Gia tăng ca bệnh do rắn độc cắn: Những nguyên tắc sống còn
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, thời gian vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực – chống độc của Bệnh viện liên tục tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân bị rắn độc cắn.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là bệnh nhi Lò Thị D. (13 tuổi, Cò Nòi- Mai Sơn) được chẩn đoán bị rắn cạp nia cắn vào ngón trỏ 2 của bàn chân trái. Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở và đã được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Mai Sơn. Tại đây, các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, truyền dịch, lợi tiểu trước khi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La điều trị tiếp.
Trường hợp thứ hai, bệnh nhân Quàng Văn S. (64 tuổi, Chiềng Sinh, Sơn La) được chẩn đoán bị rắn xanh cắn. Theo lời kể của bệnh nhân, trong khi dọn dẹp xung quanh nhà, anh đã bị một con rắn xanh cắn vào ngón cái bàn tay trái. Sau khi bị cắn, bệnh nhân thấy đau nhiều tại vị trí cắn, sưng nề và được gia đình đưa vào điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La.
Nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn nguy hiểm tính mạng.
Trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân bị rắn độc cắn tại khoa, Th. Bs. Mè Thị Xuân –Trưởng khoa HSTC – chống độc Bệnh viên Đa khoa tỉnh cho biết, rắn độc cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là ở một số tỉnh miền núi như Sơn La.
Theo bác sĩ Xuân, các loại rắn thường trở nên hung hãn hơn vào mùa xuân, đầu hè và thu. Số lượng nạn nhân bị rắn cắn thường tăng từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm do đây là mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc. Cũng bởi khoảng thời gian này thời tiết đẹp, mọi người thường tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn.
Bs Xuân cũng chỉ ra rằng, sai lầm lớn nhất của bệnh nhân và người nhà khi bị rắn cắn là loay hoay ở nhà áp dụng các kinh nghiệm dân gian kinh để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện nặng của suy hô hấp, tím tái, khó thở, liệt cơ… mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế. Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều loại rắn độc với các cơ chế gây độc khác nhau, tùy theo loại rắn độc sẽ có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau.
Bs Xuân đưa ra khuyến cáo, tốt nhất sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng chuyến bệnh nhân đến cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện để cấp cứu và có huyết thanh kháng lọc độc.
Cần lưu ý một số bước sơ cứu cơ bản khi bị rắn cắn như sau: Không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.
Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Tuy nhiên, lưu ý không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..).
Ngoại trừ rắn hổ mang có thể chủ động tấn công người còn lại phần lớn các trường hợp bị rắn cắn là do con người chủ động bắt rắn hoặc trêu rắn (vô tình hoặc cố ý làm cho rắn cảm thấy bị đe doạ). Trong lao động để tránh được hoàn toàn không bị rắn cắn là rất khó. Để giảm nguy cơ bị rắn cắn, có thể áp dụng các biện pháp như sau:
Tìm hiểu, biết về loại rắn trong vùng, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp, nắm được thời gian trong năm, trong ngày và kiểu thời tiết nào rắn thường hoạt động nhất. Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm.
Cố gắng đi ủng, dày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ. Dùng đèn nếu ở trong bóng tối hoặc vào ban đêm.
Càng tránh xa rắn càng tốt: Không biểu diễn rắn, không đe doạ rắn, không cầm, không trêu rắn ngay cả khi rắn đã chết. Đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người. Không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín. Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất. Không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn.
Không sống ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật của gia đình. Thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không, nếu có thể thì tránh các kiểu cấu trúc nhà tạo điều kiện thuận lợi cho rắn ở (như nhà mái tranh, tường xây bằng rơm, bùn với nhiều hang, hốc hoặc vết nứt, nền nhà nhiều vết nứt).
Để tránh bị rắn biển cắn, các chuyên gia cảnh báo người dân chài không nên bắt rắn ở trong lưới hoặc dây câu. Có thể dễ nhầm lẫn khi phân biệt giữa đầu rắn và đuôi rắn. Những người tắm hoặc giặt ở các vùng nước đục ở cửa sông hoặc một số vùng bờ biển cũng có thể dễ bị rắn cắn.
An Dương