Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Sơn La: Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

MTĐT –  Thứ tư, 15/03/2023 11:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La vừa phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức Hội thảo khoa học Những vấn đề đặt ra trong việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Sơn La và trung tâm các huyện.

Còn nhiều hạn chế

Theo số liệu của Sở TN&MT, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh toàn tỉnh trung bình khoảng 200.000 tấn/năm. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 91%; trong đó, chất thải khó phân hủy chiếm đến 70%, chủ yếu vẫn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

a1(1).jpg

Toàn tỉnh chỉ có duy nhất một đầu mối thu gom, vận chuyển rác thải là Công ty cổ phần Môi trường Dịch vụ đô thị Sơn La và Chi nhánh Công ty tại các huyện, thành phố.

Về công tác xử lý rác, 12 bãi chôn lấp chất thải rắn được phê duyệt quy hoạch đang hoạt động ổn định. Đã đầu tư xây dựng 1 nhà máy xử lý rác trên địa bàn thành phố, áp dụng phương pháp ủ sinh học làm phân compost và chôn lấp hợp vệ sinh; 1 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt trên địa bàn huyện Bắc Yên mới đi vào hoạt động từ năm 2022. Các huyện còn lại đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, giao thông khó khăn với đa số dân số là đồng bào dân tộc, nhiều hộ gia đình còn quen với tập quán thả rông gia súc, gia cầm, chuồng trại chưa đảm bảo… đã gây áp lực lên công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải rắn.

Hiện nay, tỉnh cũng chưa triển khai phân loại rác tại nguồn. Dù đã có một số chương trình, mô hình phân loại tại một số địa phương trong quá trình xây dựng NTM như huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn… song còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hóa, thiếu công nghệ xử lý phù hợp, nên tính khả thi không cao.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH cũng chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.

qt-ctr2.jpg

Theo TS. Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, phương thức xử lý rác hiện nay vẫn chủ yếu là chôn lấp, trong khi, các bãi chôn lấp hầu hết đều tồn tại từ lâu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt cho các vùng hạ du.

Việc đầu tư các cơ sở xử lý CTRSH kết hợp thu hồi năng lượng, biến rác thải thành nguyên liệu để tái đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được quan tâm đúng mức. Tỉnh cũng chưa có chính sách ưu đãi để khuyến khích các Nhà đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung với các lò đốt rác sử dụng công nghệ hiện đại, kết hợp phát điện.

a3-2-.jpg

Thay đổi thói quen, nâng cao ý thức phân loại rác

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 13 tham luận, tập trung chủ yếu vào các nội dung: Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với chất thải rắn trong sinh hoạt và việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố và trung tâm các huyện;

Công tác quy hoạch, xây dựng điểm thu gom, xử lý rác thải; Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, huyện Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Mường La.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các giải pháp có thể thực hiện ngay như: Huy động sự tham gia của các đoàn viên thanh niên trong việc hướng dẫn các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, dịch vụ phân loại và tập kết CTRSH; Nâng cao trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong việc phân loại CTRSH… Giới thiệu một số công nghệ mới trong xử lý rác thải và phương thức liên kết đầu tư xây dựng các Khu xử lý rác thải sinh hoạt ở một số địa phương hiện nay.

ThS. Nguyễn Thùy Trang, Giảng viên Khoa Nông Lâm, trường ĐH Tây Bắc nhấn mạnh: Để thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, một trng những giải pháp quan trọng là cần phải đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền.

a4.jpg

Theo đó, có thể triển khai tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tuyên truyền trực quan qua các ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, bảng tin, màn hình LED tại các địa điểm công cộng…; tổ chức tuyên truyền, nói chuyện tại khu dân cư; ra quân thu gom, phân loại CTRSH; tổ chức Ngày hội tái chế, ra quân vệ sinh môi trường….

Các chương trình tuyên truyền phải được lên kế hoạch cụ thể, thực hiện liên tục, lâu dài, bài bản. Nội dung tuyên truyền phải đơn giản, dễ hiểu; đồng thời, cần có sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn để hướng dẫn nội dung, hình thức tuyên truyền, hướng dẫn các buổi tập huấn cho phù hợp với các nhóm đối tượng.

Kết thúc Hội thảo, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến tham luận, từ đó, đề xuất với tỉnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách, từng bước khắc phục những hạn chế trong thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý CTRSH hiện nay.

Theo Sở TN&MT, UBND tỉnh đang xem xét, bố trí kinh phí để triển khai Dự án “Cải tạo, nâng cấp trạm xử lý nước rỉ rác áp dụng công nghệ Ôxy hóa nâng cao tại Khu xử lý chất thải rắn thành phố Sơn La”.

Đồng thời, xem xét, phê duyệt Chủ trương đầu tư “Khu chôn lấp, xử lý chất thải rắn huyện Mường La” tại bản Bủng, xã Mường Bú, huyện Mường La; điều chỉnh quy hoạch điểm xử lý rác thải tại xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai về điểm tập kết, xử lý rác thải tại xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai; xem xét, bố trí kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng Dự án khu chôn lấp, xử lý chất thải rắn huyện Thuận Châu giai đoạn 2…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích