Ứng dụng công nghệ số: Thúc đẩy phát triển ngành Du lịch Việt Nam
(Xây dựng) – Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch đang là định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu. Trong thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam đã tập trung nghiên cứu chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, hướng tới phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Ứng dụng công nghệ số giúp phát triển ngành Du lịch Việt Nam (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Ứng dụng công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí
Việc ứng dụng công nghệ số trở thành tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời là biện pháp để các đơn vị, doanh nghiệp du lịch thay đổi tư duy quản lý, tìm kiếm thêm giải pháp tiếp cận với khách hàng cũng như thay đổi cách xây dựng sản phẩm du lịch thông minh.
Thời gian qua, Hà Nội luôn là một trong những đơn vị tiên phong của cả nước trong lĩnh vực chuyển đổi số, đưa công nghệ vào hoạt động du lịch. Thông qua ứng dụng công nghệ số vào quản lý, kinh doanh du lịch được nhiều đơn vị trên địa bàn Thủ đô thực hiện.
Phần lớn các công ty du lịch hoạt động trên địa bàn Hà Nội, như Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour… đều đã chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Các app ứng dụng kết nối dịch vụ cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D… đã được triển khai.
Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn trực tuyến và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%.
Tại các địa điểm du lịch tại Hà Nội, việc ứng dụng chuyển đổi số cũng cho kết quả rõ rệt. Nhiều di tích, làng nghề đã ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh. Điển hình như Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng… đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến. Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã xây dựng thư viện 3D, cho phép du khách sử dụng nhiều ngôn ngữ để tìm kiếm thông tin về di tích.
Trên các trang mạng xã hội, facebook, youtube, twitter… tổng đài thông tin tư vấn và giải đáp du lịch luôn hoạt động hiệu quả, hỗ trợ khách du lịch thuận tiện hơn trong việc tiếp cận thông tin, hình ảnh, sản phẩm du lịch…
Đồng thời, các trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội với 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và Tiếng Anh là kênh thông tin quan trọng, tăng tính tương tác, hiệu quả tối đa để thực hiện công tác truyền thông, quảng bá du dịch.
Những tiện ích ứng dụng công nghệ số đã mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách cũng như doanh nghiệp lữ hành khi khách du lịch dễ dàng tiếp cận hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch. Nhìn một cách toàn diện, quá trình này giúp giảm tác động đến môi trường, tiết kiệm chi phí và thời gian của du khách. Vì thế, chuyển đổi số để phát triển du lịch là khoản đầu tư tiết kiệm, có thể giúp doanh nghiệp đưa các sản phẩm tiếp cận với du khách, đặc biệt là sớm phục hồi.
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, theo các chuyên gia, Hà Nội cần tập trung thực hiện một số giải pháp căn bản, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch thông minh; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ cho ngành du lịch: xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, sản xuất các phần mềm, hệ thống, chương trình, ứng dụng, tiện ích thông minh cho ngành Du lịch, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch thông minh vào công tác quản lý và phát triển điểm đến, công tác thống kê, bảo tồn, phục chế các giá trị di sản, di tích phục vụ du lịch; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học – công nghệ, hợp tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần sử dụng tối ưu nền tảng dữ liệu số hóa thông qua hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin. Ngoài thể hiện tính chuyên nghiệp với thiết kế bảo đảm thẩm mỹ, nội dung phong phú, các trang mạng cần tích hợp nhiều tiện ích cần thiết cho du khách, phải tương thích, thân thiện trên tất cả các thiết bị điện tử mà khách hàng quen dùng khi truy cập thông tin từ máy tính, máy tính bảng cho đến điện thoại di động.
Cùng với đó, ngành Du lịch cùng với cơ quan chức năng phải có chiến lược tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách, hạ tầng công nghệ thông tin để việc chuyển đổi số thật sự hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển nhanh, bền vững.
Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, tạo ra diện mạo mới cho ngành Du lịch của Thủ đô. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thông minh, cần có những điều kiện và tiền đề nhất định, trong đó nền tảng cốt yếu là có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và ứng dụng những thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến.
Nguồn: Báo xây dựng