Từ vụ ‘đội sổ’ xếp hạng nhà vệ sinh: Cản trở từ quan niệm xã hội đến chính sách thực hiện
Từ vụ ‘đội sổ’ xếp hạng nhà vệ sinh: Cản trở từ quan niệm xã hội đến chính sách thực hiện
Theo dõi MTĐT trên
Nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) vừa thiếu, vừa bẩn là nỗi buồn dai dẳng tại Việt Nam. Một bản tin trên tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) vừa đăng kết quả khảo sát: TP.HCM và Hà Nội xếp gần cuối bảng 69 thành phố du lịch toàn cầu về mật độ NVSCC/km2.
Còn nhớ 5 năm trước, sự ra đời trong “tiếng cười nhạo” của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (VTA) đã góp phần gióng lên tiếng chuông cảnh thức về chính sách quản trị và quy hoạch hạ tầng đô thị vốn xưa nay vẫn “làm lơ” một nhu cầu thiết yếu của con người. Chúng tôi đã trao đổi với Chủ tịch VTA Lê Văn Hiệp về các đề xuất, giải pháp cũng như “thất bại” mà họ vẫn đang tiếp tục theo đuổi.
Ông Hiệp nói: “Tôi đi làm việc nhiều tỉnh, thành và thật sự buồn mỗi khi đề xuất đặt NVSCC ở những nơi đắc địa đều bị cho là phản cảm. Đây là một quan niệm mà chúng ta cần thay đổi. VTA sẵn sàng chia sẻ những dẫn chứng để cộng đồng nhận thức được rằng nhu cầu toilet đến rất nhanh, bất thường và tự nhiên, chính đáng.
Tiêu chuẩn quốc tế là cứ 300-500m phải có một cabin nhà vệ sinh. Việt Nam hiện chưa theo kịp chuẩn đó, thiếu rất nhiều, lại hầu như giấu kín, giấu sâu, chưa kể chất lượng thì cực kỳ… mất vệ sinh. Ngoài khách du lịch, các chuyến xe cơ nhỡ, bác tài taxi, xe ôm, người bán hàng rong… đi trên đường có nhu cầu cũng chả biết tấp vào đâu.
Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội đã có rất nhiều chương trình truyền thông trên các nền tảng trực tuyến, tổ chức các sự kiện nhằm thức tỉnh cộng đồng và từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi. Nhưng chỉ có chuyển biến rõ nét ở những nơi do tư nhân đầu tư, vận hành, còn khu vực công cộng vẫn chưa có quy chuẩn chi tiết để quản lý nên chưa cải thiện bao nhiêu.
Điển hình tôi đi khảo sát NVSCC phục vụ du lịch tại TP.HCM, dù đã quyết tâm rất nhiều, nhưng theo tôi thành phố phải nghiên cứu sâu về chất lượng, công nghệ, quy trình quản lý, vận hành cũng như bổ sung số lượng.
Ví dụ ở Thảo Cầm Viên, phải bổ sung vài chục cụm NVSCC mới đủ quy chuẩn. Hay như Bưu điện TP.HCM, xung quanh không có NVSCC nào. Hiện chỉ một cái ở bên hông Đường Sách, mà lại khuất sâu bên trong. Nếu ở đây mà bố trí toilet cabin “5 sao” ở mặt trước, góc ngã ba, tư thì sẽ khác ngay.
Vẫn chưa có “đòn bẩy” cho cơ chế xã hội hóa
Thông điệp của ông là “hãy đưa NVSCC ra ngoài”. Muốn vậy, ngoài hình thức “5 sao”, thì quy chuẩn chất lượng, công nghệ, quy trình quản lý phải đặt lên hàng đầu?
Tôi vừa cho thấy nhận định của báo Nhật mang tính cách rất kỹ lưỡng, khoa học và khi đã đăng tải đương nhiên chính xác. Nhiều đối tác của họ đã làm việc với chúng tôi về các chương trình thay đổi công nghệ, số lượng NVSCC nhưng đều “sức tàn, lực kiệt” về vốn và tư duy từ trên xuống.
Quy chuẩn chất lượng, công nghệ, quy trình quản lý đóng vai trò giúp nâng cao ý thức cộng đồng về tính nhân văn khi tiếp cận NVSCC. VTA cùng các hội viên đã nghiên cứu rất nhiều giải pháp sử dụng công nghệ tự động diệt khuẩn, ngăn ngừa mùi hôi, tạo không khí trong lành…
Chúng tôi đặt những giải pháp phần mềm để quản trị bằng internet of things (IoT) từ xa giúp hệ thống NVSCC không tắc nghẽn, không ngừng trệ vì hỏng hóc, thiết bị hư là thay thế ngay hoặc hết giấy, hết nước bất thường… bảo đảm duy trì hoạt động liên tục, ổn định 24/24 giờ. Ở Hà Nội, NVSCC hầu như chỉ phục vụ vài tiếng trong giờ hành chính, hết giờ là đóng cửa trong khi quy chuẩn bắt buộc phải hoạt động ít nhất 16/24 giờ.
Theo tôi, công nghệ tỏ ra hiệu quả trong việc đối phó với ý thức kém nơi công cộng. Ví dụ hệ thống tự động xả nước dành cho người hay “quên”, cửa tự động mở không cần đụng tay vào, hoặc cài đặt chế độ ngăn chặn nạn ngồi đặt chân lên bồn cầu. Hay hệ thống sấy sàn tự động, cứ năm lần sử dụng là nó rửa nước, sấy khô. Rồi hệ thống hút mùi trực tiếp trong bồn cầu, diệt khuẩn bằng tia UV, máy âm tường cung cấp mức giấy vừa đủ… Ngoài ra, NVSCC “5 sao” còn cài đặt chế độ SOS. Nếu có ai ngất trong toilet thì hệ thống hồng ngoại phát tín hiệu đến người quản lý, tổng đài để lập tức triển khai cấp cứu.
Có thể thấy để vận hành hệ thống cao cấp như thế, đội ngũ kỹ thuật phải được đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp. Khi đưa ra chương trình xã hội hóa NVSCC, chúng tôi đã có kế hoạch thu phí từ hội viên đầu tư để hình thành đội ngũ kỹ thuật như vậy. Singapore có trường đào tạo, tư vấn thiết kế, quản lý vận hành và cấp chứng chỉ hẳn hoi để có thể tìm việc. Các kỹ sư học xây dựng xong cũng phải được đào tạo thêm cái này.
Về thái độ phục vụ, Hiệp hội cũng được chuyển giao chương trình đào tạo, tập huấn ý thức nghề nghiệp cho người quản lý, vận hành.
Từ năm 2019, Hiệp hội đã đề xuất xây dựng NVSCC bằng cơ chế xã hội hóa, không thu phí người dùng, vậy đến nay việc đó đã được đón nhận hoặc thúc đẩy như thế nào?
VTA đưa ra chương trình xã hội hóa mong muốn nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia, không thu phí người sử dụng, không lấy ngân sách nhà nước bởi nhận định rằng đây là cách làm phù hợp nhất trong giai đoạn đất nước chúng ta có nhiều thứ phải đầu tư, chăm lo cho người dân.
Về công nghệ, phần mềm đã được các nước thành viên Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới (WTO) chuyển giao, có bằng sáng chế và đã thử nghiệm sản phẩm đầy đủ. Nếu được phê duyệt ở ngã ba, ngã tư hay vị trí dễ tiếp cận nào đó, chúng tôi sẽ có hội viên vào đầu tư. Ngoài trách nhiệm vận hành theo quy chuẩn, công nghệ của hiệp hội, họ được quyền khai thác quảng cáo, trưng bày sản phẩm kết hợp thương mại, miễn là bảo đảm tỷ lệ 50% dùng cho tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.
Ngoài giải pháp thông minh về vốn, xã hội hóa còn buộc nhà đầu tư và đơn vị quản lý phải hết sức trách nhiệm trong vận hành theo quy chuẩn chất lượng. Trước hết phải bảo đảm phục vụ ít nhất 16 tiếng/ngày. Thứ hai, thiết bị công nghệ thông minh giúp nâng cao ý thức cộng đồng. Thứ ba, người quản lý vận hành phải được đào tạo hẳn hoi. Chưa kể VTA có trách nhiệm quản lý tình trạng hỏng hóc, sự cố kỹ thuật, thời gian hoạt động của NVSCC đó và yêu cầu khắc phục, bằng không sẽ thu hồi địa điểm giao cho hội viên khác.
Dù có nhiều ưu điểm, trở thành chủ trương của Chính phủ và ai cũng ủng hộ nhưng hiện vẫn chưa có “đòn bẩy” cho cơ chế xã hội hóa. Tôi muốn nói chưa có sự đồng điệu, thống nhất, phối hợp từ trên xuống dưới. Thành viên của WTO, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), nhiều tổ chức phi chính phủ sẵn sàng cùng Hiệp hội đầu tư NVSCC “5 sao”. Nhưng thực tế ở địa phương vướng nhiều thứ.
Ví dụ đặt NVSCC trong công viên hoặc tuyến phố, Sở Xây dựng phải có vị trí quy hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường phải cập nhật quỹ đất, Sở Du lịch và Sở Văn hóa – Thể thao phải cho phép nhà đầu tư khai thác quảng cáo, rồi Sở Công Thương phải cho phép phối hợp kinh doanh, trưng bày và thương mại…
Câu hỏi của nhà báo làm tôi nhớ lại vụ NVSCC ở Chùa Bà (Bình Dương) do hội viên chúng tôi đóng góp 1,6 tỷ đồng để xây cất. Mô hình này được ca ngợi về sự hiện đại, sạch sẽ. Nhưng hoạt động được 3 năm, NVSCC đó bị đập bỏ bởi quyết định của UBND TP.Thủ Dầu Một với lý do khá mơ hồ nhưng lại rõ ràng cho thấy sẽ không hội viên nào dám làm nữa.
Hành lang pháp lý cho việc giao đất
Năm 2021, Chính phủ rồi Bộ Tài nguyên và Môi trường lần lượt đặt vấn đề tăng cường các giải pháp NVSCC ở đô thị hiện tại. Đồng thời, dự thảo một chỉ thị với 46 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện. Đến nay “số phận” chỉ thị này ra sao, thưa ông?
Luật Đất đai 2013 và một số văn bản pháp quy khác đều quy định trong tất cả công viên, tuyến phố, bãi biển phải có quy hoạch quỹ đất công dành cho NVSCC. Tuy nhiên các điều khoản chưa chi tiết nên thực tế có những công viên rộng cỡ 5.000m2 mà chỉ có một NVSCC bằng hai cái tủ lạnh ghép lại!
Dự thảo mà nhà báo đề cập đã trình Chính phủ, dự kiến sẽ chuyển cho Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ thể quản lý, tập hợp đầu mối để lập đề án. Sau khi đề án được trình Chính phủ, Chính phủ sẽ giao cho Bộ lên chương trình quản trị, đầu tư xã hội hóa trên toàn quốc và kế hoạch chi tiết để thực hiện.
Là người trăn trở về vấn đề NVSCC, ông có hy vọng đề án sẽ giúp thay đổi những vướng mắc trong việc xã hội hóa NVSCC?
Chúng tôi không chờ đợi đề án mà vẫn tiếp tục làm việc, vẫn đi từng bước, vẫn đệ trình, để làm sao cống hiến và mong muốn đề án phát triển thật nhanh.
Ở Đức, một công ty tư nhân nằm trong WTO chỉ cần nộp công văn cho Chính phủ đề nghị đầu tư NVSCC theo vị trí được chỉ định trên toàn quốc, bằng cách vay ngân hàng. Họ được thu phí, được bảo đảm quyền quảng cáo ngay ở bồn cầu, bệ rửa tay. Bên ngoài họ có thể trưng bày sản phẩm, bán bao cao su, thuốc ngừa thai… nói chung là những món nhạy cảm. Họ cũng có thể đặt những bảng quảng cáo.
Nhà đầu tư NVSCC có được ưu đãi gì về thuế và lãi suất không, thưa ông?
Luật Đất đai có điều khoản khuyến khích doanh nghiệp tham gia xã hội hóa và được miễn thuế đất. Nếu triển khai kinh doanh thì đóng thuế theo quy định của địa phương từ 50-70%. Tính bền vững được bảo đảm thì doanh nghiệp hội viên của chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư. Về lãi suất, trước đây, Bộ Tài chính nói rằng xã hội hóa NVSCC cũng nằm trong hoạt động an sinh xã hội, biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng, nghĩa là được hưởng ưu đãi nếu vay ngân hàng để đầu tư, phát triển.
Ông đánh giá thế nào về giải pháp tận dụng toilet của hệ thống các cửa hàng, quán ăn, nhà hàng, khách sạn trên phố cho người đi đường giải quyết nhu cầu và ngược lại, các cơ sở kinh doanh này được hưởng các quyền lợi khi tham gia chương trình NVSCC?
Trước đây, theo đề nghị của một hội viên VTA, Đà Nẵng đưa ra chương trình “Thoải mái như ở nhà”, vận động các hộ dân, gia đình, cơ sở kinh doanh, nhà hàng khách sạn… cho phép du khách sử dụng toilet khi có nhu cầu. Thế nhưng, hạn chế của nó là khi gặp những người lang thang, say xỉn, nghiện ngập, chủ cơ sở có muốn cho họ đi vào toilet của mình không? Rồi các khách sạn “gắn sao” có chấp nhận người nhặt ve chai, ăn mặc rách rưới đi chung với khách VIP? Tôi dự đoán nó chỉ tồn tại trong một, hai năm và thực tế sau đó các nơi đều đã tháo bảng, không tham gia nữa.
Lần thí điểm đó, các hộ kinh doanh, đơn vị tham gia chương trình có được quyền lợi gì không, thưa ông?
Chương trình kết thúc chính là vì không có quyền lợi. Công an hay chủ tịch phường đến vận động họ đồng ý ngay nhưng khi thực hiện thì họ gặp những tình huống như trên và nếu không có quyền lợi họ sẽ dễ dàng rút. Tôi vẫn cho rằng nếu chúng ta làm được quy hoạch tổng thể thì đây là một giải pháp rất tốt song song mô hình xã hội hóa.
Cuối cùng, cần thêm chính sách gì để mong ước của VTA về NVSCC sớm thành hiện thực?
Chúng tôi kiến nghị TP.HCM, Hà Nội và tỉnh nào phát triển du lịch có nhu cầu đặt NVSCC theo hình thức xã hội hóa thì cung cấp cho chúng tôi quyết định cuối cùng của UBND tỉnh, của các sở đã thông qua, ví dụ như vị trí, địa điểm, văn bản chính thức thông qua các sở ngành… thì VTA sẽ làm việc và tham gia. Bởi thực tế, Hiệp hội đã đi rất nhiều tỉnh, thành để trực tiếp làm hồ sơ thủ tục thì đến đâu cũng chậm và ách tắc.
Chính phủ đã có những cuộc họp rất quyết liệt theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa. Tôi mong tất cả công viên, tuyến phố, bãi biển phải nâng cấp vị trí quy hoạch làm NVSCC hiện đại, thông minh, mỹ quan… như một nét văn minh mới để phục vụ một nhu cầu thiết thực của con người.
Xin cảm ơn ông.
Mô hình Nhà vệ sinh công cộng – quán cà phê “2 trong 1”
Ông Nguyễn Tấn Mỹ – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 10, TP.HCM – cho biết, mô hình hợp tác quán cà phê “2 trong 1” kết hợp vận hành nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) miễn phí xuất phát từ chủ trương của lãnh đạo quận nhằm xóa điểm đen xả thải trên địa bàn.
“Từ năm 2017, UBND quận đã thực hiện việc biến 3 điểm thường xuyên ô nhiễm, nhếch nhác do rác thải thành NVSCC là góc đường Ba Tháng Hai – Lý Thái Tổ (phường 10), góc Ba Tháng Hai – Lê Hồng Phong (phường 12) và số 138A Cao Thắng (phường 11). Đồng thời, nhằm bảo đảm mỹ quan trong quá trình vận hành, Công ty đã hợp tác với đơn vị tư nhân khai thác mặt bằng xung quanh NVSCC làm quán cà phê”, ông Mỹ nói.
Phát huy mô hình quán cà phê “2 trong 1” nói trên, năm 2019, Công ty đầu tư một NVSCC tương tự tại Công viên Z756 (phường 12) và năm 2020 hợp tác thêm hai NVSCC khác tại Công viên D8 (phường 14) và góc đường Đào Duy Từ – Hưng Long (phường 6). Ngoài bảo đảm chi phí khấu hao, vận hành và quản lý, mô hình này còn đóng góp vào thu ngân sách quận. Chưa kể, nhờ có sự vận hành, khai thác song song nên đã bảo đảm môi trường, vệ sinh và người dân hoàn toàn được sử dụng miễn phí.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị