Mường So, Lai Châu: Nhiều khó khăn trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn

Mường So, Lai Châu: Nhiều khó khăn trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn

Hải Vân –  Thứ ba, 07/03/2023 18:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không được hỗ trợ xử lý rác thải như những năm trước, từ đầu tháng 1/2023 đến nay một số người dân xã Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đã tự ý vứt rác ra môi trường, không đúng nơi quy định.

Mường So là xã trung tâm vùng thấp của huyện Phong Thổ. Hiện, xã có trên 1.600 hộ, 6.509 nhân khẩu sinh sống. Bên cạnh các hộ là cán bộ, công chức, viên chức thì còn có rất nhiều hộ sinh sống bằng việc kinh doanh tại chợ (120 hộ) và tại hộ gia đình.

Chưa kể đến, chợ Mường So còn là địa điểm kinh doanh buôn bán của rất nhiều hộ dân khác ở các xã lân cận như: Khổng Lào, Hoang Thèn, Bản Lang… Đây là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển song do lượng người đông, nguồn rác nhiều khiến rác thải ra hàng ngày lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2022, lượng rác thải của 5 bản: Nậm Cung, Tây Sơn, Tây An, Huổi Én, Tây Nguyên đã lên tới 3,8 tấn.

Trước đây, xã được hỗ trợ kinh phí thì rác thải được xử lý rất tốt, chỉ từ ngày 1/1/2023 trở lại đây, khi không được hỗ trợ nữa, người dân phải tự xử lý thì đây thực sự là nỗi lo của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân.

Theo ghi nhận của PV, đoạn đường từ cầu Phiêng Đanh đến đầu thôn Tây Sơn không còn sạch, trong lành như trước. Nhiều đống rác tự phát hình thành ngay sát lề đường bốc mùi hôi thối. Càng đi sâu vào trong khu vực cánh đồng lúa của người dân các bản: Phiêng Đanh, Nậm Cung, hình ảnh rác thải vứt bừa bãi xuất hiện càng nhiều thêm. Có những đoạn rác tràn cả xuống mương dẫn nước.

tm-img-alt
Những đống rác tự phát hình thành ngay cạnh đường từ cầu Phiêng Đanh vào thôn Tây Sơn.

Ông Lò Văn Tán – người dân bản Phiêng Đanh bức xúc nói: “Rác thải vứt bừa bãi đã tràn ra mương ruộng của gia đình tôi. Nhiều lần tôi phải đi vớt rác vứt lên bờ nhưng chỉ được một thời gian ngắn rác lại tràn xuống, ảnh hưởng đến việc canh tác của gia đình tôi”.

“Gần khu vực cánh đồng là bãi đất rộng, đã được san gạt bằng phẳng, vào buổi chiều có đông người lớn đi bộ, trẻ nhỏ vui chơi, đá bóng và rất dễ để chúng tôi tìm được những đống rác tự phát quanh khu vực này. Hình ảnh những đống rác tự phát “chềnh ềnh” trông rất mất mỹ quan.”, ông Tán cho biết thêm.

Ông Hà Đình Thìn – người dân thôn Tây Nguyên chia sẻ: “Chiều nào tôi cũng cùng bà con đi bộ qua đây. Rác thải vứt bừa bãi chúng tôi phải đeo khẩu trang. Trước đây, chưa từng xảy ra hiện tượng rác thải vứt bừa bãi như thế này mà chỉ trong thời gian gần đây rác mới nhiều như vậy. Nhiều lúc ở nhà mùi hôi thối cũng “xộc” vào, rất khó chịu”.

tm-img-alt
Rác vứt bừa bãi tràn xuống mương ruộng của người dân bản Phiêng Đanh.

Không muốn rác thải bốc mùi làm ảnh hưởng đến đời sống, một số người dân đã tự nguyện bỏ thời gian gom và đốt rác. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ xử lý được đống rác trước mắt, đến ngày hôm sau đống rác khác lại “mọc” lên. Đó chính là nguyên nhân khiến tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngày một nhiều ở quanh khu vực này.

tm-img-alt
Một số người dân xã Mường So tự nguyện gom và đốt những đống rác tự phát nhằm hạn chế rác thải ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe.

Theo ông Đèo Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Mường So: Dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lượng rác thải ra nhiều nhất là khu vực cầu và ven suối gần chợ. Chúng tôi đã phải nhờ các doanh nghiệp trên địa bàn bố trí phương tiện thu gom rác trở đi. Đồng thời, tuyên truyền nhắc nhở người dân không xả rác bừa bãi; lắp đặt camera giám sát, hạn chế tình trạng người dân xả rác ra khu vực đó. Cơ bản người dân chấp hành tốt, chỉ có một số bà con còn đổ rác ra khu vực gần đường, bãi đất gần khu cánh đồng. Cái khó của chúng tôi là bà con thường đi đổ rác vào thời điểm buổi tối rất khó quan sát, nhắc nhở, ngăn chặn”.

Để giải quyết vấn đề, xã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh 2 buổi/ngày; huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên ra quân thu gom rác. Chỉ đạo các thôn, bản họp tuyên truyền trực tiếp đến người dân về việc xã không được hỗ trợ xử lý rác mà người dân phải là chủ thể chính, phải tự phân loại xử lý rác tại gia đình. Về lâu dài, xã đưa ra chủ trương xã hội hóa bằng cách vận động người dân đóng góp kinh phí thuê đơn vị thu gom rác. Song, do chưa thống nhất được mức đóng nên việc này chưa thực hiện được. Thời gian tới, xã tiếp tục họp dân để thống nhất phương án cùng với đề xuất cấp trên nghiên cứu, xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí để triển khai thuê đơn vị thu gom rác, không để tình trạng vứt rác bừa bãi kéo dài.

Xử lý rác thải sinh hoạt đang là bài toán khó với nhiều địa phương không chỉ là xã Mường So. Tuy nhiên, đây là xã nông thôn mới và lượng rác thải hàng ngày rất nhiều; do đó vấn đề xử lý rác thải ở đây càng trở nên cấp thiết và cần được sự quan tâm. Mong rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chuyên môn sớm vào cuộc cùng giúp Mường So giải quyết bài toán khó. Và trước mắt, mỗi người dân trong xã cần nâng cao ý thức xử lý rác thải bằng việc tự phân loại rác, xử lý rác tại nhà, tuyệt đối không nên vứt rác bừa bãi… để bảo vệ môi trường, sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích