Xây dựng, thúc đẩy hài hòa tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn
Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là yêu cầu thiết yếu đối với tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, khái niệm về kinh tế tuần hoàn được đề cập đầu tiên trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, có hiệu lực từ năm 2022. Theo đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế bao gồm các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm nguyên liệu thô, kéo dài tuổi thọ sản phẩm, giảm phát sinh chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Theo bà Đoàn Thanh Vân – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, với vai trò quan trọng của tiêu chuẩn, để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của kinh tế tuần hoàn, năm 2018, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã thành lập ban kỹ thuật tiêu chuẩn về Kinh tế tuần hoàn ISO/TC 323. Mục tiêu chung nhằm tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động cho phát triển bền vững.
Ban kỹ thuật này đang nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến yêu cầu, khuôn khổ, hướng dẫn và công cụ hỗ trợ cho việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Thành viên của ban kỹ thuật đến từ 70 quốc gia từ Argentina đến Zimbabwe trong đó có Việt Nam và 15 thành viên quan sát (cập nhật đến ngày 21/9/2021).
Năm 2019, Ủy ban Châu Âu cũng có nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu chuẩn hóa liên quan đến kinh tế tuần hoàn và công bố: “Với vai trò là một thị trường chung lớn nhất thế giới, EU có thể thiết lập các tiêu chuẩn áp dụng cho các chuỗi giá trị toàn cầu. Ủy ban Châu Âu sẽ tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn mới về tăng trưởng bền vững và sử dụng trọng lượng về kinh tế để định hình các tiêu chuẩn quốc tế nhằm phù hợp với kỳ vọng của EU về môi trường và khí hậu.
Các tiêu chuẩn này cũng sẽ thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường và hỗ trợ các thị trường toàn cầu và thị trường EU đối với các sản phẩm bền vững.
Ngay cả tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD cũng đang yêu cầu các tiêu chuẩn hỗ trợ cho sự chuyển dịch tích cực về phía nền kinh tế tuần hoàn. OECD đề cập đến nhu cầu hài hòa các tiêu chuẩn chất lượng về vật liệu cho các sản phẩm có thể sửa chữa và sản xuất lại (đặc biệt khi xuất khẩu) và các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng thích hợp của các vật liệu thô đầu vào.
Đối với hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực, quốc gia… đều đã xây dựng các tiêu chuẩn liên quan. Trong đó ban kỹ thuật ISO/TC 323 Kinh tế tuần hoàn tập trung xây dựng các tiêu chuẩn khung, hướng dẫn, công cụ hỗ trợ và các yêu cầu về hoạt động của các tổ chức liên quan nhằm tối đa hóa sự đóng góp vào sự phát triển bền vững.
Theo bà Vân, hiện có 6 dự thảo đang được xây dựng: ISO/WD 59004, Circular economy – Framework and principles for implementation; ISO/WD 59010, Circular economy – Guidelines on business models and value chains; ISO/WD 59020.2, Circular economy – Measuring circularity framework; ISO/CD TR 59031, Circular economy – Performance-based approach – Analysis of cases studies; ISO/DTR 59032.2, Circular economy – Review of business model implementation; ISO/AWI 59040, Circular Economy – Product Circularity Data Sheet.
Ngoài ra, các ban kỹ thuật khác của ISO cũng như các tổ chức tiêu chuẩn hóa khác như IEC, UL, ETSI, EN, BS… cũng xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến các khía cạnh khác nhau của kinh tế tuần hoàn. Một số tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi phải kể đến gồm: ISO Guide 84:2020 Guidelines for addressing climate change in standards; ISO 26000 Guidance on social responsibility; ISO 14009:2020 Environmental management systems – Guidelines for incorporating material circulation in design and development; IEC 62430 Environmental Conscious Design (ECD); UL 3600 Outline of Investigation for Measuring and Reporting Circular Economy Aspects of Products, Sites and Organizations; EN 45552 General methods for assessing durability, remanufacturing, repair, reuse, upgrade, recyclability, reused components, recycled material, critical raw material, material efficiency aspects of energy-related products; ETSI TR 103 476 Environmental Engineering (EE); Circular Economy (CE) in Information Communication Technology (ICT); BS 8001 Framework for implementing the principles of the Circular Economy in organizations – Guide.
Tại Việt Nam, dù hoạt động của kinh tế tuần hoàn đã được phản ánh trong nhiều chiến lược và chính sách phát triển quốc gia những năm gần đây, nhưng vẫn chưa có khung tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn vào thời điểm này là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm thiết lập khung tiêu chuẩn quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới.
Chia sẻ về định hướng xây dựng tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, phát triển các tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn là vấn đề rất “nóng” cũng là thách thức lớn hiện nay.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, trong đó giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, thúc đẩy vấn đề hài hòa tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về kinh tế tuần hoàn.
“Tính đến nay, chúng tôi đã nghiên cứu, triển khai và xây dựng danh mục trên 100 tiêu chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài tập trung vào các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; vào từng vấn đề cụ thể như tái chế, môi trường xanh, kinh tế chia sẻ…”, ông Nguyễn Văn Khôi thông tin.
Trong đó, Quyết định 687 nêu rõ mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Cũng theo ông Khôi, khi áp dụng tiêu chuẩn kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều lợi ích như tiết giảm nhiên liệu, nguồn lực… Đồng thời, khi doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu hay các thị trường khắt khe khác, chúng ta phải đối mặt với nhiều yêu cầu liên quan đến tiêu chuẩn hóa, cụ thể là áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm toán môi trường, truy xuất các-bon…
“Như vậy, rõ ràng chúng ta phải áp dụng các tiêu chuẩn kinh tế tuần hoàn mới có thể tham gia, đứng vững tại các thị trường khó tính và được hưởng ưu đãi, nếu không các nước này sẽ đánh thuế rất cao. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, ví dụ như giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn”, ông Khôi nêu quan điểm.
Thanh Tùng