Xã Cao Viên- Thanh Oai- Hà Nội: Hiểm hoạ ô nhiễm môi trường từ lò mổ tự phát

Xã Cao Viên- Thanh Oai- Hà Nội: Hiểm hoạ ô nhiễm môi trường từ lò mổ tự phát

PV –  Thứ sáu, 10/03/2023 08:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cách lò mổ tự phát không xa, là công trình 6 tầng, cũng của gia đình ông Quân chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Cán bộ địa chính xã Cao Viên xác nhận công trình trên thuộc thửa đất do địa phương bán trái thẩm quyền nên đã bị đình chỉ xây dựng.

Lò mổ tự phát, tiềm ẩn nguy cơ về môi trường và an toàn thực phẩm.

Theo thống kế, Hà Nội hiện có 10/29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch của thành phố đang hoạt động (đạt 34,5% theo quy hoạch). Trong đó gồm 6 cơ sở giết mổ công nghiệp (đạt 75%); 3 cơ sở giết mổ tập trung (đạt 37,5%) và 1 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ (đạt 7,69%). Số lượng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn thành phố là 126 cơ sở.

Kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm cần phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, qua đó có thể kiểm soát tốt các vấn đề về môi trường và an toàn thực phẩm. Thế nhưng, hiện có nhiều cơ sở giết mổ tự phát mọc lên sát khu dân cư suốt thời gian dài mà không bị cơ quan chức năng xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.

Tại xóm Gạch, thôn Trung, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, theo phản ảnh của người dân có lò mổ của ông Lê Xuân Quân. Trước đây, gia đình ông thuê lại khu đất nông nghiệp để nuôi lợn, vài năm trở lại đây ông Quân lại chuyển sang mổ lợn để cung cấp cho các tiểu thương. Việc giết mổ lợn vào thời gian buổi sáng sớm và giữa trưa.

tm-img-alt
Khu giết mổ lợn tự phát hộ gia đình ông Quân.

Nghị định 08/2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường quy định ngành chế biến thủy hải sản, giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp thuộc danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (phụ lục II), xếp chung với các ngành tái chế, xử lý chất thải nguy hại; sản xuất xi măng, pin, ắc quy…

Theo quy định, tất cả hoạt động liên quan đến giết mổ động vật để kinh doanh, buôn bán phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ tập trung được cấp phép để kiểm soát. Những hành vi giết mổ trái quy định, giết mổ tại nhà đều được kiểm tra để xử lý.

Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y đã được ban hành, trong đó quy định rõ, hành vi giết mổ động vật ở những địa điểm không phép, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, sẽ bị phạt hành chính từ 2-3 triệu đồng và cho dừng hoạt động.

Tuy nhiên, số tiền xử phạt chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận mà chủ lò mổ thu về, ngoài ra chế tài cưỡng chế đóng cửa lò mổ tự phát cũng kém hiệu quả nên bất chấp lệnh cấm, đến nay, nhiều cơ sở giết mổ tự phát vùng ngoại thành vẫn ngang nhiên tồn tại.

Hệ luỵ về môi trường tại lò mổ không phép là hiện hữu, các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch cũng không được cơ quan chức năng nào kiểm tra. Từ đó, mầm bệnh có thể phát tán và lây lan do tiếp xúc trực tiếp giữa lợn ốm và lợn khỏe, qua việc vận chuyển lợn, từ vùng này sang vùng khác dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Xây dựng trái phép

Người dân cho biết thêm khu lò mổ nhà ông Quân là thuộc khu đất nông nghiệp, hiện nay có căn nhà cấp 4 được xây dựng trái phép. Công trình đã tồn tại suốt thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương tháo dỡ theo quy định của pháp luật.

tm-img-alt
Căn nhà cấp 4 xây dựng trên đất nông nghiệp

Cách lò mổ tự phát không xa, là công trình 6 tầng, cũng của gia đình ông Quân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cán bộ địa chính xã Cao Viên xác nhận công trình trên thuộc thửa đất do địa phương bán trái thẩm quyền nên đã bị đình chỉ xây dựng suốt mấy năm qua.

tm-img-alt
Công trình trên lô đất do địa phương bán trái thẩm quyền.

Để làm rõ các nội dung trên, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND xã Cao Viên.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Dũng Chủ tịch UBND xã Cao Viên cho biết, ông mới chuyển về đây công tác được khoảng 6 tháng nên không nắm được các nội dung trên và hẹn sẽ giao cho đồng chí Phó Chủ tịch cung cấp thông tin.

Sau nhiều lần gọi điện cho ông Nguyễn Mạnh Dũng Chủ tịch UBND xã, ông không nghe máy, PV đã phải quay trở lại UBND xã Cao Viên lần hai.

Lần này, mặc dù được trực tiếp ông Nguyễn Mạnh Dũng dẫn PV gặp ông Đỗ Như Quang Phó Chủ tịch UBND xã để cung cấp thông tin như đã hẹn. Tuy nhiên, ông Quang cho biết ông không đủ thẩm quyền để tiếp cơ quan báo chí và ông cũng mới về công tác được hơn một năm ông không nắm được. Ông Quang cho rằng PV nên gặp trực tiếp người dân để xác minh hoặc lên huyện… 

Mới đây, ngày 21/02/2023, UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 430/UBND-KTN về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Qua đó, chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý việc giết mổ động vật tập trung, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn theo quy định.

Vậy, để tình trạng lò mổ gia súc tự phát ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài mà không bị xử lý, ngăn chặn kịp thời. Trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Cao Viên đến đâu?

Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích