Bài 1: Bất ổn, đầu tư xây dựng “thừa trường thiếu trò”?
(Xây dựng) – Quảng Ninh là địa phương thứ hai sau Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương của Đảng – Nhà nước xã hội hóa giáo dục – đào tạo, đã huy động được nguồn lực ngoài ngân sách lớn đầu tư vào xây dựng trường sở. Nhưng hiện nay, các trường tư thục có nguy cơ “thừa trường thiếu trò” lãng phí tiền của xã hội.
Công ty TNHH Thanh Sơn đầu tư xây dựng 4 trường có cấp THPT và 2 trường mầm non với 6.000 học sinh và hơn 400 cán bộ, giáo viên. |
Cụ thể, từ năm 1998 một số doanh nghiệp ở Quảng Ninh đã bắt đầu đầu tư vào nghề giáo dục – đào tạo ở cấp học phổ thông. Trong đó, trường THPT Lương Thế Vinh (Cẩm Phả) thành lập đầu tiên vào năm 1999. Sau 25 năm, đến thời điểm này, Quảng Ninh có 51 trường tư thục, cơ sở vật chất – trường sở, xây dựng giá trị đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Quảng Ninh đứng hàng đầu các địa phương toàn quốc về huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư vào xây dựng trường học văn hóa, đã có 22 trường liên cấp: Tiểu học, THCS, THPT…với 1.505 lớp, đón được khoảng 40.000 học sinh vào học và thu hút học sinh cấp THPT học ngoài công lập đạt 37% số học sinh.
Ngày 21/02/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh có Văn bản số 379/SGDĐT-KHTC (Văn bản 379) gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố tham gia ý kiến về dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2023 đến năm 2026, là việc làm chủ động, phát huy sự thống nhất của các cấp, các ngành trong lập kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo theo định hướng lâu dài của địa phương.
Nhưng nhiều trường tư có ý kiến, Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Ninh ra Văn bản 379 không phù hợp với Nghị quyết của Đảng, Nghị định của Chính phủ, đã cắt giảm sĩ số, lớp học của các trường tư, tăng học sinh cho các trường công lập. Sở Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng kế hoạch phải cân đối giữa cơ sở vật chất trường sở hiện có (không phân biệt trường công hay trường tư) với sự tăng dân số tự nhiên tức tăng số lượng học sinh trong giai đoạn, để tránh lãng phí tiền của xã hội và ngân sách đầu tư ra mà trường sở lại không sử dụng đến.
Công ty TNHH Thanh Sơn trong Văn bản số 18/VP-CT gửi Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh nêu, doanh nghiệp trong 23 năm nay đã đầu tư xây dựng 4 trường có cấp THPT và 2 trường mầm non phát triển ổn định với 6.000 học sinh và hơn 400 cán bộ, giáo viên, một năm tiết kiệm cho ngân sách xây dựng trường sở trên 60 tỷ đồng.
Trường liên cấp tiểu học, THCS và THPT Lê Thánh Tông công trình xây dựng trường sở, giảng đường… không gian sư phạm. |
Trường liên cấp tiểu học – THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thành phố Hạ Long là 1 trong 4 trường mà Công ty TNHH Thanh Sơn là chủ đầu tư xây dựng, kinh phí đầu tư trên 200 tỷ đồng, trường sở xây dựng công phu, khang trang, không gian sư phạm, diện tích sử dụng đất 6ha là trường tư có quỹ đất lớn nhất Việt Nam. Chủ đầu tư cho biết, với tình hình này, trường có nguy cơ thiếu trò, tiền đầu tư lỗ vốn chắc phải tự giải thể trong hai năm tới.
Trường THPT Nguyễn Trãi 5 năm nay thừa 20 phòng học, lãng phí 24 tỷ đồng tiền đầu tư xây dựng. |
Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết, thành lập năm 2006 quy mô sử dụng đất 3,7ha, 18 phòng học và các phòng chức năng, mở 32 lớp thu hút ổn định 1.440 học sinh vào học. Năm học 2018-2019, các Sở, ngành, tỉnh và huyện Tiên Yên ra 40 văn bản chỉ đạo trường THPT Nguyễn Trãi xây dựng thêm 20 phòng học với mức đầu tư trên 24 tỷ đồng, để thực hiện Đề án sáp nhập hai trường THPT Tiên Yên và trường THPT Nguyễn Trãi làm một; sử dụng cở sở vật chất của trường THPT Nguyễn Trãi, nhường thổ đất của trường THPT Tiên Yên cho trường THCS Tiên Yên hợp thửa để quy hoạch xây dựng lại, nhưng đến nay vẫn chưa thành, chưa sát nhập được. Hiện, 20 phòng học với đầy đủ thiết bị giảng dạy, học tập của trường THPT Nguyễn Trãi đóng cửa ế ẩm.
Huyện Tiên Yên, mỗi năm số học sinh tốt nghiệp THCS trên 600 em, mà địa phương có 5 trường có cấp THPT đón, đầu năm học huyện phải đứng ra dàn xếp chia học sinh cho các trường. Trường THPT Nguyễn Trãi 5 năm nay “thừa trường thiếu trò”, phải tự tìm đến địa phương bạn chiêu sinh; mỗi năm tuyển sinh khu vực huyện Đầm Hà được khoảng từ 40-70 học sinh. Nay các trường THPT công lập ở huyện Tiên Yên và Đầm Hà được ngân sách bỏ ra xây dựng thêm trường – mở thêm lớp cùng cấp học là một vấn đề phải cân nhắc.
Nguồn: Báo xây dựng