Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 16/3/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 16/3/2023

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 16/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 16/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân vui mừng bày tỏ sự cảm ơn tới Chính Phủ Hà Lan và các Quý cơ quan phía Hà Lan đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác của Việt Nam để thực hiện nhiều chương trình, dự án nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước trong thời gian vừa qua.

img_9825.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong đó, sự hợp tác giữa Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (HUNRE) và Đại học Công nghệ Đê-ô, Hà Lan đã hợp tác cùng nhau trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực về tài nguyên nước theo định hướng thực hành, thực tập và phù hợp với thị trường lao động cũng như lĩnh vực nước nói riêng. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý tài nguyên nước là một vấn đề mang tính tổng hợp, liên ngành, phục vụ cho việc đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước và truyền thông về bình đẳng giới… những vấn đề đang được thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam.

Trong khuôn khổ Chương trình tri thức màu da cam OKP, Dự án “Khí hậu Việt Nam – Hợp tác giáo dục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững tại các vùng đồng bằng Việt Nam” đã được Chính phủ Hà Lan viện trợ với thời gian thực hiện 4 năm (2019-2023). Các trường Đại học của Việt Nam cùng với các trường đại học phía Hà Lan đã hợp tác cùng nhau thực hiện dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước được củng cố và nâng lên một tầm cao mới; trong đó tập trung vào việc nâng cấp các chương trình giáo dục đại học và sau đại học, chú trọng đặc biệt đến các kỹ năng thực hành, thực tập và định hướng nghề nghiệp cho nguồn nhân lực trong tương lai cũng như các cán bộ chuyên trách làm công tác tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương; Mạng lưới hợp tác giữa các đối tác công – tư của Hà Lan và Việt Nam được tăng cường với mục tiêu tư vấn cho chương trình đào tạo và cung cấp cơ hội khởi nghiệp; cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng đánh giá cao những đóng góp tích cực của Dự án trong 4 năm qua, cho dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song những hoạt động của Dự án vẫn được triển khai và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Thứ trưởng hy vọng sự hợp tác của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường và mở rộng các lĩnh vực hợp tác với các đối tác Việt Nam và đối tác Hà Lan trong giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt phải phát triển các kết quả mà Dự án mang lại nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường với mục tiêu đóng góp cho sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan

Kế hoạch bảo đảm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu về giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 trong phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện nỗ lực quốc gia giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải khí mê-tan năm 2020.

6 nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức; Tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực; Giám sát, đánh giá.

Trong 16 nhiệm vụ ưu tiên, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ TN&MT sẽ tập trung: Xây dựng Kế hoạch chi tiết giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật về giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; Xây dựng cơ chế, chính sách quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ cácbon bao gồm giảm phát thải khí mê-tan.

tm-img-alt
Hằng năm, Bộ TN&MT sẽ tiến hành đánh giá mức phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; tổng hợp, đánh giá kết quả giảm phát thải khí mê-tan trên phạm vi toàn quốc. Ảnh minh họa

Bộ sẽ nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn áp dụng phương pháp kiểm kê khí mê-tan trong lĩnh vực quản lý chất thải ở bậc cao nhất phù hợp điều kiện Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác điều tra, khảo sát và xây dựng hệ số phát thải khí mê-tan đặc trưng quốc gia cũng được thực hiện cho 2 lĩnh vực: quản lý chất thải rắn; xử lý và xả thải nước thải sinh hoạt.

Đối với các nhiệm vụ dài hạn, từ nay đến năm 2030, Bộ TN&MT sẽ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy trình, quy định, hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng, tái chế, công nghệ xử lý chất thải; điều tra, đánh giá hiện trạng tại các địa phương; tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như chuyên giao công nghệ tiên tiến trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải.

Bộ cũng sẽ vận động các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đầu tư tài chính và tăng cường năng lực phục vụ giảm phát thải khí mê-tan; nâng cao nhận thức cộng đồng; hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đầu tư tài chính và tăng cường năng lực; tham gia ủng hộ các sáng kiến quốc tế có liên quan; vận động các quốc gia khác tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu.

Hằng năm, Bộ TN&MT sẽ tiến hành đánh giá mức phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; tổng hợp, đánh giá kết quả giảm phát thải khí mê-tan trên phạm vi toàn quốc.

Sụp, lún cặp sông Cái Vừng, ảnh hưởng nhiều nhà dân và bè cá

Chiều 16/3, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, đang phối hợp UBND TX. Tân Châu và các sở, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ, xử lý tình trạng răn nứt bờ sông Cái Vừng, đoạn qua địa bàn phường Long Sơn (TX. Tân Châu).

Theo báo cáo nhanh của UBND phường Long Sơn, lúc 10 giờ 30 phút, ngày 14/3/2023, trên sông Cái Vừng (cách cổng chào TX. Tân Châu khoảng 20m về hướng thị xã, thuộc khóm Long Thạnh 1, phường Long Sơn) xuất hiện vết nứt rộng khoảng 10cm, có hiện tượng sụp, lún bờ sông, dài 52m, cách Tỉnh lộ 954 khoảng 19m, ảnh hưởng đến 7 căn nhà, 1 kho, 27 nhân khẩu.

Ngày 16/3, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang đã tiến hành khảo sát, đo đạc địa hình đáy sông Cái Vừng. Chiều dài đoạn đo 750m, từ đầu kênh Thần Nông về hạ nguồn, chiều rộng sông Cái Vừng trung bình 130m.

Qua khảo sát, đây là hiện tượng sụp, lún bờ, vị trí đoạn sụp, lún nằm về hạ nguồn bến đò số 5 là 270m. Ven bờ sông xuất hiện vết nứt rộng 10cm, kéo dài 52m dưới dạng vòng cung. Ven bờ đông đúc nhà trên cọc (người dân ép cọc lên mái bờ), ngay đoạn sụp lún dưới sông có 2 cụm bè nuôi cá (5 bè cá và 6 vèo), trên bờ có tuyến Tỉnh lộ 954 cách bờ 20m.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT An Giang Tô Hoàng Môn, khu vực đo đạc có địa hình có đáy sông không phức tạp, độ sâu phổ biến khoảng -8m đến -10m, không xuất hiện hố sâu bất thường. Dòng chảy có khuynh hướng áp sát bờ phường Long Sơn, xuất hiện lạch sâu kéo dài, ven bờ là khu vực nuôi cá lồng bè, gây rẽ hướng dòng chảy, góp phần gây đào xói vào chân bờ. Ven bờ, nhiều nhà trên cọc, người dân thường ép cọc, kê nới nhà ra phía bờ sông làm phá liên kết bờ. Do bờ sông gần Tỉnh lộ 954, thường xuyên chịu áp lực của tải trọng xe cộ; đường bờ được kết cấu bởi đất phù sa liên kết yếu, có nguy cơ sạt lở, sụp lún cao. Đây là đoạn bờ đã được cảnh báo sạt lở nguy hiểm hàng năm của Sở TN&MT.

Sở TN&MT An Giang xác định nguyên nhân răn nứt và sạt lở khu vực này là do mái bờ dốc đứng, dòng chảy áp sát bờ, tình hình mưa lớn tạo các dòng chảy thấm ngầm, độ chênh lệch mực nước và bề mặt bờ làm gia tăng khả năng trượt lở. Bên cạnh đó, đường bờ còn chịu ảnh hưởng của tải trọng nhà dân, tác động xây bó nền, đóng cọc, làm gia tăng tải trọng, phá vỡ liên kết mái bờ làm gia tăng khả năng xảy ra trượt lở.

Trên cơ sở kiến nghị của Sở TN&MT An Giang, Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê giao UBND phường Long Sơn thường xuyên theo dõi đường bờ từ bến đò số 5 đến kênh Km5, đặc biệt là tại điểm sạt lở lên thượng nguồn 50m và về hạ nguồn 50m. Phường thông báo cho người dân trong khu vực theo dõi các dấu hiệu trên, tránh nguy cơ sạt lở gây thiệt hại tính mạng con người và tài sản; không để người dân xây dựng, cơi nới lấn ra lòng sông. UBND phường Long Sơn báo cáo những diễn biến bất thường về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự TX. Tân Châu (Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường).

Thái Lan nỗ lực tìm giải pháp chống ô nhiễm bụi mịn

Người phát ngôn Trung tâm Giảm thiểu ô nhiễm không khí, Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan, bà Siwaporn Rugsiyanon cho biết vào đầu tháng này, nồng độ bụi mịn PM2.5 đã lên tới mức 225 μg/m³ tại một số địa điểm. Ngoài ra, số điểm nóng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 đã tăng lên 56.439 điểm trên cả nước, riêng miền Bắc là 31.719 điểm. Trong số này, 80% là trên đất rừng và 15% trong các khu canh tác.

Bà Siwaporn khẳng định NEB đã đưa ra kế hoạch đối phó với ô nhiễm PM2.5, bao gồm thực thi chính sách “không đốt” ở cả đất rừng và khu nông nghiệp ở 17 tỉnh miền Bắc Thái Lan. NEB cũng có kế hoạch đóng cửa các công viên rừng nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, điều này có thể khiến ít nhất 92 khu rừng thuộc diện quản lý của Cục Công viên quốc gia, Thiên nhiên hoang dã và Bảo tồn thực vật Thái Lan phải đóng cửa.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: PBS)

Các biện pháp khác được NEB áp dụng bao gồm cấm mua mía thu hoạch bằng phương pháp đốt; giới hạn số lượng xe tải được phép vào khu vực đô thị và thời gian hoạt động của phương tiện; làm mưa nhân tạo và thiết lập không gian không có PM2.5.

NEB cũng sẽ đề nghị Cục Công viên quốc gia, Thiên nhiên hoang dã và Bảo tồn thực vật và Cục Rừng Hoàng gia giảm số lượng các điểm nóng trong mỗi khu rừng. Bên cạnh đó, một “phòng khám ô nhiễm” cũng sẽ được thiết lập ở những khu vực có nguy cơ cao.

Trong khi đó, Bộ Công nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan sẽ thực hiện chính sách “không đốt” ở các vùng nông nghiệp, bao gồm việc giảm thuế nhập khẩu máy móc nông nghiệp nhằm thúc đẩy các giải pháp thay thế cho các hoạt động đốt cháy.

225 người thiệt mạng do bão Freddy tại Malawi

Cơn bão cũng đã khiến hơn 700 người bị thương và 41 người mất tích. Dù đã suy yếu và bắt đầu di chuyển ra khỏi đất liền, bão Freddy vẫn gây mưa lớn tại nhiều địa phương, gây nguy cơ lụt lội và sạt lở đất.

Thành phố Blantyre là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do mưa bão. Điều phối viên các vấn đề khẩn cấp tại Blantyre, ông Guilherme Botelho nhận định số nạn nhân thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích sẽ còn tăng trong vài ngày tới. Điều này càng gây nhiều khó khăn cho Malawi trong bối cảnh nước này đang phải ứng phó với đợt dịch tả lớn nhất tại châu Phi.

tm-img-alt
Khu vực bị bão Freddy tàn phá tại Blantyre, Malawi ngày 14/3/2023. Ảnh: THX.

Ông Botelho cảnh báo Malawi đang đứng trước nguy cơ tái bùng phát dịch tả, đặc biệt tại Blantyre – nơi có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine phòng dịch tả rất thấp.

Bão Freddy hình thành ở ngoài khơi Australia vào đầu tháng 2. Trước khi đổ vào miền nam Malawi ngày 13/3, bão Freddy đã quét qua Madagascar và Mozambique từ cuối tháng 2, khiến hơn 20 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến gần 400.000 người tại cả 2 nước.

T.Anh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích