Kiến trúc có thể giúp con người ứng phó với lũ lụt như thế nào?

Thời gian gần đây, lũ lụt trở thành một vấn đề môi trường toàn cầu khi mà rất nhiều nơi trên thế giới phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng do lũ lụt gây ra. Miền Trung Việt Nam, Hà Nam (Trung Quốc), vùng Biển Đen (Thổ Nhĩ Kỳ), Mozambique, Malawi, Zimbabwe, Iran… cùng với nhiều khu vực khác đã và đang phải hứng chịu những cơn lũ lịch sử, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng và gây thiệt hại lớn về tài sản. 

Tại Trung Quốc, chính quyền Hà Nam cho biết hơn 7,5 triệu dân phải chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, 56 nạn nhân thiệt mạng và hơn 1,5 triệu người phải sơ tán. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn là vấn đề nóng toàn cầu thì giải quyết các hậu quả do lũ lụt gây ra lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. 

Mặc dù kiến trúc không phải giải pháp chính đối với vấn đề lũ lụt và cũng không thể hoàn toàn bảo vệ con người và tài sản trước những trận lũ có sức tàn phá lớn, nhưng kiến trúc có thể đóng vai trò như một phương án cần thiết để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của thiên tai và cứu sống con người trong một số trường hợp cụ thể. 

Dưới đây là những phương án kiến trúc dành cho công trình xây dựng tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ lụt và không thể di dời hoàn toàn đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng và đem lại những hiệu quả nhất định. 

Xây nhà cao hơn mực nước lũ

Để xác định độ cao an toàn và hợp lý cho ngôi nhà, kiến trúc sư có thể dựa vào những số liệu về mực nước lũ cho từng khu vực trên thế giới được thống kê trực tuyến tại trang web về ước tính mực nước lũ (estBFE) của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA). Bên cạnh đó, lịch sử thiên tai của địa phương và các yếu tố khí hậu của khu vực cũng cần được nghiên cứu để thiết kế ra chiều cao hợp lý có thể nâng công trình lên. Cột và móng nhà cần được xây dựng chắc chắn để chống chọi được với tác động của nước lũ trong thời gian dài. 

Tại Việt Nam, một số sáng kiến về nhà chống lũ cũng đã được đề xuất, bên cạnh ý tưởng về xây nhà với nền cao hơn đỉnh lũ, như nhà bè, nhà nổi, nhà hai gác có chỗ trú cho gia súc, nhà ống có gác xép… Chủ yếu các sáng kiến này tập trung ngăn không cho nước lũ tràn vào nhà, đồng thời bảo vệ tài sản, vật nuôi, gia súc, gia cầm bằng cách tích hợp chỗ trú ẩn của chúng vào kết cấu của nhà ở. Một số sáng kiến đã được ứng dụng vào thực tế và đem lại hiệu quả khá tốt. 

nhà chống lũ, lũ lụt, kiến trúc chống lũ
Xây dựng nền nhà cao hơn mực nước lũ  (Nguồn:Casey Dunn) 
nhà chống lũ, kiến trúc, lũ lụt, kiến trúc chống lũ
Nhà phao chống lũ (Nguồn: Internet)

Xây dựng bằng vật liệu chống nước

Vật liệu chống nước là những vật liệu có thể tiếp xúc với nước lũ ít nhất 72 giờ mà không bị hư hại đáng kể. Nước lũ có thể ở dạng thủy tĩnh (nước đọng) và thủy động lực (nước chảy) khiến cho tường nhà bị đổ hoặc ngấm nước, bong tróc sơn, móng nhà bị xô dịch… Để hạn chế hư hại, vật liệu chống nước phải bền và chịu được độ ẩm cao. Những vật liệu bền bỉ trước tác động của nước ngập và sức nước mạnh có thể kể đến như bê tông, thép, ván ép chịu áp lực và ván gỗ ép plywood, gạch men, keo chịu nước, sơn epoxy polyester…

Ứng dụng lớp phủ, chất làm kín và tấm veneer (ván lạng) chống thấm 

Đây là 3 vật liệu có tác dụng ngăn nước ngấm qua tường, móng nhà, cửa sổ, cửa ra vào gây hại cho ngôi nhà. Tấm veneer là tấm ván gỗ được lạng mỏng, có thể được tráng một lớp men chống thấm giúp các bức tường chống lại sự xâm nhập của nước. Trong khi đó, lớp phủ và chất làm kín dạng bọt chịu nhiệt có thể được dùng để bảo vệ cửa sổ, cửa ra vào và phủ đầy các vết nứt, tránh nước vào nhà. 

lũ lụt, kiến trúc, kiến trúc chống lũ
Lũ sông Trave ở khu phố Cổ tại Luebeck, Đức. (Nguồn: Maren Winter)

Chống ngập hệ thống sưởi ấm, thông gió, điều hòa không khí (HVAC) và các thành phần cơ khí, hệ thống ống nước và hệ thống điện

Nhìn chung cách tốt nhất để bảo vệ các thiết bị trong nhà bao gồm hệ thống sưởi, thông gió, điều hòa không khí, thiết bị hệ thống ống nước, đồ đạc trong hệ thống ống nước, hệ thống ống dẫn và thiết bị điện bao gồm bảng dịch vụ, đồng hồ đo, công tắc và ổ cắm là đặt chúng cao hơn vị trí thông thường để chống ngập nước. Nếu các bộ phận này bị ngập trong nước lũ, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng có thể bị hư hỏng nghiêm trọng và cần được thay thế. Các thiết bị điện nói riêng có thể tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn nếu bị đoản mạch. Tốt nhất là các thiết bị này cần được nâng cao hơn mực nước lũ, nhưng trong trường hợp đặc biệt, chúng có thể được thiết kế để ngăn ngừa thiệt hại do lũ lụt, thông qua vỏ chống thấm, rào chắn, lớp phủ bảo vệ hoặc các kỹ thuật khác để bảo vệ các bộ phận dễ bị hư hại. 

Ứng dụng lỗ thông hơi nền

Bên cạnh các phương thức chống ngập khô (ngăn cho nước vào nhà), phương án chống ngập ướt cũng có thể được áp dụng như lắp đặt các lỗ thông hơi trên nền móng, cho phép nước lũ chảy qua nhà thay vì đọng lại xung quanh nhà. Mặc dù giải pháp này có vẻ như là một giải pháp phản trực giác do những thiệt hại mà nước lũ gây ra bên trong ngôi nhà, nhưng giải pháp này có thể cung cấp một lối thoát cho nước lũ và làm giảm áp lực gây hại mà nước lũ gây ra trên cửa sổ và tường. 

Xây dựng tường và đê chắn lũ 

Đây có thể được xem như phương án cơ bản và lâu đời nhất trong việc bảo vệ con người và nhà ở trước ảnh hưởng của lũ lụt. Tường và đê chắn lũ cần rất nhiều vật tư, công sức và thời gian để xây dựng và cần được bảo trì thường xuyên, đổi lại, chúng có thể bảo vệ con người hoặc giúp con người có thêm thời gian để triển khai những biện pháp chống lũ khác. 

Lắp đặt van xả ngược cho hệ thống cống

Các van xả ngược của hệ thống cống ngăn không cho nước thải tràn vào nhà trong trường hợp cống bị ngập. Đồng thời, chúng giúp bảo vệ hệ thống cống ngầm trước áp lực nước lớn và ngăn cản nước thải tràn lên ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Ở những nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt, van cổng được ưa thích hơn van nắp vì chúng có vòng đệm chịu áp suất nước tốt hơn. 

Có thể nói, kiến trúc với những sáng tạo trong xây dựng và sử dụng vật liệu đang gợi mở cho con người nhiều phương án ứng phó với lũ lụt. Những khu vực thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của lũ lụt hoàn toàn có thể xây dựng một lối kiến trúc riêng biệt, độc đáo đồng thời đảm bảo an toàn cho con người và của cải. Tại Việt Nam, bên cạnh phương án xây dựng nhà chống lũ đã được đề cập và bắt đầu ứng dụng vào thực tế, một số phương án kiến trúc khác cũng có thể được tham khảo và sử dụng linh hoạt để phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của khu vực./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích