Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV: Xem xét cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

(Xây dựng) – Trong chương trình làm việc của phiên họp thứ 21, chiều 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tiến hành xem xét cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV: Xem xét cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ chì phiên họp chiều 15/3.

Báo cáo bản tóm tắt dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 88 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 10 điều; sửa đổi, bổ sung 62 điều; bổ sung mới 16 điều) và bãi bỏ 08 điều.

Theo Thứ trưởng, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo biến đổi tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Luật thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước… Việc nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) rất cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ: Dự thảo luật được xây dựng theo quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực.

Dự thảo luật hướng đến mục đích: Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; Phòng phòng ngừa, kiểm tra giám sát và phục hồi các nguồn nước bị suy suy thoái, kiệt quệ và ô nhiễm; Phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương giải quyết các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Dự thảo luật đồng thời kế thừa các quy định của Luật 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết: Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước như Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai…

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần tập trung làm rõ hơn quan điểm về chủ động tích nước, trữ nước; điều tiết, bảo đảm đủ nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất; kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; ứng dụng KH&CN trong quản trị, phát triển tài nguyên nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về sự phù hợp của luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật; Nghiên cứu quy định thêm về nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…

Các thành viên tập trung thảo luận các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước các quy định về phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, công cụ, chính sách, nguồn lực hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, thanh tra, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước…

Kết luận nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, để đủ điều kiện trình Quốc hội, cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; Tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước có đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, kiểm soát điều tiết toàn diện các vấn đề về nước; Cần bao quát cả 3 loại nước, gồm nước mặn, nước lợ, nước ngọt.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích