Cơ hội để dự án “đắp chiếu” hồi sinh
Mặc dù các huyện, sở ngành liên quan liên tục rà soát, giải quyết vướng mắc nhưng có những vấn đề nằm ở cơ chế khiến chủ đầu tư muốn cũng không thực hiện được. Đây là lý do chính khiến hàng nghìn héc-ta đất theo dự án nằm im bất động nhiều năm qua.
Vừa qua, Hà Nội có quyết định thu hồi đất tại 23 dự án. Trong đó, huyện Thạch Thất có số lượng dự án bị thu hồi nhiều nhất, kế đến là huyện Mê Linh. Tuy nhiên, các dự án bị thu hồi vẫn chỉ là phần rất nhỏ trong số hàng chục ngàn héc-ta đất đang hoang hóa tại Thủ đô.
Những mảnh đất “bờ xôi ruộng mật” của người dân trước đây nằm trong tình trạng cỏ dại mọc um tùm, đôi lúc lấp ló vài ngôi nhà chưa hoàn thiện. Có thể kể đến dự án Khu đô thị Cienco 5 (địa bàn 3 xã Tiền Phong, Đại Thịnh, Mê Linh), khu đô thị được quy hoạch 944 căn nhà ở liền kề, đến nay chỉ hoàn thành hơn 10 căn. Đường nội khu cũng chưa hoàn thiện, đa phần là những bãi cỏ, người dân tận dụng chăn thả gia súc.
Thủ tục hành chính ở một sở 2 năm chưa xong
Đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết, qua làm việc với các chủ đầu tư, họ kiến nghị rất nhiều đối với việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan điều chỉnh quy hoạch, chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, điều chỉnh quyết định giao đất, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng… Trong đó có những thủ tục giải quyết gần 2 năm chưa xong tại 1 sở. UBND huyện Mê Linh đề xuất UBND thành phố Hà Nội thành lập Tổ giải quyết thủ tục hành chính liên ngành thành phố để giải quyết thủ tục hành chính của các chủ đầu tư, đảm bảo tính pháp lý cho các dự án tiếp tục triển khai, tránh trường hợp xong sở này rồi mới sang sở kia.
Một khu đô thị dang dở (ảnh chụp từ trên cao) |
“Luật quy định phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) mới được giao đất, chưa giao đất thì chưa làm được gì, tắc chủ trương đầu tư”, đại diện huyện thông tin. Qua đó, huyện Mê Linh đề nghị UBND thành phố giao Sở TNMT tham mưu giao đất theo giai đoạn đối với phần diện tích đã GPMB, không có vướng mắc cho các dự án trên (sau khi các dự án hoàn thành thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết, chủ trương đầu tư, đăng ký kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích đất lúa…) làm cơ sở tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tạo nguồn thu cho ngân sách huyện để huyện đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nói rằng, khảo sát tại TPHCM cho thấy, 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay là do vấn đề thể chế và khâu thực thi pháp luật. “Ví dụ như Điều 37 của Luật Đất đai quy định kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, tỉnh, huyện đều là 10 năm; kỳ lập kế hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh là 5 năm nhưng cấp huyện chỉ có 1 năm. Trong khi công tác chuẩn bị dự án thường kéo dài, nhiều khi chưa chuẩn bị xong đã phải thay đổi, gây rất nhiều khó khăn, mất thời gian cho nhà đầu tư. Vì vậy lỗi chậm triển khai dự án đôi khi không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp”, ông Châu nói. |
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 2 vấn đề tác động trực tiếp đến các dự án bất động sản, thứ nhất là bỏ khung giá đất. Thứ hai là quy định đền bù 100% mới được giao đất. Thực tế hiện nay việc đền bù đã rất khó khăn, nếu bỏ khung giá đất thì các dự án có thể còn bị kéo dài hơn nữa. “Dự án đã GPMB được hơn 90%, chỉ còn khoảng 10 hộ dân chưa nhận tiền đền bù. Dù còn phần nhỏ nhưng được tính vào diện chưa hoàn thành GPMB, chưa được làm thủ tục giao đất nên doanh nghiệp không thể triển khai”, vị này nói.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ, cho rằng, phương án Nhà nước đứng ra thu hồi, sau đó tổ chức đấu giá, đấu thầu lại các khu đất sạch cho doanh nghiệp sẽ giải quyết nút thắt về đền bù GPMB nhiều năm nay.
Nguồn: Báo xây dựng