Sơn La: Chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế về hoạt động khoáng sản

Sơn La: Chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế về hoạt động khoáng sản

Lê Lượng –  Thứ tư, 15/03/2023 13:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Sơn La, toàn tỉnh có 86 mỏ và điểm khoáng sản rắn công nghiệp.

Ngày 14/3 đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La chủ trì buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các huyện, thành phố về công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.

Dự họp có các đồng chí: Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, toàn tỉnh có 86 mỏ và điểm khoáng sản rắn công nghiệp. Trong đó, có 12 mỏ khoáng sản đã được cấp phép hoạt động khai thác; 10 mỏ đang hoàn thiện thủ tục thăm dò cấp phép khai thác; 17 mỏ khoáng sản rắn có nhà đầu tư quan tâm; 47 mỏ chưa có nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có một số loại khoáng sản được phát hiện, nhưng chưa được điều tra đánh giá, chưa đưa vào quy hoạch, như: Nước nóng, nước khoáng 29 mỏ, than 3 mỏ.

tm-img-alt
Kiểm tra, xử lý các bãi tập kết cát trái phép. Ảnh minh họa

Nâng cao vai trò, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về quản lý, bảo vệ khoáng sản, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh; giữa các chủ đầu tư khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý tài nguyên và môi trường; chỉ đạo UBND các huyện tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND xã, thị trấn về việc quản lý tài nguyên và môi trường, chỉ đạo ký cam kết đến từng xã, bản, khu dân cư; chỉ đạo các chủ giấy phép khai thác khoáng sản ký cam kết thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động khoáng sản còn chưa chặt chẽ, vẫn để xảy ra tình trạng một số điểm mỏ hoạt động khai thác không theo quy định, kế hoạch; một số mỏ đã được cấp phép nhưng không hoạt động hoặc chậm triển khai dự án; có hiện tượng mua đi, bán lại các mỏ; một số mỏ hoạt động sai phạm nhưng chậm khắc phục, thu hồi; xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đã được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật…

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề: Việc điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản; kỷ luật, kỷ cương quy trình cấp phép; quy trình thực hiện khi đóng cửa mỏ đối với những mỏ không hiệu quả; quản lý khai thác khoáng sản ngoài những mỏ đã cấp phép; trách nhiệm của các huyện đối với các mỏ lộ thiên chưa đưa vào quy hoạch, cấp phép…

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hữu Đông giao các Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực khoáng sản; cập nhật quy hoạch khoáng sản vào quy hoạch tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Đồng chí yêu cầu rà soát, khoanh định khu vực khoáng sản cho phù hợp với quy định và điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Không xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với những mỏ được đánh giá có trữ lượng nhỏ, khai thác khó khăn, sản xuất không hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến nhân dân và môi trường sống; tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc giám sát khai thác và khắc phục những tồn tại, vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản của một số mỏ than đã cấp phép trên địa bàn tỉnh. Các huyện ủy, Thành ủy tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích