Tiêu chuẩn hóa mang tới cơ hội, thách thức nào cho doanh nghiệp?

Việc xây dựng Chiến lược quốc gia về tiêu chuẩn hóa đến năm 2030 là hết sức cần thiết, là chính sách quan trọng mang tính định hướng, nền tảng để triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong hoạt động tiêu chuẩn một cách tổng thể đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động tiêu chuẩn có tầm nhìn, kế hoạch tổng thể rõ ràng, xuyên suốt, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển tiêu chuẩn quốc tế và các nước tiên tiến trong khu vực.

Từ những ý nghĩa nêu trên, ngày 09/06/2022, Bộ KH&CN có Công văn số 1333/CV-BKHCN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo rà soát và đề xuất xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030. Ngày 14/06/2022, Tổng cục TCĐLCL đã ký Công văn số 1560/TĐC-TC gửi các bộ, ngành, địa phương, trường đại học đề nghị báo cáo công tác tiêu chuẩn hóa tại các bộ, ngành.

Ngày 21/07/2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4560/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030. Ngày 03/02/2023 tại Quyết định số 48/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 đã được đưa vào chương trình.

Chia sẻ về những cơ hội, thách thức mà tiêu chuẩn hoá đem lại cho doanh nghiệp, ông Phùng Mạnh Trường, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục TCĐLCL) cho hay, bản chất của tiêu chuẩn hoá hiểu đơn giản là việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn (trong đó có thể bao gồm tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn của các Hiệp hội uy tín). Tiêu chuẩn hoá mang đến cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù là cơ hội hay thách thức chúng ta nên đón nhận ở khía cạnh tích cực.

Ông Phùng Mạnh Trường, Phó viện trưởng Phụ trách Viện TCCL Việt Nam (Tổng cục TCĐLCL).

Về mặt cơ hội, một là, khi hoạt động tiêu chuẩn hoá được đẩy mạnh, doanh nghiệp sẽ xác định được chuẩn mực của hoạt động sản xuất kinh doanh, xác định được chất lượng sản phẩm thông qua tiêu chuẩn cụ thể. Từ đó, xác định rõ và có phương pháp cải tiến quy trình sản xuất, cải tiến cách thức tạo ra sản phẩm chất lượng. Để làm được điều này cần lấy tiêu chuẩn làm cơ sở đối chiếu, so sánh.

Hai là, doanh nghiệp cũng có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, gia tăng khả năng mở rộng thị trường (bằng cách phát triển sản phẩm mới với chất lượng ngày càng tốt hơn), thâm nhập các thị trường trên thế giới.

Ba là, thông qua tiêu chuẩn hoá, doanh nghiệp còn giảm được chi phí sai lỗi, nâng cao chất lượng quy trình, chất lượng sản phẩm hàng hoá, tối ưu hoá hiệu quả hoạt động. Bốn là, doanh nghiệp thông qua tiêu chuẩn hoá có khả năng nâng cao năng lực quản lý, quản trị, điều hành. Đây cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang chú trọng.

Năm là, thông qua quá trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ có định hướng để đầu tư nguồn lực phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống máy móc, phòng thử nghiệm, phát triển sản phẩm, hệ thống điều hành doanh nghiệp.

Về mặt thách thức, ông Trường cho rằng, trong bối cảnh vai trò của tiêu chuẩn ngày càng được chú trọng ở cấp độ doanh nghiệp, tiêu chuẩn hoá cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, xu hướng đổi mới thì sẽ có khả năng nâng cao vị thế trên thị trường. Xu hướng tiêu chuẩn hoá cũng khiến doanh nghiệp bắt buộc phải có những đầu tư để đáp ứng yêu cầu từ các tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hoá, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Ra tới sân chơi lớn thì cuộc cạnh tranh sẽ là sòng phẳng, ai bắt kịp xu hướng sẽ thành công, còn không sẽ là thách thức.

“Với vai trò, vị trí là một đơn vị trực thuộc Tổng cục TCĐLCL, khi có chủ trương, định hướng về xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia, chúng tôi nhận thấy rằng đây là chủ trương, định hướng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam. Chúng tôi cũng xác định, dù là doanh nghiệp hay các tổ chức xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập như chúng tôi cũng đều phải có tầm nhìn, định hướng dài hạn.

Đối với việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hoá, chúng tôi cũng hết sức chủ động trong phần việc của cơ quan, tiếp thu, lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện, phản hồi của các doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng áp dụng tiêu chuẩn. Sau đó, tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện tiêu chuẩn dựa trên những ý kiến góp ý phù hợp đã được tổng hợp, ghi chép. Cuối cùng, tôi muốn khẳng định, việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hoá sẽ góp phần đáp ứng thực tiễn nhu cầu quản lý nhà nước về tiêu chuẩn. Đồng thời, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam”, ông Phùng Mạnh Trường cho hay.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích