Bổ sung thiết bị sạc điện cho xe điện vào danh mục phương tiện đo nhóm 2

So với quy định hiện hành, Dự thảo bổ sung thiết bị sạc điện cho xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thiết bị sạc điện cho xe ô tô, xe máy, xe đạp điện.

Về sự cần thiết phải xây dựng Dự thảo, Bộ KH&CN cho biết, phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật (thiết bị, dụng cụ đo; thiết bị, dụng cụ có chức năng đo; hệ thống đo để thực hiện phép đo) được dùng để thực hiện phép đo. Trên thế giới, các nước đều có quy định Danh mục phương tiện đo phải kiểm soát chặt chẽ về đo lường và các biện pháp kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo thuộc danh mục (ví dụ: Trung Quốc quy định 116 loại phương tiện đo phải được kiểm định).

Ở Việt Nam, Khoản 2 Điều 16 Luật Đo lường quy định: “Phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác (sau đây gọi tắt là phương tiện đo nhóm 2) phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng”.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16, Khoản 5 Điều 19, Khoản 2 Điều 20 và Khoản 2 Điều 21 của Luật Đo lường, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được giao quy định chi tiết các nội dung: Danh mục phương tiện đo nhóm 2; biện pháp kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2; phê duyệt mẫu phương tiện đo nhóm 2; kiểm định phương tiện đo nhóm 2.

Căn cứ quy định của Luật Đo lường, ngày 26/9/2013, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 (Thông tư 23). Thông tư 23 có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2013.

Thiết bị sạc điện cho xe điện là phương tiện đo nhóm 2 cần phải quản lý nhà nước về đo lường. Ảnh minh hoạ

Tổng kết thực hiện Thông tư 23 cho thấy quy định này cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường trong thời gian qua. Công tác quản lý nhà nước về đo lường ngày càng nâng cao, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về đo lường tại địa phương, cũng như góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo công bằng xã hội, văn minh thương mại, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tính đến nay, mỗi năm có hàng ngàn mẫu phương tiện đo nhóm 2 sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu được phê duyệt mẫu, kiểm định theo quy định.

Về mặt hiệu quả kinh tế, việc tăng cường quản lý phương tiện đo nhóm 2 góp phần đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và tiết kiệm được chi phí do thất thoát, gian lận hoặc gây hại cho môi trường.

Về mặt hiệu quả xã hội, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Thông tư quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 sẽ là cơ sở góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đo lường tại Việt Nam. Đồng thời, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Trên thực tế hiện nay có rất nhiều thiết bị sạc điện cho xe điện có chức năng chuyên dụng để cấp điện năng (Bên bán điện) cho xe điện (Bên mua điện), đồng thời có chức năng đo đếm, xác định lượng điện năng đã tiêu thụ để sạc cho xe điện nhưng chưa được quản lý. Vì vậy, thiết bị sạc điện cho xe điện là phương tiện đo nhóm 2 cần phải quản lý nhà nước về đo lường.

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường đối với thiết bị sạc điện cho xe điện, cần phải có các quy định, yêu cầu về kỹ thuật đo lường đối với thiết bị sạc điện cho xe điện phù hợp, hài hoà với quy định, yêu cầu kỹ thuật đo lường trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản đề nghị Bộ KH&CN bổ sung trụ, thiết bị sạc điện cho xe điện vào danh mục kiểm soát kỹ thuật đo lường. Cụ thể, căn cứ quy định tại khoản 2 điều 16 Luật Đo lường, Bộ Công Thương đề nghị Bộ KH&CN bổ sung trụ, thiết bị sạc điện thuộc danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quyết định.

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý trụ, thiết bị sạc điện, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ KH&CN sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ, thiết bị sạc điện cho xe điện đảm bảo phù hợp các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Công Thương đã trích dẫn thông tin tại cuộc họp lần thứ 57 của Ủy ban Đo lường pháp định quốc tế (CIML) diễn ra vào tháng 10/2022. Tại đây, Tổ chức Đo lường quốc tế (OIML) đã ban hành hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình thử nghiệm và kiểm soát đo lường đối với trụ sạc điện cho xe điện. OIML đề nghị các nước thành viên, trong đó có Việt Nam phải xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp thực tế và hài hòa với hướng dẫn của OIML để triển khai kiểm soát đo lường đối với phương tiện này khi có nhu cầu.

Bộ Công Thương cho rằng, tại Việt Nam, qua thu thập số liệu cho thấy số lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý đối với xe điện, trạm sạc điện vẫn còn hạn chế; thiếu các quy định quản lý nhà nước về yêu cầu kỹ thuật thiết kế, lắp đặt, vận hành và đo lường đối với trạm sạc điện.

Ngành công nghiệp sạc điện thế giới đang phát triển theo 2 mô hình cơ bản đó là các công ty xe điện xây dựng trạm sạc riêng của hãng và công ty năng lượng chuyên về trạm sạc mà không làm ra xe điện. Do đó, việc đề xuất bổ sung quản lý đo lường với trụ, thiết bị sạc điện là phù hợp, hài hòa với quy định cũng như yêu cầu kỹ thuật đo lường trong khu vực và trên thế giới; đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất, nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng.

Theo thống kê, thị trường xe điện thế giới những năm qua đã có bước nhảy vọt. Năm 2021 số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8 năm 2022 cả nước đã có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng có gần 1,8 triệu mô tô – xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.

Hán Hiển

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích