6 loại vaccine tiêm phòng phụ nữ nên tiêm
6 loại vaccine tiêm phòng phụ nữ nên tiêm
Theo dõi MTĐT trên
Tiêm vacxin giúp cho phụ nữ bảo vệ sức khỏe, giữ gìn vẻ tươi trẻ cho mình.
Không chỉ riêng trẻ em mới cần tiêm phòng để cơ thể phát triển khỏe mạnh mà người lớn cũng phải vậy, muốn khỏe và đẹp thì phụ nữ phải tiêm các loại vacxin bắt buộc để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao, và tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ chị em khỏi những nguy hiểm do bệnh tật mạng lại.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, phụ nữ nên đi khám sức khỏe thường xuyên, mỗi năm một lần để đánh giá về các nguy cơ nhiễm trùng do tuổi tác, công việc, lối sống và lịch sử tiêm chủng. Nữ giới cũng nên chủ động tiêm một số loại vaccine để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc bệnh.
Viêm gan siêu vi B
Đây là loại virus này có thể lây truyền thông qua máu và dịch cơ thể, do đó bạn có thể dễ dàng mắc phải căn bệnh này mà không hề hay biết. Không chỉ bạn mà chồng của bạn cũng nên tiêm phòng viêm gan siêu vi B.
Bệnh viêm gan B lây truyền qua 3 con đường: tình dục, máu và từ mẹ sang con. Để đảm bảo an toàn cho cả 2 vợ chồng thì tốt nhất bạn nên tiêm viêm gan siêu vi B, nên tiết hành làm xét nghiệm huyết thanh học trước khi tiêm vacxin.
Hãy khám sức khỏe theo định kỳ dù có hay không tiêm ngừa. Tiêm phòng vacxin xong không hẳn bạn đã được bảo vệ hoàn toàn, tiềm ngừa chỉ giúp bạn tiến gần hơn việc phòng ngừa bệnh tật có thể đến với mình mà thôi.
HPV
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết có khoảng 50 triệu người đang nhiễm HPV trên thế giới. Mỗi năm, số lượng bệnh nhân HPV tăng khoảng 15 triệu người. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HPV chiếm khoảng 8-11%.
Theo CDC Mỹ, HPV là một loại virus phổ biến, lây truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc da kề da trực tiếp trong quan hệ tình dục. Đa phần người có quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm virus vào một thời điểm nào đó trong đời, dù nhiều người không biết điều đó.
HPV là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Tại Mỹ, hơn 90% trường hợp ung thư cổ tử cung là do loại virus này. HPV16 và HPV18 là những loại có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất. Ngoài ra, HPV cũng gây ra các bệnh ung thư ít phổ biến hơn ở cả nam và nữ giới như ung thư hậu môn, dương vật, âm đạo, âm hộ và hầu họng, gây mụn cóc ở vùng sinh dục.
Các chuyên gia khuyến khích tiêm vaccine HPV cho bé gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi. Vaccine đạt hiệu quả tốt nhất với nữ giới chưa có quan hệ tình dục và chưa tiếp xúc với virus HPV. Những phụ nữ và nam giới đã quan hệ tình dục vẫn được hưởng lợi từ việc tiêm phòng. Điều này là do họ có thể đã tiếp xúc với một hoặc nhiều chủng HPV và việc tiêm phòng vẫn bảo vệ họ trước những chủng HPV khác.
Vaccine HPV được đánh giá cao về độ an toàn và hiệu quả, không gây biến chứng.
Cúm
Người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên nên chủng ngừa cúm hàng năm. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và sau sinh thuộc nhóm cần tiêm vaccine phòng cúm, do có nhiều nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến căn bệnh này. Những thay đổi trong hệ miễn dịch, tim và phổi trong khi mang thai khiến phụ nữ dễ diễn tiến nặng hơn khi mắc cúm, thậm chí phải nhập viện và tử vong.
Việc tiêm chủng được chứng minh giúp giảm một nửa nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do cúm ở phụ nữ mang thai. Mẹ bầu đã tiêm phòng cúm cũng giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh cúm trong những tháng đầu sau khi sinh, khi trẻ nhỏ chưa đủ tuổi tiêm vaccine.
Thủy đậu
Thủy đậu (canh châu, trái rạ) là bệnh rất dễ lây lan do virus varicella-zoster gây ra, thường gây phát ban ngứa, phồng rộp.
Phụ nữ mang thai nếu nhiễm thủy đậu có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, do hệ miễn dịch suy yếu. Giống như rubella hoặc Zika, nếu phụ nữ bị thủy đậu trong tam cá nguyệt thứ nhất hoặc đầu thứ hai, virus này có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị thủy đậu khi sinh ra nếu mẹ bầu mắc thủy đậu.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nếu không mang thai và chưa có miễn dịch với bệnh nên tiêm vaccine thủy đậu. Những người từ 50 tuổi trở lên cũng nên tiêm phòng bệnh này. Phụ nữ mang thai, người có tiền sử bị dị ứng với bất cứ thành phần có trong vaccine thủy đậu không nên tiêm vaccine thủy đậu.
Sởi – quai bị – rubella
Sởi – quai bị – rubella là những căn bệnh dễ lây qua đường hô hấp nếu chưa có kháng thể phòng bệnh. Bệnh lây lan nhanh, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, sinh non hoặc thai chết lưu.
Hiện đã có vaccine kết hợp giúp phòng cùng lúc 3 bệnh sởi – quai bị – Rubella trong một mũi tiêm. Đây là vaccine sống, giảm độc lực, hoạt động bằng cách tạo miễn dịch giúp cơ thể chống lại virus. Nữ giới nên chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh. Phụ nữ có thai nên tiêm loại vaccine này trước khi mang thai tốt nhất 3 tháng, ít nhất một tháng.
Vaccine sởi – quai bị – rubella không được tiêm cho phụ nữ có thai. Trong trường hợp lỡ tiêm mới biết mình mang thai, bạn cần thông báo với bác sĩ sản khoa để được tư vấn biện pháp chăm sóc và theo dõi thai kỳ phù hợp.
Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vaccine này mà em bé không bị ảnh hưởng gì, theo CDC.
Uốn ván, bạch hầu, ho gà
BS.CKI Bạch Thị Chính cho biết, uốn ván, bạch hầu, ho gà là 3 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Người bệnh ho gà có thể gặp phải biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não. Người bệnh bạch hầu có nguy cơ bị viêm cơ tim và viêm thần kinh; trong khi người bị uốn ván có nguy cơ bị co thắt thanh quản, thuyên tắc phổi, gãy xương…
Người lớn dưới 65 tuổi và những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ sơ sinh nên tiêm các loại vaccine này, với các mũi tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai chưa tiêm các loại vaccine này trong vòng 10 năm qua cần tiêm vaccine nhắc lại trong thời kỳ mang thai, nên tiêm vào tuần thai thứ 27-36. Người cao tuổi, người thân trong gia đình cũng nên được tiêm vaccine để tránh nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị