Trách nhiệm của người sản xuất và người bán hàng đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa
Qua hệ thống tiếp nhận và trả lời kiến nghị công dân, doanh nghiệp của Chính phủ, bà Phạm Thị U. (TP.HCM) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thức ăn bổ sung, xử lý môi trường… dùng trong nuôi trồng thủy sản lưu thông trên thị trường
Theo phản ánh của bà U., Khoản 2 Điều 27 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: “Kiểm tra chất lượng hàng hoá trong nhập khẩu, lưu thông trên thị trường bao gồm các nội dung sau đây:… Thử nghiệm mẫu theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khi cần thiết”. Bà hỏi, trường hợp “khi cần thiết” này có được hướng dẫn chi tiết trong văn bản nào không?
Tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT quy định: “Nội dung, trình tự, thủ tục tiến hành kiểm tra chất lượng giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản lưu thông trên thị trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường…”.
Tại Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN quy định, lấy mẫu thử nghiệm khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng. Bà P.T.U. hỏi, vậy “dấu hiệu không bảo đảm chất lượng” trong trường hợp này có được hướng dẫn chi tiết là dấu hiệu gì, trong văn bản nào không?
Trước khi sản phẩm được xuất kho để lưu thông ra thị trường thì 100% sản phẩm đều được kiểm tra mọi chỉ tiêu cảm quan ngoại quan, chất lượng theo công bố, khi sản phẩm đạt chất lượng công bố (dựa trên kết quả nội bộ/kết quả gửi mẫu trung tâm kiểm nghiệm), thì mới được duyệt xuất xưởng lưu thông ra thị trường.
Tuy nhiên, có một vài trường hợp, đoàn kiểm tra lấy mẫu tại cửa hàng/đại lý phân phối thì có trường hợp mẫu không đạt chất lượng và nguyên nhân đều do các sản phẩm đã giao cho đại lý từ 12 tháng trở lên và đại lý bảo quản hàng không đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, ví dụ như: Để sản phẩm ngoài nắng, nơi bị ẩm mốc do mưa, nhiệt độ cao, thời tiết nắng nóng, để trực tiếp trên nền đất/sàn nhà… đây là những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến chất lượng của sản phẩm. Bà P.T.U. hỏi, vậy trong trường hợp này thì người chịu trách nhiệm là ai? Và có văn bản nào quy định, hướng dẫn rõ người chịu trách nhiệm trong trường hợp này không?
Ảnh minh hoạ
Trả lời thắc mắc của bà U., Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo quy định tại Khoản 15 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì: “15. Kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi là kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa) là việc cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá lại chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ đã được đánh giá chất lượng bởi các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoặc đã được áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng khác của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh”.
Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
“3. Nội dung kiểm tra: a) Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất; b) Kiểm tra việc thực hiện và kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn, thể hiện dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu đi kèm sản phẩm cần kiểm tra; c) Thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Việc kiểm tra theo nội dung quy định tại điểm này được thực hiện khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng sau khi thực hiện các nội dung quy định tại Điểm a, b Khoản này và được tiến hành thông qua việc thử nghiệm do tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện.
4. Trong quá trình kiểm tra theo nội dung quy định tại Khoản 3 Điều này, cơ quan kiểm tra có thể sử dụng chuyên gia, tổ chức đánh giá phù hợp để thực hiện việc đánh giá, thử nghiệm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chuyên gia, tổ chức đánh giá sự phù hợp phải độc lập, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá, thử nghiệm của mình”.
Như vậy, trong quá trình kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa nếu phát hiện sản phẩm hàng hóa không đáp ứng “các yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất; hoặc có kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn, thể hiện dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu đi kèm sản phẩm cần kiểm tra không bảo đảm” thì cơ quan quản lý nhà nước tiến hành thử nghiệm mẫu sản phẩm hàng hóa để đánh giá chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Căn cứ xác định trách nhiệm của người sản xuất và người bán hàng
Theo quy định tại Điều 10 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì người sản xuất phải:
“1. Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường theo quy định tại Điều 28 của Luật này và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.
2. Thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hóa, bao bì, trong tài liệu kèm theo hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
3. Thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
4. Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng.
5. Thông báo yêu cầu về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa.
6. Cung cấp thông tin về việc bảo hành và thực hiện việc bảo hành sản phẩm, hàng hóa cho người mua, người tiêu dùng…”.
Theo quy định tại Điều 16 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì người bán hàng phải:
“1. Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định tại Điều 38 của Luật này và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa.
2. Kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa.
3. Thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
4. Áp dụng các biện pháp để duy trì chất lượng hàng hóa trong vận chuyển, lưu giữ, bảo quản.
5. Thông báo cho người mua điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng hàng hóa.
6. Cung cấp thông tin về việc bảo hành hàng hóa cho người mua.
7. Cung cấp tài liệu, thông tin về hàng hóa bị kiểm tra cho kiểm soát viên chất lượng, đoàn kiểm tra, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
8. Kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn của hàng hóa và cách phòng ngừa cho người mua khi nhận được thông tin cảnh báo từ người sản xuất, người nhập khẩu.
9. Kịp thời dừng bán hàng, thông tin cho người sản xuất, người nhập khẩu và người mua khi phát hiện hàng hóa gây mất an toàn hoặc hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”.
Căn cứ các quy định nêu trên, thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa xem xét trách nhiệm của người sản xuất và người bán hàng để áp dụng hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, để xử lý theo quy định.
Bảo Lâm