Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các cơ sở kinh tế-xã hội tỉnh Hải Dương

Chiều 15/3, Thủ tướng thăm, tặng quà tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; làm việc với Công ty TNHH Ford Việt Nam; thăm Khu Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia Côn Sơn-Kiếp Bạc và Đền thờ Chu Văn An.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các cơ sở kinh tế-xã hội tỉnh Hải Dương
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, giao lưu với trẻ khuyết tật tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chương trình công tác tại tỉnh Hải Dương, chiều 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ thăm, tặng quà tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ford Việt Nam tại Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô Ford Việt Nam; thăm Khu Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia Côn Sơn-Kiếp Bạc và Đền thờ Chu Văn An ở thành phố Chí Linh.

Trung tâm Bảo trợ xã hội Hải Dương hiện đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc 477 người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Riêng tại Trụ sở chính của Trung tâm ở thành phố Hải Dương, 327 trẻ em khuyết tật, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy chữ, dạy nghề.

Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra nơi ăn ở, sinh hoạt, dạy học, dạy nghề và công tác chăm sóc trẻ em tại Trung tâm; ân cần thăm hỏi, tặng quà động viên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc tại Trung tâm.

Trò chuyện với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em tại Trung tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương Trung tâm đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em có sức khỏe, có niềm tin vào cuộc sống, phấn đấu sống có ích cho gia đình và xã hội.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội lấy phát triển kinh tế đơn thuần; với mục tiêu cao nhất là mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, trong đó có các đối tượng bảo trợ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Thủ tướng, chăm sóc trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt là công việc rất đặc thù và vô cùng khó khăn, vất vả. Cán bộ, giáo viên, nhân viên Trung tâm với tấm lòng yêu nghề, yêu người cao quý, đã chăm sóc, dìu dắt lớp lớp thế hệ học sinh vượt qua khó khăn để trưởng thành và khẳng định mình, tự tin bước vào đời.

Thủ tướng căn dặn mỗi cháu có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều thiệt thòi hơn so với chúng bạn. Các cháu cần cố gắng học tập, rèn luyện, nỗ lực vượt qua những nghịch cảnh, khó khăn để xứng đáng với sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của gia đình, thầy cô và sự yêu thương của cả xã hội dành cho các cháu.

Thủ tướng yêu cầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, ngành giáo dục-đào tạo và tỉnh Hải Dương tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo trợ xã hội; nghiên cứu có chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý của Trung tâm Bảo trợ xã hội phù hợp với điều kiện mới của đất nước; phân loại đối tượng cụ thể, chuyên biệt hơn để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp; quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần động viên, giảm thiệt thòi cho các đối tượng…

Làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ford Việt Nam tại Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô Ford Việt Nam ở tỉnh Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ được biết năm 1995, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ, Ford Motor là một trong số các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiên phong đầu tư tại Việt Nam. Dây chuyền sản xuất của Ford ở Hải Dương bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu quý 4 năm 1997.

Sau hơn 25 năm hoạt động, Nhà máy Ford tại Hải Dương đã liên tục cập nhật dây chuyền sản xuất, cho ra đời nhiều dòng sản phẩm đã làm nên thương hiệu của Ford tại Việt Nam như Trader, Transit, Ranger, Escape, Everest, Laser, Fiesta, Focus, Mondeo, EcoSport và Territory… minh chứng cho cam kết gắn bó lâu dài của Tập đoàn Ford Motor với thị trường và nền công nghiệp ôtô Việt Nam.

Ban đầu, Nhà máy Ford Hải Dương có công suất thiết kế 14.000 xe/năm. Sau nhiều năm sản xuất, kinh doanh hiệu quả, năm 2020, Ford Việt Nam nâng cấp Nhà máy Ford Hải Dương lên mức 40.000 xe/năm; trở thành một trong các nhà máy trọng điểm của Ford Motor ở khu vực châu Á Thái Bình Dương; tạo việc làm cho hơn 1.600 lao động. Năm 2022, Ford Việt Nam nộp ngân sách Nhà nước tỉnh Hải Dương hơn 2.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các cơ sở kinh tế-xã hội tỉnh Hải Dương
Thủ tướng Phạm Minh Chính xem mẫu xe ô tô do Công ty TNHH Ford Việt Nam sản xuất, lắp ráp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước thành quả sản xuất kinh doanh của Ford Việt Nam, minh chứng cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ; tham gia quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; đóng góp lớn cho ngân sách địa phương; tạo việc làm cho lao động địa phương và tham gia đóng góp, làm tốt công tác xã hội nơi địa bàn Công ty đứng chân; mong muốn Ford thành công hơn nữa tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Công ty Ford tiếp tục mở rộng đầu tư; đầu tư và chuyển giao công nghệ mới vào Việt Nam; chuyển giao khoa học quản trị của Ford cho doanh nghiệp Việt Nam; tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thủ tướng cam kết Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp; hoàn thiện hạ tầng chiến lược để tạo thuận lợi cho việc di chuyển, vận chuyển, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, tránh phiền hà cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam xây dựng đất nước ổn định chính trị, an ninh, an toàn để các doanh nghiệp có điều kiện và yên tâm đầu tư, phát triển.

Cũng trong chiều 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia Côn Sơn-Kiếp Bạc ở thành phố Chí Linh; thăm dấu tích, ôn lại chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV; tưởng nhớ công lao, thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nhân Tông, Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác tới thăm và dâng hương tại Khu Di tích Đền thờ Chu Văn An, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, thành phố Chí Linh – nơi Chu Văn An sau khi trao ấn từ quan về ở ẩn, dạy học, viết sách, tìm thuốc chữa bệnh cho nhân dân tới khi qua đời.

Tại đây, các đại biểu tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Vạn thế sư biểu – người đã đi vào lịch sử dân tộc như một bậc nho học tiêu biểu của nước Việt, một tấm gương mẫu mực về tâm đức sáng ngời./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích