Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/3/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/3/2023
Theo dõi MTĐT trên
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Theo số liệu của Sở TN&MT, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh toàn tỉnh trung bình khoảng 200.000 tấn/năm. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 91%; trong đó, chất thải khó phân hủy chiếm đến 70%, chủ yếu vẫn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Toàn tỉnh chỉ có duy nhất một đầu mối thu gom, vận chuyển rác thải là Công ty cổ phần Môi trường Dịch vụ đô thị Sơn La và Chi nhánh Công ty tại các huyện, thành phố.
Về công tác xử lý rác, 12 bãi chôn lấp chất thải rắn được phê duyệt quy hoạch đang hoạt động ổn định. Đã đầu tư xây dựng 1 nhà máy xử lý rác trên địa bàn thành phố, áp dụng phương pháp ủ sinh học làm phân compost và chôn lấp hợp vệ sinh; 1 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt trên địa bàn huyện Bắc Yên mới đi vào hoạt động từ năm 2022. Các huyện còn lại đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, giao thông khó khăn với đa số dân số là đồng bào dân tộc, nhiều hộ gia đình còn quen với tập quán thả rông gia súc, gia cầm, chuồng trại chưa đảm bảo… đã gây áp lực lên công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải rắn.
Hiện nay, tỉnh cũng chưa triển khai phân loại rác tại nguồn. Dù đã có một số chương trình, mô hình phân loại tại một số địa phương trong quá trình xây dựng NTM như huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn… song còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hóa, thiếu công nghệ xử lý phù hợp, nên tính khả thi không cao.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH cũng chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra tiến độ các Nhà máy đốt rác phát điện trên địa bàn
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn và các thành viên trong Đoàn kiểm tra thực tế dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái (Thuận Thành); Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung tại xã An Thịnh (Lương Tài); Nhà máy xử lý chất thải răn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng và Khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại xã Phù Lãng (Quế Võ).
Đến nay, Khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện (Quế Võ) do Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh làm chủ đầu tư, công suất 180 tấn rác/ngày, đêm, công suất phát điện là 6,1MW đã hoàn thành và đi vào vận hành thử nghiệm từ tháng 6-2022.
Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung tại xã An Thịnh do Công ty TNHH năng lượng mới EU-CONCH VENTURE Bắc Ninh làm chủ đầu tư, công suất xử lý rác thải 300 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 6 MWh đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục, công tác căn điều chỉnh thiết bị đã kết thúc và đủ điều kiện để tiếp nhận rác.
Đối với Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái do Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành và Công ty JFE-Nhật Bản liên danh đầu tư, công suất 500 tấn/ngày đêm; công suất phát điện từ 11 – 13 MW đã thi công được 75% khối lượng công việc, Công ty tiếp tục chuẩn bị vật liệu, vật tư, nhập khẩu thiết bị và dự kiến hoàn thành lắp đặt cho đến tháng 9-2023, tháng 10-2023 sẽ vận hành thử nghiệm.
Hà Tĩnh: Cháy bãi tập kết rác khiến hàng trăm người dân bị ảnh hưởng
Theo thông tin người dân cho biết, bãi rác tại núi Động Cao bốc cháy từ khoảng tối ngày 12/3 đến trưa 14/3 khiến cho không khí trở nên ngột ngạt, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Điều đáng nói là mặc dù tại đây đã có biển cảnh báo cấm đốt rác, vậy nhưng thỉnh thoảng người dân xung quanh vẫn thấy bãi tập kết rác bất ngờ bốc cháy.
“Mấy ngày gần đây bãi rác khi thì bốc cháy dữ dội lại có lúc cháy âm ỉ, không khí ngột ngạt, ô nhiễm vô cùng. Nhà ở gần bãi rác nên phải đành hứng chịu hậu quả, nguy cơ phát sinh dịch bệnh do ô nhiễm môi trường, nhất là đối với người già trẻ em khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Văn Hợp ở xã Sơn Tiến lo lắng nói.
Được biết, bãi tập kết rác tại núi Động Cao được xây dựng từ năm 2020, diện tích khoảng 1.000 m2, nằm cạnh tuyến đường liên xã An Hoà Thịnh đi Sơn Tiến. Đây là bãi tập kết, trung chuyển rác duy nhất trên địa bàn xã Sơn Tiến nơi có hơn 1.700 hộ dân sinh sống.
Quảng Nam: Xử lý nghiêm hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan quán triệt và nghiêm túc chấp hành thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, cụ thể như sau:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư trọng điểm. Tình hình vật liệu đất, cát sỏi phục vụ thi công các công trình đang khan hiếm; nhiều nơi nguồn cung vật liệu không đáp ứng được nhu cầu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án và quyền lợi của người tiêu dùng. Yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải ưu tiên cung ứng vật liệu phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phê duyệt 41 Danh mục các dự án đầu tư khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường trên địa bàn tỉnh. Một số địa phương đã hoàn thành việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản như: Phước Sơn, Nam Giang; các địa phương còn lại đang tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục về thăm dò đánh giá trữ lượng, thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường, các vấn đề liên quan đến rừng sản xuất và cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn rườm rà, mất rất nhiều thời gian; tình trạng này cần sớm được khắc phục.
Yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải khẩn trương tổ chức khai thác khoáng sản đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp; nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán; kê khai nộp thuế đúng với sản lượng khai thác thực tế, xuất hóa đơn bán hàng đúng với giá thanh toán. Đơn vị nào trung bình 2 năm kê khai thấp hơn 60% công suất nêu trong giấy phép hoặc kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp (không tính thời gian xây dựng cơ bản mỏ) thì thuộc đối tượng ưu tiên kiểm tra, thanh tra trước và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phải chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thị xã liên quan đo đạc, xác định chính xác trữ lượng khai thác để truy thu và xử lý vi phạm (nếu có) theo đúng quy định.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Đà Lạt (Lâm Đồng): Bãi rác Cam Ly âm ỉ cháy gây ô nhiễm môi trường
Đến sáng 14/3, đám cháy vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp để dập lửa. Ngọn lửa cơ bản được khống chế, không tiếp tục lây lan. Lực lượng của Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt tiếp tục dùng xe bồn chở nước của đơn vị tới dập lửa, đồng thời sử dụng máy múc đào đất tạo mương cản lửa, không cho các đám cháy lan ra các vị trí khác.
Bãi rác Cam Ly thuộc địa phận Phường 5, chỉ cách trung tâm Đà Lạt khoảng 5km, được UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo đơn vị quản lý dừng đổ rác từ năm 2020. Từ đầu năm 2021, toàn bộ rác thải sinh hoạt của Đà Lạt và huyện Lạc Dương được chuyển tới Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt (tại xã Xuân Trường, cách trung tâm Đà Lạt gần 30km).
Số người thiệt mạng do bão Freddy ở Malawi đã lên tới 190 người
Trong một thông báo, Bộ Quản lý và ứng phó thảm họa Malawi xác nhận số người thiệt mạng do cơn bão nhiệt đới Freddy đã tăng so với con số 99 người được báo cáo ngày 13/3. Hiện có 584 người bị thương và 37 người vẫn mất tích trong khi mưa lớn tiếp tục trút xuống. Con số thương vong dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.
Khoảng 59.000 người bị ảnh hưởng và trên 19.000 người phải sơ tán do trận bão này. Thành phố Blantyre là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do mưa bão. Mưa lũ nghiêm trọng đã làm gián đoạn giao thông trên nhiều tuyến đường, cũng như cản trở công tác tìm kiếm và cứu nạn.
Trước khi đổ bộ miền Nam Malawi ngày 13/3, bão Freddy đã quét qua Madagascar và Mozambique khiến trên 20 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến khoảng 400.000 người tại cả 2 nước.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị