Việc cho thuê lại mặt bằng đã thực hiện không đúng quyết định cho thuê đất và hợp đồng thuê đất đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM.

tm-img-alt
Kết luận thanh tra

Về nghĩa vụ tài chính với nhà nước, Công ty CP Nam Tiến chưa nộp tiền thuế đất và tiền chậm nộp tính đến ngày 30-4-2022 là hơn 29 tỉ đồng. Cục Thuế TP HCM đã có 8 văn bản và Chi cục Thuế quận Tân Bình đã có 6 văn bản thực hiện cưỡng chế thu tiền thuê đất nhưng đến thời điểm thanh tra, doanh nghiệp này vẫn chưa chấp hành việc nộp tiền thuế đất và tiền chậm nộp.

Cũng theo Thanh tra TP HCM, sau khi được nhà nước cho thuê khu đất số 4 Phạm Phú Thứ, Công ty CP Nam Tiến không lập phương án chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp quy hoạch mà sử dụng khu đất này để hợp tác kinh doanh, lập pháp nhân mới là Công ty CP PPT Land (trong đó Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn thông góp 33% vốn điều lệ, Công ty CP Nam Tiến góp 47% vốn điều lệ và Công ty CP Xuất nhập khẩu Tân Bình góp 20% vốn điều lệ). Việc Công ty CP Nam Tiến hợp tác thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án là chưa đúng chủ trương của UBND TP HCM và hợp đồng thuê đất.

Trước các vi phạm, thiếu sót trên, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND về việc thu hồi toàn bộ diện tích khu đất số 4 Phạm Phú Thứ, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý.

Đồng thời, chấm dứt hợp đồng thuê đất với Công ty CP Nam Tiến; rà soát, xem xét, xử lý hoặc báo cáo đề xuất xử lý số tiền thu lợi bất chính đối với việc cho thuê lại nhà, đất không đúng quy định.

Chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng, cán bộ địa chính bị bắt

Tin tức trên GĐ&XH, ngày 17/3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Văn Khang (SN 1987 nguyên là Công chức địa chính thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định) về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

tm-img-alt
Cơ quan Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Văn Khang

Được biết, từ năm 2018 – 2021, Lê Văn Khang là công chức địa chính thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định đã nhận tiền của một số hộ dân trên địa bàn với cam kết giao giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ở cho các hộ dân này.

Tuy nhiên sau khi nhận tiền, Khang không làm gì để thực hiện cam kết đó. Thậm chí qua công tác xác minh, một số thửa đất còn không đủ điều kiện để xem xét cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.

Căn cứ vào kết quả điều tra, xác định Lê Văn Khang chiếm đoạt 227 triệu đồng của 2 hộ dân trên địa bàn. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra làm rõ.

Hỏa hoạn tại trung tâm thương mại ở Ấn Độ khiến 6 người thiệt mạng

TTXVN đưa tin, ngày 17/3, cảnh sát Ấn Độ cho biết hỏa hoạn đã xảy ra tại khu phức hợp thương mại ở thành phố Hyderabad, miền Nam nước này, khiến 6 người thiệt mạng và 6 người khác bị thương.

Ngọn lửa bùng phát tại khu phức hợp thương mại ở thành phố Hyderabad, miền Nam Ấn Độ vào tối 16/3 khiến 6 người thiệt mạng, một số người nhảy khỏi tòa nhà cao tầng để thoát thân.

tm-img-alt
Lực lượng chức năng tại hiện trường vụ hỏa hoạn. (Nguồn: India Today)

Nhà chức trách cho biết ngọn lửa bùng phát vào tối 16/3 tại khu vực Secunderabad của thành phố, trong đó một số người đã nhảy khỏi tòa nhà cao tầng để thoát thân.

Lực lượng chức năng đã huy động 12 xe cứu hỏa đến hiện trường để khống chế đám cháy, đồng thời đưa người bị thương đến bệnh viện điều trị. Hoạt động cứu hỏa được triển khai đến sáng 17/3.

Vụ cháy đang được điều tra làm rõ nguyên nhân. Các thông tin sơ bộ cho thấy nhiều khả năng hỏa hoạn xảy ra là do chập điện.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích