Việt Nam tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh: Hệ luỵ không hề “ngọt”

Việt Nam tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh: Hệ luỵ không hề “ngọt”

MTĐT –  Thứ ba, 07/03/2023 10:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau 2 thập niên, tỷ lệ sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam tăng gấp 10 lần, từ mức khoảng 6 lít năm 2002, thì năm 2021 con số này đã tăng lên gần 56 lít. Và hệ lụy của nó gây ra không hề “ngọt” như đường…

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vì sao?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Các sản phẩm được Bộ Tài chính lấy ý kiến áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt là nước uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trò chơi trực tuyến (game online)…

Đối với các sản phẩm đồ uống có đường, Bộ Tài chính lý giải Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường… hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua.

Theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. Theo đó, giảm đồ uống có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phổ biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cho thấy tổn thất rất lớn về kinh tế – xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra.

Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt : Năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia đến 2021 có ít nhất 50 quốc gia thu thuế tiêu thụ đặc biệt  đối với mặt hàng này. Trong ASEAN có 6/10 nước đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt  đối với đồ uống có đường.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất, bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất phù hợp để góp phần định hướng tiêu dùng và đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước…

Sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam tăng nhanh gấp 10 lần

Đồ uống có đường bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, cà phê hòa tan, trà hòa tan, nước có pha chế hương liệu, sữa pha chế hương liệu, nước uống thể thao tăng lực. Nếu như năm 2002, trung bình mỗi người ở nước ta chỉ dùng 6,04lít/năm đồ uống có đường thì năm 2021 đã tăng lên 55,78lít/năm. Con số này cho thấy chỉ sau gần 20 năm, sử dụng đồ uống có đường ở nước ta đã tăng gầp 10 lần.

Cùng đó tại Việt Nam, hiện trung bình một người Việt tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa là 50g một ngày và cao gần gấp đôi so với mức nên tiêu thụ mỗi ngày và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g một ngày theo khuyến cáo của WHO.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no. Đồ uống có đường gây tác hại rất lớn đến sức khoẻ như thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư…

Theo WHO hiện trên thế giới có 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, số tiền điều trị cho béo phì rất lớn. Tỷ lệ tử vong liên quan tới béo phì gấp 2 lần tỷ lệ tử vong của ung thư vú và đại trực tràng cộng lại.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất (2017-2020) do Bộ Y tế công bố năm 2021 cho thấy tỷ lệ thừa cân và béo phì tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8.5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

tm-img-alt

Hệ luỵ của sử dụng ‘vô tội vạ’ đồ uống có đường

Trưởng đại diện UNCEF tại Việt Nam, bà Rana Flower cho rằng, thừa cân, béo phì là một trong 3 vấn đề về dinh dưỡng mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Các chuyên gia y tế và sức khoẻ cộng đồng cho hay, một trong những nguyên nhân gây thừa cân béo phì không thể không cảnh báo đó là tình trạng tiêu dùng thiếu kiểm soát đồ uống có đường.

Làm rõ hơn vì sao đồ uống có đườnggây thừa cân, béo phì, các chuyên gia cho hay, đa số đồ uống có đường được thêm vào bởi đường fructose gây tăng tích tụ mỡ ở cơ thể và gia tăng tình trạng thừa cân béo phì. Đồ uống có đường bất kể là được tạo ngọt bằng đường hay chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học) đều kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no. 

Cũng về vấn đề này, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết trong một phân tích gộp kết quả từ 88 nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng nước ngọt với việc tăng năng lượng và trọng lượng cơ thể. Các nghiên cứu ở trẻ em và người lớn đã chỉ ra rằng, ở những người thừa cân việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường có thể giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn.

Tuy nhiên các chuyên gia y tế cũng cho hay, không chỉ gây thừa cân, béo phì, đồ uống có đường còn làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hoá như: gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2; gia tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, bệnh tim mạch; Làm gia tăng nguy cơ bị gút, có liên quan đến giảm khả năng sinh sản… 

Đồng thời, đồ uống có đường cũng là nguyên nhân chính gây ra sâu răng và các bệnh về răng. Nghiên cứu về tình trạng sâu răng vĩnh viễn ở trẻ em Việt Nam tại 17 tỉnh cho thấy: 20,9% trẻ từ 6-8 tuổi; 43,7% trẻ từ 12-14 tuổi ; 36,3% trẻ 15-17 tuổi và 34,4% trẻ 9-11 tuổi bị sâu răng vĩnh viễn. Nguy cơ sâu răng ở trẻ em sẽ tăng 22% nếu trẻ tiêu thụ đồ uống có đường hàng ngày cùng đó, tiêu thụ nước ngọt có liên quan đến gia tăng khoảng 2,4 lần xói mòn răng bởi độ pH thấp và lượng đường cao.

Khuyến cáo của chuyên gia để giảm đồ uống có đường

Nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì, PGS.TS Trương Tuyết Mai khuyến cáo trẻ em từ 2 -18 tuổi, hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g mỗi ngày và chỉ giới hạn không quá 235 ml đồ uống có đường mỗi tuần.

Theo khuyến cáo của WHO lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khoẻ tương đương dưới 25-50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em.

Đặc biệt, PGS.TS Trương Tuyết Mai cũng nhấn mạnh trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Để giảm tiêu thụ đồ uống có đường:

– Nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt.

– Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hoà tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, si rô…

– Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn.

– Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác.

– Chọn các kích cỡ xuất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng.

– Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô.

– Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn.

– Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích