Quản lý phát triển kiến trúc nhà ở thấp tầng đô thị trong định hướng phát triển kiến trúc VN
Quản lý phát triển kiến trúc nhà ở thấp tầng đô thị trong định hướng phát triển kiến trúc VN
Một trong những nội dung cần hướng tới để xây dựng sự phát triển bền vững – có bản sắc đô thị và nông thôn chính là hoạch định các định hướng phát triển kiến trúc cho loại hình nhà ở, đặc biệt là nhà ở thấp tầng trong đô thị
Luật kiến trúc đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành ngày 13/06/2019 và có hiệu lực từ 01/07/2020. Để các nội dung của văn Luật có ý nghĩa này đi vào cuộc sống, theo khuôn khổ luật định, dự thảo Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam cũng đã được biên soạn và dự kiến sẽ sớm được Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới. Một trong những nội dung cần hướng tới để xây dựng sự phát triển bền vững – có bản sắc đô thị và nông thôn chính là hoạch định các định hướng phát triển kiến trúc cho loại hình nhà ở, đặc biệt là nhà ở thấp tầng trong đô thị vốn đã có nhiều tồn tại từ lịch sử lâu dài. Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá các hiện trạng kiến trúc công trình nhà ở thấp tầng, cập nhật và dự báo các xu hướng phát triển trong nước và quốc tế, một số khuyến nghị khung được đề xuất về phát triển kiến trúc nhà ở thấp tầng đô thị, trong Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong các giai đoạn tới.
Kiến trúc nhà ở thấp tầng đô thị, vẫn còn nhiều thách thức
Tổng quan chung, nhà ở thấp tầng trong đô thị bao gồm 02 nhóm chính. Nhóm nhà ở thấp tầng trong đô thị hiện hữu bao gồm: (1) Nhà ở liền kề dân cư hiện hữu (quy mô diện tích từ rất nhỏ 25m2 – rất lớn 200m2, tầng cao phổ biến từ 3 – 5 tầng, cá biệt cao hơn từ 9 – 11 tầng, kiến trúc theo kiểu nhà ống phân lô). Do lịch sử để lại, chiếm số lượng tỷ lệ lớn trong đô thị, phân bố tập trung nhiều ở khu vực trung tâm đô thị, các khu vực cũ trong đô thị. (2) Nhà cổ, nhà cũ là các công trình biệt thự, nhà ở thấp tầng cổ, cũ đã được công nhận là di tích, được bảo tồn, tu bổ, sử dụng theo luật di sản văn hóa và các công trình nhà ở thấp tầng khác có giá trị chưa được xếp hạng, dự kiến sẽ được lập danh sách kiểm kê, đang được sử dụng trong đời sống dân cư. Bên cạnh đó, nhóm nhà ở thấp tầng trong các dự án phát triển đô thị mới bao gồm 02 loại chính là: (3) Biệt thự (có khuôn viên độc lập, quy mô từ 200m2 – 500m2 và tiếp cận với thiên nhiên ở nhiều hướng, cao từ 1 – 4 tầng, bên cạnh ngoài diện tích ở còn nhiều tiện ích cao cấp như bể bơi, gara…). Đây là loại hình nhà ở tiêu chuẩn cao cấp trong đô thị; (4) Nhà ở liên kế (được xây dựng trên lô đất riêng có quy mô diện tích từ 50m2 – 100m2, các ngôi nhà được ghép sát nhau, tiếp xúc thiên nhiên một hay hai hướng, cứ 8 – l0 khối tạo thành một dãy nhà, tầng cao tối đa 3-4 tầng, không gian nội thất ngoài không gian ở còn kết hợp ở vừa làm nghề phụ, kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Đánh giá chung, một số tồn tại trong kiến trúc nhà thấp tầng đô thị hiện nay:
Về quy hoạch kiến trúc cảnh quan, do lịch sử để lại, kiến trúc công trình nhà ở thấp tầng đô thị còn phần nhiều lộn xộn, kém chất lượng, gây nên hiện trạng phá vỡ kiến trúc cảnh quan đô thị. Tình trạng xây chen, ken chặt nhà thấp tầng trong khu vực nội đô cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ quá tải hạ tầng. Việc tận dụng đất tối đa nên việc tạo các khoảng lùi thay đổi, các không gian trống, màu sắc của từng nhóm công trình không được quan tâm dẫn đến tuyến phố có dạng buồn tẻ, đơn điệu, không điểm nhấn. Trong nhiều khu đô thị mới, tuy đặt tên là nhà phố, nhà thương mại nhưng thực chất lại không phải là công trình nhà ở thuận tiện cho kinh giao thương khi có cổng, tường rào kiểm soát, không có giao thông tiếp cận từ ngoài vào. Các dãy phố thương mại cũng chưa học hỏi mô hình để có tính kết nối đồng nhất về vẻ đẹp tổng thể cảnh quan.
Về kiến trúc, công trình nhà ở thấp tầng hiện hữu trong đô thị hiện nay chủ yếu còn manh mún, riêng lẻ mà ít chú ý đến tổng thể và sự đồng bộ. Các xu hướng kiến trúc nhại cổ, sai tỷ lệ – tỷ xích, học đòi, thiếu tính văn hóa và thích ứng vi khí hậu cũng rất phổ biến trong kiến trúc nhà ở thấp tầng trong đô thị thời gian qua. Những thiết kế mang tính sáng tạo nghệ thuật, tính đương đại… còn thiếu đặc biệt là sự tiệm cận với các xu hướng kiến trúc xanh, thích ứng khí hậu nhiệt đới còn hạn chế. Việc tổ chức vi khí hậu vẫn chủ yếu là thụ động, thiếu tính chủ động trong kiến trúc ngôi nhà.
Trong một số khu đô thị mới và các dự án nhà liền kề, các mẫu nhà được thiết kế sẵn điển hình và thi công hàng loạt, ngoài mất bản sắc – tính nhận diện cho khu đô thị mới, chủ nhà đều phải cải tạo, sửa chữa thay đổi kiến trúc trúc dẫn đến lãng phí thời gian, vật liệu và tài chính. Bên cạnh đó, thời gian qua, loại hình nhà ở Shophouse cũng đã xuất hiện phổ biến tại một số khu đô thị mới, bố trí thêm tại các tầng trên và kinh doanh dịch vụ thương mại cá thể tại tầng trệt, trong khi thiếu các cơ sở quy định các tỷ lệ về khối tích, tầng cao, cũng như tỷ lệ giữa các không gian sinh hoạt gia đình và kinh doanh thương mại dịch vụ dẫn đến tiềm ẩn nhiều bất cập cần phải giải quyết trong tương lai cả ở cấp độ từng ngôi nhà riêng lẻ cũng như tổng thể toàn khu vực đô thị.
Về kết cấu và sử dụng vật liệu, việc lạm dụng tràn lan các vật liệu thiếu nghiên cứu bài bản cho công trình nhà ở thấp tầng trong đô thị như mái tôn, cửa kính,… làm công trình kém về thẩm mỹ, độ bền… cũng như gia tăng chi phí vận hành – bảo trì công trình.
Trong bối thiên tai và biến đổi khí hậu, đang có xu hướng ngày càng trầm trọng, mà khu vực đô thị cũng không là ngoại lệ chịu ảnh hưởng cũng cho thấy những hạn chế về khả năng thích ứng cao của kiến trúc nhà ở thấp tầng trong đô thị hiện nay.
Kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực
Tại Singapore, do hạn hẹp quỹ đất nội đô, các chính sách hạn chế phát triển công trình nhà ở dân cư thấp tầng gắn liền trên đất trong đô thị luôn được duy trì mạnh mẽ trong các giai đoạn vừa qua. Các quy định về định hướng kiến trúc, đặc biệt là tầng cao và quy mô diện tích được cơ quan tái phát triển đô thị Singapore quy định rất chặt chẽ nhằm đảm bảo sự đồng bộ của kiến trúc cảnh quan tổng thể toàn khu vực. Cụ thể, với nhà ở hiện hữu trong đô thị, từ 05/2015, quy định quản lý chặt về chiều cao và khoảng lùi công trình để đảm bảo vẻ đẹp tổng thể trên toàn tuyến phố. Khuyến khích chủ gia đình nâng cấp chất lượng, tiện nghi cho ngôi nhà lên các mức chuẩn cao hơn so với ngôi nhà hiện hữu cả về tiện ích, kết cấu, quy mô diện tích, nhưng tuyệt đối cấm chia ngôi nhà cũ thành các ngôi nhà nhỏ. Các ngôi nhà cũ, nhà ở thấp tầng hiện hữu trong đô thị có giá trị, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm đô thị, được khuyến khích nâng cấp sửa chữa theo đúng với kiến trúc nguyên gốc. Nhà nước giám sát và có cơ chế hỗ trợ người dân trong các trường hợp đặc biệt hoặc cần thiết. Với nhà ở thấp tầng trong khu đô thị mới, Singapore cũng tiến hành lập Quy hoạch nhà ở thấp tầng trong đô thị với các quy định chặt chẽ chỉ một số khu vực nhất định xã trung tâm được xây dựng các khu nhà ở thấp tầng, nhưng chỉ cho phép cao 2 -3 tầng với quy định sự kiểm soát rất cao. Các quận nằm ven đô chỉ cho phép xây dựng nhà ở kiến trúc kiểu Bungalow với chuẩn tiện nghi rất cao. Các kiểu hình kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái cũng được khuyến khích mạnh mẽ, với nhiều cơ chế điểm thưởng (ưu đãi về thuế, phí,…) được áp dụng mạnh mẽ.
Tại Nhật Bản, nhà ở thấp tầng trong đô thị được định hướng phát triển theo cả phong cách hiện đại và truyền thống, nhưng hạn chế phát triển tại các quận trung tâm, đẩy mạnh chuyển đổi các nhóm nhà ở thấp tầng thành các khu nhà căn hộ cao tầng để dành diện tích đất tầng trệt cho các hoạt động công cộng. Trong bối cảnh thường xuyên xảy ra thiên tai, định hướng kiến trúc nhà ở thấp tầng quy định phải có có khả năng chống chịu thiên tai. Các ngôi nhà có niên hạn lớn (thường là 20 năm đối với nhà kết cấu gỗ và 30 năm đối với nhà kết cấu bê tông), bắt buộc phải được nâng cấp, thậm chí đập bỏ để xây mới. Bên cạnh đó, nhà ở thấp tầng trong đô thị tùy theo kết cấu xây dựng có tầng cao phù hợp (nhà gỗ: 02 tầng, nhà BTCT: 03 tầng), mật độ xây dựng tối đa 50%, hệ số sử dụng đất < 3 lần. Khuyến nghị kiến trúc nhà ở thấp tầng phải có khả năng thông gió và chiếu sáng tự nhiên cao. Khuyến khích các loại hình kiến trúc hiện đại để truyền tải tính đương đại, tối giản để tiết kiệm chi phí, tối ưu để tận dụng hiệu quả các diện tích nhà ở quy mô nhỏ trong đô thị, nhẹ để tiết kiệm vật liệu, kiến trúc xanh và tiết kiệm năng lượng, sử dụng các loại vật liệu tái chế – thân thiện môi trường cũng được khuyến khích và đẩy mạnh.
Tại Trung Quốc, là quốc gia có tốc độ đô thị hóa rất cao, trong những năm gần đây, chính quyền cũng ban hành nhiều định hướng, cũng như quản lý rất chặt chẽ kiến trúc nhà ở thấp tầng trong đô thị. Tháng 4/2011, để hạn chế sốt nóng bất động sản, ngăn chặn sự bùng nổ mở rộng đô thị và đảm bảo an ninh lương thực, Hội đồng Nhà nước đã ban hành một hướng dẫn với tên gọi “Danh mục hướng dẫn cấm đầu tư nước ngoài vào xây dựng biệt thự ở các đô thị”. Các định hướng về kiến trúc cũng được ban hành, đồng thời được thông tin, tuyên truyền rộng rãi để người dân không còn bị sa đà tốn kém với kiểu nhà ở xa hoa – kiến trúc ngoại lai. Thay vào đó, các tiêu chí “Kiến trúc nhà ở vì sức khỏe và môi trường sống tiện ích” được nhấn mạnh và khuyến khích phát triển. Kế hoạch đô thị hóa mới Quốc gia 2014-2020, cũng nhấn mạnh công cuộc hiện đại hóa mới của Trung Quốc hướng tới con người, thân thiện với môi trường và mang truyền thống văn hóa. Các hình thức kiến trúc nhà ở kế thừa các giá trị truyền thống (như kiểu kiến trúc nhà ở Tứ Hợp Viện…) có thể sẽ được ưu tiên xây dựng lại ở các thành phố và thị trấn mới, các định hướng mục tiêu về “Lấy lại bản sắc kiến trúc và kế thừa giá trị truyền thống” cũng được nhấn mạnh đối với riêng mảng kiến trúc nhà ở thấp tầng trong và ngoài đô thị.
Quản lý phát triển kiến trúc nhà ở thấp tầng đô thị trong định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam
Về định hướng phát triển chung, với nhóm các công trình nhà ở hiện hữu trong đô thị, các công trình nhà cổ, nhà cũ thấp tầng có giá trị (như đã được xếp hạng di tích hoặc nằm trong danh sách được quản lý đặc thù), cần được tiến hành khảo sát, thống kê phân loại, cũng như xây dựng kế hoạch về nguồn vốn, giải pháp kỹ thuật… để quản lý, bảo tồn, trùng tu theo đúng trình tự của Luật di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan). Với các công trình nhà ở thấp tầng dân cư khác, trên cơ sở các nội dung quy hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng kế hoạch cải tạo chỉnh trang, trong các khu vực lõi đô thị. Đặc biệt, đẩy mạnh quy hoạch chỉnh trang các công trình nhà ở thấp tầng siêu mỏng, siêu méo, quy mô nhỏ, nhà dột nát, hỏng, xuống cấp, không còn đảm bảo chất lượng và tiện nghi sử dụng an toàn, lâu dài bền vững cho người dân. Theo lộ trình, xem xét chuyển đổi theo hướng giải tỏa, sáp nhập các công trình này phục vụ các mục đích công cộng, công ích. Giảm bớt số lượng và mật độ nhà ở hiện hữu các khu vực lõi đông đúc, khu phố cổ, khu phố cũ, khu làng cũ trong khu vực nội đô, những nơi có chất lượng sống còn chưa đạt chuẩn để cải tạo nâng cấp mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là bổ sung mở rộng các tuyến đường giao thông hiện hữu, công viên cây xanh, không gian thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng…
Với các khu đô thị mới, hạn chế phát triển nhà ở thấp tầng theo hình thức phân lô, với quy mô diện tích nhỏ, tầng cao lớn tại khu vực trung tâm lõi đô thị. Công trình phải đảm bảo các yêu cầu về mật độ xây dựng, tầng cao, hệ số sử dụng đất, khoảng lùi… đã được quy hoạch phê duyệt và cấp phép xây dựng. Theo lộ trình, nghiên cứu tăng quy định về giới hạn diện tích tối thiểu và tối đa cho nhà ở thấp tầng trong dự án phát triển đô thị được cấp phép, để đảm bảo các chuẩn tiện nghi sinh hoạt của người dân, có thể áp dụng nhiều kiểu kiến trúc hiện đại mới, nhưng cũng hạn chế những bất cập về khoảng cách giàu – nghèo đang có xu hướng gia tăng.
Về hình thức và thẩm mỹ kiến trúc, trong quá trình cải tạo, nâng cấp, xây mới cần ưu tiên áp dụng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, có tính bản sắc và nhận diện cao, theo đúng với xu hướng kiến trúc đang phát triển hiện nay tại địa phương.
Hạn chế áp dụng đại trà các xu hướng kiến trúc nhại cổ, kiến trúc có chi tiết trang trí rườm rà, xa lầy vào chủ nghĩa hình thức gây phản cảm, phá vỡ tổng thể kiến trúc cảnh quan chung cũng như lãng phí – tốn kém chi phí đầu tư xây dựng.
Kiến trúc nhà thấp tầng dọc theo các trục tuyến phố cần có sự thống nhất về tổng thể trong không gian toàn tuyến như chiều cao, khoảng lùi, hình thức kiến trúc. Tuy nhiên, Kiến trúc nhà ở thấp tầng cũng phải hạn chế sự dập khuôn, cào bằng đơn điệu, nhấn mạnh tính nhận diện và bản sắc vùng miền, nhưng phải đạt được sự thống nhất về tổng thể, tương quan chặt chẽ, hợp lý về hình thức, chiều cao, tỷ lệ, màu sắc, chi tiết giữa các công trình cạnh nhau để đạt được tổng thể kiến trúc – cảnh quan hợp lý. Về dây chuyền công năng, kiến trúc nhà ở phải đảm bảo tính tiện nghi, có đảm bảo số lượng các phòng sinh hoạt, phù hợp với sở thích và lối sống, mức độ tiện nghi chung, cũng như khả năng tài chính của hộ gia đình. Diện tích các phòng chức năng sử dụng đảm bảo tiện nghi và phù hợp với tập tính sinh hoạt tại địa phương.
Xem xét bố trí các phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ của các hộ gia đình kết hợp trong hộ gia đình, tạo điều kiện để phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung. Với một số loại hình nhà ở thấp tầng mới như Shophouse, nhà ở thấp tầng kết hợp văn phòng, thương mại, dịch vụ… tổ công năng cần có sự khống chế tỷ lệ phù hợp giữa phần diện tích dịch vụ, thương mại, với diện tích ở theo đúng chuẩn tiện nghi dịch vụ và sinh hoạt mà pháp luật quy định.
Các công trình biệt thự cổ, nhà ở cổ có giá trị đã được xếp hạng di tích hoặc nằm trong danh sách bảo tồn cần sớm được cải tạo chỉnh trang, đảm bảo bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc kiến trúc đặc trưng, đóng góp cho tính nhận diện bản sắc chung của đô thị, địa phương theo vùng miền.
Về tính văn hóa cộng đồng, kiến trúc nhà ở thấp tầng trong đô thị phải được nâng cấp, chỉnh trang, xây mới. Cùng với đó, kiến trúc nhà ở thấp tầng trong các dự án phát triển đô thị mới phải nêu bật được tính hiện đại, đồng thời tôn trọng và phù hợp với tập quán sinh hoạt, đặc trưng văn hóa theo vùng miền địa phương, và nhóm dân tộc. Dựa trên các nền tảng giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống tại vùng miền, nhóm dân tộc để có sự kế thừa phát triển trong kiến trúc nhà ở đương đại. Với các khu vực có tính đặc thù cao như khu vực phát triển du lịch cộng đồng, khu vực nhà ở gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống… , khuyến khích áp dụng các mô hình nhà ở xây mới mang đậm các yếu tố bản sắc kiến trúc truyền thống, nhưng có chọn lọc và đổi mới trên sở loại bỏ các yếu tố không còn phù hợp, ứng dụng công nghệ, vật liệu, thiết bị mới…
Về áp dụng kiến trúc xanh, bền vững – tiết kiệm năng lượng và sinh thái, có khả năng chống chịu thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, kiến trúc nhà ở thấp tầng trong đô thị phải phù hợp thích ứng cao với điều kiện khí hậu tại địa phương (nắng, mưa, gió bão…) từ đó đưa ra các phương án tối ưu nhất theo đặc trưng khí hậu vùng miền bao gồm: khả năng cách nhiệt vào mùa nóng và giữ nhiệt, nồm ẩm vào mùa lạnh cho khu vực Miền núi và trung du phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; chống nóng, khô hạnh và chống chịu lượng mưa cường độ cao theo mùa cho vùng Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên). Tận dụng tối đa các điều kiện có lợi của tự nhiên theo vùng miền của khu vực xây dựng, hạn chế tiêu thụ năng lượng hóa thạch là vấn đề phải được nhấn mạnh.
Kiến trúc công trình có sự kết hợp hài hòa giữa thiết kế tiết kiệm năng lượng thụ động và chủ động trong đó thiết kế thụ động là thế mạnh. Trong đó, công trình nhà ở phải được thiết kế với các mảng không gian xanh và khoảng trống thông tầng lấy sáng, điều hòa vi khí hậu, thông gió cho công trình. Kiến trúc tiết kiệm năng lượng thụ động là một định hướng rất quan trọng và cần phải được nghiêm túc quan tâm ngay từ giai đoạn này. Trong đó, thiết kế phải đáp ứng được các tiêu chí chuẩn khu vực và quốc tế, hướng tới nhà ở tiêu thụ năng lượng bằng không(Zero Energy Building), lấy giải pháp thiết kế truyền thống làm cơ sở tiền đề nghiên cứu.
Tùy theo đặc trưng địa chất thủy văn, khí hậu, các số liệu và kịch bản dự báo về thiên tai và biến đổi khí hậu của từng vùng miền địa phương, kiến trúc nhà ở thấp tầng trong các dự án phát triển khu đô thị mới cần ưu tiên nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, ứng phó – thích ứng với biến đổi khí hậu (như: chống chịu lũ quét, sạt lở đất đối với khu vực Miền núi và trung du phía bắc và vùng núi Bắc Trung Bộ; Chống gió bão, ngập lụt khu vực ĐB Bắc Bộ; Chống gió lốc, bão lũ, ngập lụt khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ; Chống lũ quét, hạn hán khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; Chống sạt lở đất và hạn hán khu vực Tây Nguyên và vùng núi Nam Trung Bộ; Chống ngập lụt, tương thích với lũ, triều cường của khu vực ĐBSCL).
Các công trình nhà ở thấp tầng xanh, tiết kiệm năng lượng, sinh thái với nhiều cây xanh cũng cần được khuyến khích, đẩy mạnh phát triển nhân rộng trên phạm vi tất cả các đô thị trong thời gian tới.
Về ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ thông minh, Trong tương lai, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng dụng các công nghệ, vật liệu, thiết bị mới vào công trình nhà ở thấp tầng (sàn bê tông nhẹ, gạch không nung, bình nước nóng năng lượng mặt trời…) nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian xây dựng công trình, giảm tác hại đối với môi trường. Tuy nhiên, các công nghệ được lựa chọn phải là các công nghệ đã được chuẩn hóa, được thử nghiệm và nội địa hóa, để có tính tương thích phổ biến cao, phù hợp với các điều kiện đặc trưng theo vùng miền, điều kiện của đại bộ phận người dân.
Đẩy mạnh việc ứng dụng các vật liệu mới hiện đại với vật liệu địa phương. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện nâng cao chất lượng các công nghệ và vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương, giúp gia tăng độ bền vững của công trình, giảm chi phí đầu tư xây dựng, cũng như tham gia tạo dựng tính nhận diện kiến trúc và vật liệu riêng cho công trình theo địa phương, vùng miền. Trong điều kiện cho phép, đẩy mạnh ứng dụng đại trà các nền tảng công nghệ thông minh trong quản lý vận hành và nhà ở thấp tầng trong các dự án phát triển đô thị mới như công nghệ IOT, Smart Home…
Về tính kinh tế, kiến trúc nhà ở thấp tầng trong đô thị mới phải có chi phí đầu tư phù hợp với mức thu nhập của đại bộ phận người dân, để hạn chế tính trạng nhà biệt thự và liền kề bỏ hoang trong các dự án phát triển đô thị mới đang diễn ra hiện nay. Trừ một số trường hợp đặc biệt, kiến trúc nhà ở thấp tầng trong các dự án phát triển đô thị mới cần hạn chế sự xa hoa, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội.
Ths. KTS Vũ Đinh Thành, Ths. KTS Phạm Hoàng Phương –Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng© Tạp chí Kiến trúc
Tài liệu tham khảo
- Phạm Hoàng Phương (2018), Kiến trúc nhà phố hiện nay – Thực trạng và đề xuất, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam.
- Non – residence Handbook, Cơ quan tai phát triển đô thị Singapore, 2019
- Kế hoạch đô thị hóa mới Quốc gia Trung Quốc giai đoạn 2014-2020
- National Report of Japan, Third United Nations Conference on Housing and Sustainable Urban Development, UN-Habitat, 12/2019.
- Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9411 : 2012 Nhà ở liên kế – tiêu chuẩn thiết kế.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị