Doanh nghiệp chuyên bất động sản cao cấp nên có chiến lược nhà ở xã hội

Doanh nghiệp lớn chuyên về phát triển nhà ở cao cấp cũng nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh vì đây là sản phẩm tạo ra sự bền vững, ổn định lâu dài đối với doanh nghiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nói.

Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần III, TS. Vũ Đình Ánh nêu quan điểm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do họ tự gây nên chứ không phải do các nguồn lực hay do vấn đề thị trường vĩ mô, tài chính.

Theo ông Ánh, doanh nghiệp cần rà soát lại hoạt động của mình. Trên cơ sở tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp nên tái cơ cấu lại nguồn tài chính và sau đó mới bàn tới câu chuyện tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chuyên bất động sản cao cấp nên có chiến lược nhà ở xã hội
PGS.TS Trần Kim Chung. (Ảnh: D.Anh)

Nêu câu chuyện thực tế, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest cho rằng: “Doanh nghiệp cần phải biết lượng sức mình, nếu sức có thể gánh được 60kg thì chỉ cần cần gánh 40kg thôi mới có thể đi được đường dài”.

Đặc biệt với những khó khăn trên thị trường, doanh nghiệp cần phải tự cứu mình là tiết giảm lại kênh đầu tư, mức đầu tư sao cho phù hợp với sức khỏe của mình.

Ông dự báo khó khăn của thị trường bất động sản sẽ còn kéo dài tới năm 2024. Từng doanh nghiệp cũng đã đang và sẽ có phương án tự cứu mình trong bối cảnh hiện tại.

Doanh nghiệp chuyên bất động sản cao cấp nên có chiến lược nhà ở xã hội
Các doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản phẩm phù hợp. (Ảnh: Hoàng Hà)

Bàn về giải pháp, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing, cho rằng, yếu tố quản trị doanh nghiệp và quản trị danh mục đầu tư rất quan trọng, nhất là sau khủng hoảng. Đó là bài học sâu sắc cho bất cứ doanh nghiệp nào làm bất động sản.

Các chủ đầu tư, nhà đầu tư tham gia cần có tính toán sử dụng đòn bẩy như thế nào thay vì đầu tư theo đám đông, phải đầu tư dài hơi không thể lãi gấp đôi, gấp ba ngay được.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp cần cấu trúc lại dòng sản phẩm để dễ hấp thụ với thị trường, nhằm có dòng tiền để doanh nghiệp khởi động trở lại.

Doanh nghiệp nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình, kể cả doanh nghiệp lớn chuyên về phát triển nhà ở cao cấp. Ông Đính cho rằng, đây là sản phẩm tạo ra sự bền vững, ổn định dài hơn đối với doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần xây dựng các phương án trả nợ, phát hành, đặc biệt là lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đề nghị, có thể xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ nghiêm trọng, các dự án vi phạm để tìm nhà đầu tư mới. Đây là một phương án rất thiết thực để giúp hồi sinh lại, tạo nguồn lực cho thị trường bất động sản có thể dồn chảy tụ lại ở các doanh nghiệp có tiềm năng lớn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích