Chính phủ cho phép triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội
Chính phủ cho phép triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội
Theo dõi MTĐT trên
Chính phủ giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.
Thông tin này được đề cập trong Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững mới được Chính phủ ban hành hôm 11/3.
Cụ thể, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại – chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank – cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.
Gói tín dụng này tương đương với khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030.
Lãi suất thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng quốc doanh trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.
Đồng thời, NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chương trình.
Trong lúc chờ thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ cho biết sẽ đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Về nguồn vốn tín dụng, Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Bên cạnh đó, có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…); tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn
Ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…
Đồng thời, có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi. Trong đó, khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị