Những điều cần biết về vi khuẩn HP ở trẻ em
Những điều cần biết về vi khuẩn HP ở trẻ em
Theo dõi MTĐT trên
Nếu không can thiệp sớm, sự phát triển của vi khuẩn HP có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí làm thúc đẩy ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn Helicobacter Pylori, viết tắt là vi khuẩn HP sinh sống và phát triển trong dạ dày người. Chúng có cơ chế tiết Enzym Urease đặc biệt giúp thích nghi với môi trường acid của dạ dày.
Sự phát triển và hoạt động của chúng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm – loét dạ dày, tá tràng.
Nếu không can thiệp sớm, bệnh có thể diễn tiến mạn tính, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí làm thúc đẩy ung thư dạ dày. Theo thống kê, khoảng 1% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP có lây nhiễm không?
Vi khuẩn HP rất dễ lây lan, 3 con đường lây nhiễm chính của vi khuẩn HP đó là:
- Lây nhiễm qua đường miệng: H.Pylori không chỉ tồn tại trong niêm mạc dạ dày người bệnh, chúng còn được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám ở răng. Thói quen của người Việt Nam khi ăn uống là ăn chung mâm, dùng đũa gắp thức ăn cho nhau, dùng chung bát nước chấm,… Do đó, nguy cơ lây nhiễm khuẩn HP là rất cao.
- Lây nhiễm qua đường dạ dày: Trong quá trình thực hiện thao tác nội soi tại các cơ sở y tế, nếu việc vệ sinh dụng cụ nội soi không được đảm bảo, vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người lành.
- Lây nhiễm qua đường phân – miệng: Vi khuẩn HP tồn tại trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi đi vệ sinh không rửa tay sạch, hoặc lây nhiễm qua các trung gian khác như côn trùng (ruồi, muỗi, gián) nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh, sau đó lại bám vào thức ăn.
Trẻ em dưới 10 tuổi là đối tượng dễ bị lây nhiễm HP nhất. Nguyên nhân là do môi trường sống, thức ăn không đảm vệ sinh, người lớn có thói quen hôn hít trẻ, đút trẻ ăn bằng bát, đũa chung, mớm cơm cho trẻ. Ngoài ra. hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh cũng là yếu tố gây nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ.
Vi khuẩn HP gây ra những bệnh lý nào?
Tỷ lệ nhiễm khuẩn HP rất cao trong dân số, tuy nhiên, phần lớn những người bị nhiễm đều không có triệu chứng cũng như biến chứng. Sự nhiễm khuẩn này nhìn chung rất thầm lặng, tuy vậy, nó thường gây ra những cơn đau dạ dày mãn tính như viêm dạ dày mãn hoặc loét dạ dày.
Làm gì để xác định có nhiễm vi khuẩn HP không?
Để xác định chính xác có nhiễm vi khuẩn HP dạ dày hay không, bạn cần thực hiện xét nghiệm kiểm tra. Hiện nay, có 4 loại xét nghiệm được dùng để phát hiện sự có mặt của vi khuẩn HP gồm:
Xét nghiệm máu: Kiểm tra máu của bệnh nhân có kháng thể chống vi khuẩn HP hay không. Sự xuất hiện của kháng thể vi khuẩn HP trong máu cho biết có tồn tại vi khuẩn này trong dạ dày và đường ruột.
Xét nghiệm hơi thở: Vi khuẩn HP chủ yếu sinh sôi, phát triển ở dạ dày, nơi có nồng độ acid cao khiến hầu hết các vi khuẩn xâm nhập đều bị tiêu diệt. Có thể kiểm tra sự có mặt của vi khuẩn này trong dạ dày bằng xét nghiệm hơi thở với thiết bị đo DPM đặc biệt.
Xét nghiệm kháng nguyên trong phân: Vi khuẩn HP gây bệnh làm kích hoạt hệ miễn dịch tạo kháng nguyên chống lại, một phần chúng sẽ được tìm thấy trong phân. Xét nghiệm này thường không dùng để sàng lọc bệnh nhân có nhiễm khuẩn HP hay không mà nhằm hỗ trợ chẩn đoán và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh ở bệnh nhân nhiễm khuẩn HP.
Sinh thiết: Bằng nội soi dạ dày tá tràng, bác sĩ sẽ đồng thời sinh thiết mẫu nhỏ niêm mạc dạ dày và ruột non để phân tích tìm kiếm sự có mặt của vi khuẩn HP. Có thể kiểm tra bằng test urease nhanh, nuôi cấy vi khuẩn hoặc sinh thiết mô bệnh học.
Thông thường, bệnh nhân có triệu chứng viêm loét dạ dày sẽ được nội soi để kiểm tra tổn thương thực thể, đồng thời sinh thiết kiểm tra sự có mặt của vi khuẩn HP.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Khoa Tiêu hóa- huyết học lâm sàng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo cần đưa trẻ đi khám khi thấy những triệu chứng dưới đây:
Đau bụng: Đau bụng là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh. Tuy nhiên, không giống như người lớn, trẻ thường bị đau xung quanh rốn hoặc trên rốn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, cơn đau có thể xuất hiện một cách dữ dội hoặc âm ỉ. Đau kéo dài từ nhiều phút đến nhiều giờ.
Trẻ thường xuyên lười ăn, ăn không ngon miệng: Cơn đau khiến trẻ thường xuyên có cảm giác khó chịu, buồn nôn khi nhìn thấy thức ăn, chán ăn, ăn không ngon miệng.
Chướng bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ hơi: Viêm dạ dày ở trẻ thường kèm theo dấu hiệu chướng bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ hơi. Tình trạng này xuất hiện là dạ dày gặp vấn đề, quá trình tiết acid dịch vị tăng cao dẫn đến dư thừa. Khi đó acid dịch vị sẽ thường xuyên trào ngược từ dạ dày lên tá tràng và đến cổ họng dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hóa và rối loạn về họng (ngứa họng, ho mạnh, vướng họng…).
Trong trường hợp không sớm kiểm tra và điều trị, trào ngược dạ dày thực quản có thể khiến trẻ bị viêm loét dạ dày. Đồng thời làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày.
Trẻ xanh xao, mệt mỏi và chóng mặt: Ngoài triệu chứng đặc trưng là đau bụng và các vấn đề về đường tiêu hóa khác, chứng viêm dạ dày khiến trẻ thường xuyên mệt mỏi, xanh xao, không hoạt bát và không năng động. Ngoài ra bệnh còn khiến trẻ chậm lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị loét dạ dày, lâu ngày dẫn đến thiếu máu mãn tính.
Đi đại tiện có máu, phân đen: Theo kết quả thống kê, có 50% trường hợp mắc bệnh dạ dày, tiêu hóa ở trẻ xuất phát từ triệu chứng đi ngoài ra máu hoặc ra phân đen.
Trẻ thường xuyên lười ăn, ăn không ngon miệng khi bị viêm dạ dày
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị