Bước đi lịch sử trong bảo vệ đa dạng sinh học đại dương

Bước đi lịch sử trong bảo vệ đa dạng sinh học đại dương

MTĐT –  Thứ ba, 07/03/2023 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau hai thập kỷ lên kế hoạch và gặp khó khăn trong việc đàm phán, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York vào ngày 3/3 vừa qua, đại diện từ hơn 100 quốc gia đã cùng ký kết một hiệp ước lịch sử nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học đại dương.

Chú thích ảnh
Vùng biển quốc tế là nơi sinh sống của các loài trong chuỗi thức ăn. Ảnh: Greenpeace

Trong bối cảnh sinh vật biển đối mặt với các mối đe dọa từ thực trạng biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức, khả năng khai thác tài nguyên dưới đáy biển và các mối nguy hiểm khác, hiệp ước trên sẽ giúp tạo ra các khu bảo tồn biển và ban hành các biện pháp bảo tồn khác trên vùng đại dương rộng lớn bao phủ gần như một nửa Trái Đất.

Theo văn bản hiệp ước, 30% đại dương trên thế giới sẽ trở thành khu vực được bảo vệ vào năm 2030. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước sẽ cùng nhau đưa ra những quy định hạn chế nghiêm trọng đối với việc sử dụng vùng biển này, có thể bao gồm lệnh cấm hoàn toàn các hoạt động đánh bắt và thăm dò như khai thác dưới biển sâu.

Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế sẽ đảm bảo rằng bất kỳ hoạt động nào trong tương lai dưới đáy biển sâu sẽ phải tuân theo các quy định và giám sát nghiêm ngặt về môi trường để đảm bảo rằng chúng được thực hiện bền vững và có trách nhiệm.

Vùng biển quốc tế là gì?

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), vùng biển quốc tế được định nghĩa là nơi tất cả các quốc gia có quyền tự do tham gia vào các hoạt động đánh cá, hàng hải và nghiên cứu. Tuy nhiên, chỉ 1,2% vùng biển này được quốc tế bảo vệ.

Thông thường, các quốc gia chỉ được kiểm soát vùng biển và đáy biển kéo dài 200 hải lý tính từ bờ biển của mỗi nước. Do vùng biển quốc tế nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước này, cho nên, sẽ không chịu sự kiểm soát hoặc luật pháp của bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào. Diện tích của chúng trải dài gần một nửa hành tinh.

Vùng biển quốc tế là nơi sinh sống của các loài trong chuỗi thức ăn, từ thực vật phù du đến cá mập trắng lớn. Phần lớn sinh vật biển được tìm thấy gần bờ bao gồm các loài cá ngừ, cá hồi, rùa biển, cá voi dành phần lớn cuộc đời của chúng ở vùng biển quốc tế. Thực tế đó đã càng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hợp tác quốc tế về các cách bảo vệ các loài sinh vật biển.

Đại dương đang gặp những thách thức gì?

“Đại dương của chúng ta phải đối mặt với nhiều trở ngại trong nhiều thập kỷ. Chúng ta không thể phớt lờ tình trạng khẩn cấp trên đại dương được nữa”, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu ngày 3/3.

Đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu là những mối đe dọa hàng đầu đối với đa dạng sinh học biển. Có thể lấy ví dụ từ năm 1970, lượng cá mập và cá đuối sống ở đại dương đã giảm hơn 70%.

Bên cạnh đó, các mối đe dọa mới đối với sinh vật biển xuất khi con người tìm cách khai thác các khoáng sản có giá trị dưới đại dương và những phương án khả thi nhất để “cô lập carbon.

Các nhà khoa học cho biết hành vi khai thác dưới biển sâu có thể gây nguy hiểm cho các loài sinh vật đặc biệt dễ bị tổn thương và chưa được biết đến. Nằm sâu dưới biển, không tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời, những sinh vật như này được cho là phát triển và phục hồi chậm.

Bà Lisa Speer, Giám đốc chương trình đại dương quốc tế tại Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cho biết vùng biển quốc tế “có lẽ là khu bảo tồn đa dạng sinh học chưa được khám phá lớn nhất còn sót lại trên Trái Đất.

Không chỉ có các loài sinh vật biển, các nhà khoa học cũng cảnh báo sức khỏe của con người cũng gặp nhiều rủi ro trước những mối đe doạ đối với đại dương. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hàng tỷ người trên thế giới dựa vào đại dương để kiếm thức ăn và việc làm.

Các đại dương đóng vai trò là một nơi điều hòa khí hậu trên khắp hành tinh. Chúng góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với đất liền bằng cách hấp thụ Co2 và nhiệt dư thừa do đốt nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, điều này cũng khiến khí hậu trên đại dương khắc nghiệt hơn, với nhiệt độ nóng hơn và ít oxy hơn.

Theo bà Liz Karan – Giám đốc quản lý đại dương tại quỹ Pew Charitable Trusts, các đại dương là một phần quan trọng giúp Trái Đất có thể sinh sống được, không chỉ đối với đa dạng sinh học biển mà còn đối với tất cả sự sống trên Trái Đất.

Các nước đã mất rất nhiều năm để tháo gỡ những mâu thuẫn khi thảo luận về hiệp ước bảo vệ đại dương.

Để đi đến được bản hiệp ước cuối cùng, các nước đã tranh luận căng thẳng để giải quyết một loạt câu hỏi.

Những phần nào của vùng biển quốc tế có thể được xem xét để xác định là khu bảo tồn biển và chúng sẽ được quyết định như thế nào? Các đánh giá về môi trường sẽ hoạt động như thế nào khi các công ty muốn khai thác, khoan hoặc thực hiện một hoạt động có khả năng nguy hại khác? Điều gì sẽ xảy ra khi hiệp ước mới mâu thuẫn với thẩm quyền của một thực thể hiện hành, ví dụ như một tổ chức quản lý nghề cá. Ai sẽ được lợi nếu các nguồn tài nguyên quý giá được phát hiện tại vùng biển này?

Trong khi các quốc gia giàu có hơn có khả năng và kinh phí để khám phá đại dương sâu thẳm thì các quốc gia nghèo hơn lại muốn nguồn tài nguyên được khám phá được chia sẻ đồng đều.

Các quốc gia đang phát triển nói họ có quyền chia sẻ kiến ​​thức khoa học và lợi nhuận có thể có trong tương lai, còn các quốc gia giàu có phản đối. Họ đưa ra trường hợp nếu các công ty không thể thu được đủ lợi tức đầu tư, các công ty đó sẽ thiếu động lực đầu tư vào nghiên cứu biển.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích