Tây Hồ (Hà Nội): Sớm đưa “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
(Xây dựng) – Sáng 15/3, tại di tích đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức Tọa đàm Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ”.
Ông Nguyễn Đình Khuyến – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ phát biểu tại Tọa đàm. |
Đền Đồng Cổ được xây dựng năm 1028, thời Nhà Lý. Ngôi đền thờ thần Trống Đồng linh thiêng, gắn liền với Hội thề Trung hiếu với đạo lý sâu sắc, bắt đầu từ đời vua Lý Thái Tông tại làng Đông xưa (nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội). Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ được duy trì tổ chức vào dịp Lễ hội truyền thống làng Đông Xã trong hai ngày mùng 3 và 4 tháng Tư âm lịch; là nơi thể hiện rõ tâm linh hướng thiện và tâm thức về nguồn, vọng ngưỡng lòng trung thành, yêu nước của người Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Đình Khuyến – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Đền Đồng Cổ bên Hồ Tây có vị trí quan trọng, gắn liền với “Hội thề Trung hiếu” là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, một lễ hội duy nhất, độc đáo và có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách con người Việt Nam. Để hướng tới kỷ niệm 995 năm Lễ hội đền Đồng Cổ, quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch kỷ niệm với nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá về giá trị của di sản và ý nghĩa của “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ”, nâng cao ý thức của người dân, khách du lịch trong việc bảo vệ di sản để giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm.
Các đại biểu tham dự phát biểu tham luận tại Tọa đàm (ảnh: VGP/GH). |
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa và đại diện nhiều cơ quan quản lý Nhà nước đã cùng trao đổi, làm rõ giá trị của di sản Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, định hướng cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh lễ hội truyền thống thuộc khu vực nội thành chịu nhiều tác động từ quá trình đô thị hóa. Theo đó, đã có nhiều giải pháp được đưa ra bàn luận và nhận được sự đồng thuận tại Tọa đàm như: Cần sớm xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng kịch bản lễ hội chi tiết, xác thực theo truyền thống; kết nối điểm đến di sản với các di sản trong khu vực nhằm kích cầu du lịch văn hóa; tăng cường giáo dục truyền thống cho các thế hệ, trong đó có lớp trẻ tại các hoạt động ngoại khóa trong Nhà nước…
Theo thông tin từ UBND quận Tây Hồ, hướng tới kỷ niệm 995 năm đền Đồng Cổ, quận Tây Hồ đã xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ phường Bưởi” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nguồn: Báo xây dựng