Định hướng mục tiêu phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam trong giai đoạn tham gia cuộc Cách mạng lần thứ 4
Vai trò quan trọng của đào tạo, nghiên cứu khoa học
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (sau đây gọi là Nghị quyết số 52-NQ/TW), thì việc xây dựng kế hoạch phát triển nghiên cứu khoa học và đào tạo của các trường đại học cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho tương lai nguồn nhân lực quốc gia.
Thông qua đào tạo, nghiên cứu khoa học và các công bố quốc tế, uy tín của các Trường ngày càng được nâng cao thông qua các chỉ số xếp hạng quốc tế trên thế giới và Đông Nam Á về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ theo một bảng xếp hạng có uy tín khác, bảng xếp hạng The World University Ranking.
Do vậy, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tính chất đặc biệt, phải kết hợp nhiều lĩnh vực đào tạo ưu tiên, có tầm quan trọng không chỉ đối với hệ thống giáo dục mà còn đối với Quốc gia trong công cuộc làm chủ công nghệ 4.0 để phát triển kinh tế. Kết quả đầu ra của các phòng thí nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 làm tăng số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, góp phần giữ vững và tăng vị trí xếp hạng quốc tế của các Trường, nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngay trong quá trình đào tạo, cần tập trung tăng cường năng lực nghiên cứu cho các nhóm nghiên cứu, hình thành tổ hợp nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học thông qua các đề tài nghiên cứu từ các nhà khoa học, giảng viên trong hệ thống các trường đại học và nghiên cứu thực tiễn tại các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần tăng cường các mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước và các doanh nghiệp để tạo ra khả năng nhạy bén hơn với các vấn đề mới trong các lĩnh vực KH&CN, tạo thế mạnh luôn đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy. Thông qua các hoạt động của dự án, các mối quan hệ hợp tác sẽ được mở rộng, đặc biệt với các doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm công nghiệp 4.0.
Về mô hình đào tạo, cần phát triển các trường đại học nghiên cứu đa lĩnh vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, trong đó các đơn vị chuyên môn được tổ chức thành một số trường, khoa, viện và trung tâm nghiên cứu trực thuộc. Xây dựng hình mẫu thành công, phát triển bền vững của một đại học tự chủ toàn diện với mô hình quản trị tiên tiến, hệ thống tài chính vững mạnh, hạ tầng khuôn viên và cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm khu vực.
Cần xây dựng môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở và quốc tế hóa; thu hút sinh viên ưu tú, học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc và nâng chất lượng của tất cả các chương trình đào tạo đạt mức cao theo các tiêu chuẩn kiểm định khu vực hoặc quốc tế; đưa các Trường lên nhóm đầu khu vực theo xếp hạng khả năng việc làm của người tốt nghiệp.
Ngoài ra, cần hình thành một trung tâm sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực, thu hút mạnh tài trợ và đầu tư của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đưa hệ thống giáo dục quốc gia lên nhóm đầu khu vực theo xếp hạng năng lực sáng tạo, đồng thời trọng tâm cho sáng tạo và chuyển giao công nghệ phải đến từ hệ thống các trường đại học.
Cần đổi mới đột phá trong lĩnh vực giáo dục của quốc gia
Trên thực tế, trong giai đoạn 5 năm qua, nguồn nhân lực của chúng ta luôn dồi dào nhưng lại thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, để đáp ứng cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường lao động. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam, nhưng lại khó khăn để tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ thực hành cao.
Đây là thách thức lớn cho ngành giáo dục nước nhà trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, đặt ra mục tiêu quan trọng của quốc gia là giáo dục nghề, kỹ sư chất lượng cao để đáp ứng chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Thiết nghĩ, việc này là hết sức quan trọng cho định hướng giáo dục phải đi trước sự phát triển của doanh nghiệp về công nghệ, trình độ và vận hành thiết bị hiện đại.
Để có thể dáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động, việc đổi mới trong môi trường giáo dục nghề và ứng dụng công nghệ mới cho các trường Đại học là bước đi vô cùng quan trọng trong việc sản xuất, tạo ra một thế hệ kỹ sư mới với trình độ cao.
Hơn nữa, chúng ta cần phải tiến đến đào tạo hiện đại, phải vừa Hàn lâm học thuật vừa phải giỏi thực hành để khi ra trường dễ dàng tiếp cận công việc được ngay vì thực trạng hiện nay hầu hết các kỹ sư đào tạo tại trường về đến doanh nghiệp đều phải đào tạo lại – On Job Trainning và mất nhiều thời gian và tiêu tốn nhiều cơ hội.
Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải hướng tới những mục tiêu phát triển cụ thể của đất nước trong những năm tới. Như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, tổng quy hoạch phát triển điện năng, năng lượng tái tạo… Theo hướng chuyển đổi số và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả các dự án trọng điểm quốc gia này đều có tỷ trọng nhất định dành cho công nghiệp chế biến chế tạo trong nước tham gia nên phải đào tạo đón đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước.
Ứng dụng công nghệ mới và ứng dụng các giải pháp phần mềm có bản quyền vào đào tạo
Năm 2020 vừa qua là năm khởi đầu của sự đổi mới mạnh mẽ trong hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng và điển hình tiên phong trong việc dám thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống bằng phương pháp giảng dạy ứng dụng công nghệ mới và ứng dụng các giải pháp phần mềm có bản quyền, triển khai đổi mới giáo dục cho ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo máy thông qua dự án “Phòng thí nghiệm Ứng dụng Công nghiệp số” được chuyển giao đào tạo các chương trình đang được ứng dụng trong thực tiễn các tập đoàn lớn của nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam từ Tập đoàn Siemens và Hitachi.
Phòng thí nghiệm này sẽ giúp sinh viên tiếp cận các giải pháp hiện đại đang được sử dụng trên thị trường và giúp cho sinh viên khi tiếp cận và được đào tạo từ phòng thí nghiệm này sẽ dễ dàng tìm việc, vượt qua các bài test khi phỏng vấn và làm việc ngay khi được tuyển dụng.
Đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, khoa học tiên tiến là yếu tố tất yếu để rút ngắn được thời gian tiếp cận thị trường, cập nhật nhanh các chương trình đào tạo, nghiên cứu từ thực tiễn của các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đó cũng chính là bước đi đột phá thay đổi trong đào tạo nhằm đạt được tiêu chí rất quan trọng là tỷ lệ phần trăm sinh viên kiếm được việc làm ngay trong năm đầu tiên sau khi ra trường. Tiêu chí này cũng chính là tiêu chí của hầu hết các trường đại học trên thế giới.
Với chiến lược chuyển đổi số hệ thống các trường đại học và đổi mới trong phương thức đào tạo, sẽ có nhiều các trường đại học trong cả nước đã và đang làm việc với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới nhằm hợp tác để xây dựng thêm nhiều phòng thí nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0. Đây là định hướng hết sức cần thiết nhằm chuẩn bị cho nguồn cung cấp nguồn lực chất lượng cao đáp ứng cho thị trường lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và thực hiện chiến lược kinh tế số của quốc gia Việt Nam./.
TS. Nguyễn Hoàng Hiệp
Giám Đốc Hitachi Systems Việt Nam
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu