Nắng ở miền biên ải

(Xây dựng) – Mất vài cây số đi đường tránh qua đèo Mã Phục, xe lại tăng tốc trên con đường êm ái như ru. So với vài chục năm trước thì con đường là một đổi thay kì diệu nhất. Chỉ tiếc bóng dáng uy nghi chậm rãi của những cọn nước khổng lồ đã không còn. Hai chiếc cọn bé xíu còn lại nằm khuất sau bờ kè xây gạch trát xi măng vuông vắn kể cũng kém đi vài phần xúc động. Nhưng dòng suối trong xanh thì thầm luồn lách chảy bên những rặng tre tơ tóc vẫn còn nguyên dáng vẻ nhẫn nại nghìn năm. Muốn quan sát thưởng thức vẻ đẹp của một rặng tre hùng vĩ có lẽ bây giờ không đâu tốt hơn ở nơi này. Tre in bóng trên nền nước pha lẫn mây trời huyền ảo trùng điệp như điệu hát then mê say không dứt. Những vườn cây dẻ nổi danh Trùng Khánh vào mùa thay lá vươn mớ cành xương dăm huyền hoặc trôi trong sương mù. Mới biết hội họa thủy mặc hàng nghìn năm trước đã cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên rừng núi đến mức nào.

nang o mien bien ai
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Người lái xe hạ kính cửa xuống khi nắng vừa hứng lên. Sương mù bảng lảng bay về sau những ngọn núi thẫm xanh. Hơi lạnh ùa vào ẩm trong chân tóc. Còn cách thác Bản Giốc vài cây số đã nghe rì rầm tiếng nước cồn cào dội mênh mang trong trí nhớ. Những thửa ruộng hanh hao còn trơ gốc rạ bạc màu trải dài trong thung lũng về phía chân ngọn thác. Đứng trên khoảnh sân gạch chon von đồn biên phòng, thác Bản Giốc hùng vĩ hiện ra với những bờm nước trắng xóa rực sáng cả một vùng núi non xanh rì. Làn bụi nước lóa lên trời xanh dệt thành những cầu vồng nhỏ như đàn dễ thần tiên bảy sắc vui đùa trong góc nắng. Hai chục năm trước đồn biên phòng còn là những dãy nhà lá và sân bóng chuyền đất nện bụi mù. Giờ đã thành những tòa nhà hai tầng khang trang trong khuôn viên cây cối rườm rà có hàng rào lan can con tiện sứ hoa.

Theo con đường mòn dẫn vào chân thác băng qua những thửa ruộng khô nẻ, những triền cỏ héo vàng màu cát mịn, tiếng thác đổ lao xao quấn quít chân người. Những con chim lưng đen bụng đó thoăn thoắt chao mình qua bơm nước trắng tìm bắt côn trùng cất tiếng kêu lảnh lói dội vào lưng núi. Cả một vùng mênh mông lác đác chỉ vài bóng người chậm chạp đi qua chiếc cầu gỗ nhỏ có hàng tay vịn bằng tre xộc xệch. Thiên nhiên được gìn giữ vẫn còn thấm đậm những nét nguyên sơ ngàn đời. Phía bờ bên kia dòng sông Qui Sơn trong vắt nằm đậu thưa thớt vài chiếc mảng du lịch ghép bằng cây luồng có mái tròn treo diêm dúa những chiếc áo phao và cờ quạt đỏ chói xung quanh, Lưng chừng triền núi dốc thẳng xuống bờ sông bên ấy là con đường quanh co dẫn đến một thị trấn du lịch sầm uất. Vẫn nghe văng vẳng đâu đó một tiếng gà trưa tha thiết về.

Bạn nhà văn quê ở Trùng Khánh dẫn chúng tôi vào quán ăn duy nhất cuối con đường vào thác Bản Giốc. Không có lựa chọn nào hơn vào lúc xế trưa sang chiều. Giờ này về đến thị trấn cũng là lúc người ta mới bắt đầu chuẩn bị bữa chiều. Chẳng biết vì quán ăn nằm ở vị trí hơi heo hút vắng vẻ này hay vì chủ nhà có nhiều tâm sự không vui mà khách đến ngồi chán chê vẫn chưa có người phục vụ. Chú bé tiếp tân trả lời nhát gừng câu một dù tiếng Kinh rất thạo. Hỏi món gì thì cũng chỉ nhận được nguyên một chữ “không có”. Nhưng chẳng ai còn muốn thắc mắc làm gì. Người Hà Nội quá quen với cách phục vụ ấy trong vài quán ăn ở ngay thành phố của mình.

Nắng trưa cuối đông trong veo như mật rót chan hòa…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích