Chuyên gia tiết lộ thời điểm nên xuống tiền khi bất động sản hồi phục

Tiến sĩ Cấn Văn Lực khẳng định thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào cuối năm 2023.

2022 được giới chuyên gia đánh giá là năm bất thường với thị trường bất động sản Việt Nam. Nếu như nửa đầu năm, thị trường hào hứng, bùng nổ với cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư thì nửa cuối năm bất ngờ rơi vào thế ảm đạm.

Đến tháng 2 vừa qua, tại Hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinhomes cho biết các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt hàng loạt khó khăn nếu không có giải pháp kịp thời sẽ đẩy nhiều đơn vị đến bờ vực phá sản.

Sau hội nghị này, Chính phủ liên tiếp có những chính sách nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản và doanh nghiệp. Đầu tiên là ngày 5/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Ngày 11/3, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi?

Đây là điều được nhiều người quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Chia sẻ tại tọa đàm do Công ty chứng khoán VnDirect tổ chức mới đây, tiến sĩ Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia khẳng định thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào cuối năm 2023.

Theo ông Lực, có 4 vấn đề là tín hiệu tích cực cho thị trường.

Thứ nhất là lãi suất sẽ không còn tăng. Cụ thể chuyên gia này đánh giá các Ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ vẫn còn tăng lãi suất đến hết quý II/2023. Nhưng khi kinh tế thế giới bắt đầu có tín hiệu khủng hoảng, các ngân hàng sẵn sàng hạ lãi suất. Ông dự đoán điểm rơi lãi suất là hết quý II năm nay. Việt Nam cũng sẽ tương tự như các nước. Chắc chắn Ngân hàng Nhà nước không thể tăng lãi suất. Nghiên cứu cho thấy thị trường bắt đầu giảm lãi suất 0,5-1,5% kể từ tháng 12 đến nay.

Thứ hai, ông Lực kỳ vọng những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực bất động sản thời gian vừa qua sẽ sớm được giải quyết.

Thứ ba là vấn đề liên quan đến pháp lý sẽ được giải tỏa như những nội dung sửa đổi luật sẽ rõ ràng khi được Quốc hội thông qua vào tháng 10.

Thứ tư là kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ phục hồi tốt hơn vào năm 2024. Cụ thể, ông Lực đánh giá kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 2%, năm tới 3%. Đối với Việt Nam năm nay tăng trưởng khoảng 6-7% và kỳ vọng cao hơn vào năm sau. “Thế giới tốt hơn, mình tốt hơn. Tại sao các anh chị không đoán trước một quý để mình xuống tiền”, ông Lực kết luận.

Chuyên gia tiết lộ thời điểm nên xuống tiền khi bất động sản hồi phục
Thị trường bất động sản được đánh giá sẽ phục hồi từ quý IV/2023 (Ảnh: Hà Phong).

Những tín hiệu tích cực khác

Trong một hội thảo do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam VARS tổ chức hồi cuối tháng 2, tiến sĩ Võ Trí Thành cũng nêu ra một số tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Đầu tiên là động lực từ giải ngân vốn đầu tư công. Với tổng vốn đầu tư công hơn 700.000 tỷ đồng, nếu thực hiện được như kế hoạch của Thủ tướng đặt ra là 95% thì đây là điều chưa từng có trong lịch sử đầu tư công.

Tiến sĩ Thành cho biết việc đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất tại các địa phương, các dự án cao tốc, các trung tâm logistics lớn chắc chắn tác động rất tích cực đến bất động sản.

Thứ 2 là một số tỉnh sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù ví dụ như cơ chế đặc thù cho TPHCM hy vọng được Quốc hội thông qua vào tháng 5. Từ đó các vấn đề về đô thị hóa, hạ tầng, khu công nghiệp sẽ bắt đầu được triển khai.

Dấu hiệu thứ 3, theo tiến sĩ Võ Trí Thành, là nguồn vốn FDI cam kết giải ngân trong năm 2023. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có khoảng 40 tỷ USD vốn cam kết năm nay. Đây là nguồn lực rất tích cực, ông Thành đánh giá.

Một dấu hiệu có phần tích cực khác là sự phục hồi của ngành du lịch. Du lịch đóng vai trò liên quan đến thu hút nước ngoài, bất động sản công nghiệp. Năm ngoái ngành này thu hút được 102 triệu khách nội địa, năm nay mục tiêu bằng năm ngoái. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn rất thấp so với mức trước dịch Covid-19.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích