Bài 2: “Xóm gái không chồng”, điểm khởi đầu nhà ở xã hội
(Xây dựng) – Như Báo điện tử Xây dựng đã nêu, 20 năm trước, các nhà hảo tâm đã xây dựng nhà tặng cho 18 hộ thợ rừng nghèo, diện đặc biệt gái không chồng mà có con. Xóm gái không chồng là điểm đầu khởi động nghĩa cử xây dựng nhà ở xã hội ở địa phương, nay lại dấy lên một cách làm hay để hưởng ứng Đề án “Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030”, mà Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ.
Ông Nguyễn Bá Trượng – Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hoành Bồ nêu: Nhà ở phải phù hợp với nghề nghiệp, thợ rừng không tập trung về đô thị ở được. |
“Xóm gái không chồng”, cư dân là công nhân đội thợ rừng Khe Hố, của lâm trường Hoành Bồ, ở thôn Tân Tiến, xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả. Khi ấy, đội lâm nghiệp Dương Huy của lâm trường Hoành Bồ có 2 phân trường là Khe Hố và Đá Bạc, hầu hết là trai chưa vợ, gái chưa chồng, phụ nữ chiếm trên 80%. Phân trường Khe Hố có khoảng 130 lao động thì trên 100 người là nữ. Lán thợ ở trong rừng sâu như cách bức với xã hội, nội bộ thì nam – nữ mất cân đối, gái nhiều hơn trai nên việc lập gia đình rất khó khăn. Trên 20 cô, mỗi người một bi kịch dẫn đến sự bất hạnh “gái không chồng mà có con”. Chị ít là 1 con, chị nhiều là 3 con, nhà vắng bóng đàn ông lại nhiều miệng ăn, người làm thì không có, mỗi năm thêm túng bấn. Nhà cửa mái tranh vách đất chắp vá, dột nát, khi mưa cũng khổ khi nắng cũng phiền… chủ nhà miếng ăn còn thiếu lấy đâu ra tiền của mà sửa sang.
Giữa lúc cơ hàn ấy, năm 2003, một đoàn cán bộ của tỉnh do ông Nguyễn Đức Long – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh (sau này làm Chủ tịch UBND tỉnh) dẫn đầu đến thăm hỏi tình hình đời sống sản xuất của đội thợ rừng Dương Huy, đặc biệt là thực tế nơi ở của người lao động các phân trường. Năm sau (2004), 18 doanh nghiệp xa gần được LĐLĐ tỉnh vận động đến nhận đỡ đầu 18 hộ gái không chồng mà có con. Mỗi doanh nghiệp thiện nguyện đầu tư xây dựng 1 căn nhà theo hình thức đối ứng ba nhà: Lâm trường, chủ nhà và nhà thiện nguyện. Doanh nghiệp đỡ đầu là nòng cốt, hỗ trợ vật liệu xây dựng chính, lâm trường hỗ trợ phần mộc, như cánh cửa, cầu phong ri tô, chủ nhà thì giải phóng mặt bằng, ít nhiều tham gia đóng góp “nhiều làm kép – hẹp làm đơn”. Ví dụ, chị Đặng Thị Ngọ được con cháu hỗ trợ thêm thì làm căn hộ khép kín, rộng 60m2, còn cơ bản là làm theo mẫu thiết kế chung; nhà cấp 4 “một thò hai thụt” rộng 36m2, giá trị đầu tư tiền thời điểm ấy 12 triệu đồng một căn hộ.
Dấu tích căn nhà ở xã hội đầu tiên ở Quảng Ninh. |
Nhà của doanh nghiệp nào xây dựng tặng cho hộ nào thì gắn biển tên doanh nghiệp ấy, để gắn trách nhiệm về chất lượng xây dựng công trình, thời gian bảo hành và mối quan hệ “bà đỡ” với đứa trẻ không cha. Đầu ngõ còn dựng tấm bia lớn vinh danh chủ dự án là Ban nữ công LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh và niêm yết đầy đủ danh sách các đơn vị công đức xây dựng nhà tặng cho nữ công nhân lao động nghèo. 18 căn hộ mà những tấm lòng hảo tâm xây dựng tặng cho “xóm gái không chồng” tổng cộng chi phí trên 200 triệu đồng. Ngày khánh thành công trình, bàn giao nhà cho các chị – các cô thợ rừng nghèo, cả làng rừng vui như ngày hội. Người được chìa khóa trao tay, nhận nhà mới mừng mừng tủi tủi. Thung lũng rừng mọc lên ngôi làng nhỏ nhà cửa xây bằng gạch nung vững chãi, sáng màu vôi ve, mái ngói Giếng Đáy đỏ tươi, đẹp nhất xã Dương Huy khi ấy.
Ông Nguyễn Bá Trượng – nguyên Đội trưởng Đội lâm nghiệp Dương Huy (nay là Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hoành Bồ) nhớ lại, khi ấy vận động doanh nghiệp giúp đỡ “gái không chồng mà có con” xây nhà là việc làm không suôn sẻ, còn nhiều người dị nghị không đồng ý. Ông Lại Văn Giang – nguyên Giám đốc Lâm trường Hoành Bồ chia sẻ, khi ấy mình nhiều lần đề nghị kết nạp Đảng cho cán bộ chủ chốt của phân trường, nhưng Huyện ủy không đồng ý, vì lý lịch của họ vướng “gái không chồng mà có con”. Khi ấy còn nặng tư duy phong kiến, xã hội rất thành kiến với gái hoang thai.
Ông Nguyễn Đức Long – Phó Chủ tịch LĐLĐ, bà Trần Thị Hằng – Trưởng Ban nữ công LĐLĐ tỉnh, ông Phạm Đức Chu – Chủ tịch LĐLĐ ngành Nông nghiệp đã kiên trì vận động, thuyết phục mọi người rằng các chị là những chiến sỹ phục vụ chiến đấu vệ quốc, đã hy sinh tuổi trẻ làm cột mốc sống nơi biên cương rừng sâu núi thẳm, bất hạnh không được làm vợ phải có quyền làm mẹ. Họ khó khăn phải được giúp đỡ, đó là đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” những người hy sinh cho kháng chiến, dần dần nội bộ mới đồng thuận cao.
Bà Phạm Thị Sùng đề nghị phải giữ lại tấm bia này, nơi khởi đầu xây dựng nhà ở cho công nhân lao động nghèo của Quảng Ninh. |
Tổ chức đoàn thể đứng ra vận động những tấm lòng hảo tâm, xây dựng nhà cho công nhân lao động nghèo của Đội lâm nghiệp Dương Huy thì “tiếng lành đồi xa”. Nhiều địa phương đến học tập và trở thành điểm chỉ đạo “Mái ấm công đoàn” ở Quảng Ninh. Đến nay, địa phương đã có trên 1.000 căn nhà như vậy. Từ cách làm của Quảng Ninh là điển hình và phát triển rộng rãi ra cả nước về phong trào huy động nguồn lực ngoài ngân sách, xây dựng “Mái ấm công đoàn” cho người nghèo, cùng mang tính chất là nhà ở an sinh xã hội.
Quảng Ninh thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Đối chiếu lại, thời gian qua Quảng Ninh cũng dành nhiều sự quan tâm đến công tác phát triển nhà ở xã hội, đã quy hoạch trên 600ha quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội, 55ha đất nhà ở cho công nhân gắn liền với khu công nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, địa phương triển khai các dự án nhà ở xã hội, trong đó đã khởi công xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô 2.327 căn hộ, trong đó đã hoàn thành 612 căn hộ.
Ông Nguyễn Hữu Bình – Thường trực Công đoàn ngành Xây dựng Quảng Ninh cho biết: Những căn nhà xây dựng cho thợ rừng nghèo ở Khe Hố là hình thức xây dựng nhà ở xã hội đầu tiên ở Quảng Ninh. |
“Xóm gái không chồng” là điểm khởi nguồn của “Mái ấm công đoàn” là cách làm hay, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, chung quy là nhà ở xã hội. “Xóm gái không chồng” còn gợi lên vấn đề mà Đề án “Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” phải quan tâm, là nhà ở phải gắn liền với nghề nghiệp. Những người thợ rừng ở sơn khu, công nhân nuôi trồng – chế biến thủy sản ở hải đảo không thể về ở những tòa chung cư tuy giá bình dân, nhưng ở nơi đô thị được.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, tổ chức tại Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Vấn đề “an cư lạc nghiệp”, lạc nghiệp phải có trước an cư, người lao động phải có việc làm, có thu nhập mới có nhu cầu nhà ở.
Nên chăng phải có giải pháp về quy hoạch, cơ chế – chính sách đất đai – tài chính, cách làm phù hợp gắn nơi ở với nghề nghiệp thì Đề án “Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp” mới thiết thực đi vào đời sống xã hội.
Nguồn: Báo xây dựng