Tạo việc làm, thu nhập ở xã ven đô
Đa dạng nghề truyền thống
Xã Tiến Thịnh được biết đến là xã tập trung nhiều làng nghề truyền thống với lịch sử lâu đời. Làng nghề truyền thống nơi đây gắn liền với những sản phẩm mang đậm hương vị của quê nhà như: Mỳ, bún, kẹo lạc, chè lam, bánh đa nem,… Những năm gần đây, nghề truyền thống đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Thôn Yên Thị (xã Tiến Thịnh) đã có nghề làm chè lam, kẹo lạc từ lâu đời. Từ việc nấu chè lam, kẹo lạc ăn trong những ngày Tết, ngày nay, người dân trong làng đã phát triển làng nghề, đưa sản phẩm chè lam, kẹo lạc đi khắp mọi miền đất nước.
Ông Hoàng Văn Giáp, người có trên 30 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết, nghề làm chè lam, kẹo lạc đã trở thành nghề mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân nơi đây, đặc biệt là trong dịp cuối năm. Chính bởi nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình tại đây đã mở xưởng sản xuất, thuê công nhân để phát triển nghề.
Nghề làm bánh đa nem đã đưa lại thu nhập ổn định cho người dân thôn Trung Hà. |
Theo ông Giáp, món chè lam làm không quá khó. Để có được những mẻ chè lam thơm ngon, mềm, dẻo thì phải đầy đủ nguyên liệu gồm gạo nếp, gừng, lạc nhân, vừng, đường mía và cách pha chế các nguyên liệu với nhau phải đạt tỷ lệ phù hợp. Chính vì có bí quyết nấu chè lam đặc biệt nên chè lam nhà ông Giáp sản xuất ra đến đâu được thương lái lấy hết đến đó. Khách lẻ trong làng, trong xã đến mua để ăn hoặc làm quà biếu đều phải đặt trước mới có hàng. Để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, những năm gần đây gia đình ông Giáp đã sáng tạo ra các sản phẩm chè lam với các vị: mật, dứa, gấc, cà phê… Nhờ sự sáng tạo, chăm chỉ, lượng đơn hàng của gia đình ông luôn duy trì ổn định, là địa chỉ tin cậy của nhiều mối buôn trong nước.
Không chỉ có kẹo lạc, chè lam, thôn Yên Thị còn được biết tới với nghề sản xuất mỳ, bún. Theo chia sẻ của những gia đình làm nghề, cũng như chè lam, kẹo lạc, sản phẩm mỳ, bún được sản xuất quanh năm. Song thời điểm bận rộn nhất phải kể đến dịp cận Tết. Theo cô Đoàn Thị Thân, chủ xưởng sản xuất mỳ, bún tại thôn Yên Thị vào thời điểm Tết, mỗi ngày gia đình cô sản xuất từ 5 – 6 tạ sản phẩm mỳ. Nhờ sản phẩm làm ra đạt chất lượng, có thương hiệu và uy tín nên được nhiều thương lái trong và ngoài xã đến tận nơi mua và đặt hàng.
Cách thôn Yên Thị không xa, thôn Trung Hà nổi tiếng với nghề làm bánh đa nem truyền thống. Theo đó, bánh đa nem Trung Hà được người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành biết đến bởi độ dẻo, dai và mang mùi vị đặc trưng. Bánh có 2 màu sắc trắng sáng và vàng mật, bánh lành lặn, không bị rách nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhằm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của thị trường, người dân Trung Hà đã sản xuất bánh đa nem với kích cỡ khác nhau. Bên cạnh những chiếc bánh có đường kính khoảng 20 – 30cm, đến nay đã có nhiều bánh được sản xuất theo khổ nhỏ hơn để cung cấp cho các nhà hàng. Từ nghề làm bánh đa nem đã giúp cho người dân nơi đây ổn định cuộc sống. Bình quân làm bánh đa nem, mỗi ngày cho thu nhập từ 500 nghìn đồng – 800 nghìn đồng/ngày (đã trừ chi phí). Theo các xưởng sản xuất tại đây, trung bình một cơ sở sản xuất bánh đa nem ở thôn Trung Hà có thể sản xuất và tiêu thụ 1,5 – 2 vạn bánh/ngày, tương đương 5 – 6 triệu đồng mỗi ngày.
Chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
Với nhu cầu lớn của thị trường, việc duy trì các phương thức sản xuất thủ công không còn phù hợp, do đó, người dân tại các làng nghề đã áp dụng máy móc vào sản xuất để tăng sản lượng, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Ngọc Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Làng nghề Bánh Đa nem Trung Hà, cho biết, trước kia, người dân thường tráng bánh bằng bếp củi, xay bột bằng tay nên hiệu quả không cao. Những năm gần đây, người dân đã chủ động đầu tư máy nghiền bột, bếp tráng điện nên năng suất cao hơn nhiều, thu nhập từ nghề làm bánh đa nem vì thế cũng được cải thiện đáng kể.
Cũng là gia đình sản xuất chè lam, kẹo lạc có tiếng tại Yên Thị, những năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng đã áp dụng thêm công nghệ hiện đại vào sản xuất. Theo ông Thắng, nhờ bí quyết gia truyền và công nghệ hiện đại đã giúp ông sản xuất ra những mẻ bánh chè lam ngon. Cùng đó, vài năm trở lại đây, sản phẩm chè lam, kẹo lạc của xã Tiến Thịnh đã được người tiêu dùng biết tới nhiều hơn và ngày càng khẳng định thương hiệu chè lam, kẹo lạc của làng nghề. “Nhờ chú trọng vào chất lượng nên các sản phẩm của làng nghề đã có thương hiệu, từ đó góp phần thúc đẩy đầu ra sản phẩm. Thu nhập từ làng nghề tăng cũng đã giúp người dân thêm phần phấn khởi, tích cực sản xuất, duy trì và phát triển nghề”- ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh, để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, năm 2017, UBND xã Tiến Thịnh đã đề xuất, kiến nghị UBND huyện Mê Linh đề nghị UBND thành phố Hà Nội công nhận đối với 2 làng nghề bánh đa nem thôn Trung Hà và mỳ bún thôn Yên Thị. Đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 làng nghề trên tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định. Theo đó, số hộ gia đình; người lao động tham gia làm nghề đều tăng qua các năm. Thu nhập bình quân của người lao động tại 2 làng nghề tính đến thời điểm hiện tại vào khoảng trên 15 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, hiện tại, các cơ sở sản xuất tại các làng nghề cũng đang gặp khó khăn bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do đó, thời gian tới xã Tiến Thịnh sẽ phát triển sản xuất theo hướng tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế từng thôn. Cùng đó, khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, mặt bằng sản xuất, xây dựng nhà xưởng, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nguồn: Báo lao động thủ đô