Lời chia sẻ ý nghĩa của bệnh nhân vừa khỏi bệnh Covid – 19
Lời chia sẻ ý nghĩa của bệnh nhân vừa khỏi bệnh Covid – 19
Nhiều bệnh nhân mắc Covid – 19 là F0 được đưa vào khu điều trị tại bệnh viện dã chiến Thới Hòa, Bến Cát (Bình Dương) may mắn khỏi bệnh. Họ đã có những chia sẻ và cảm nhận qua thời gian điều trị tại đây.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ những hình ảnh tại khu điều trị F0 bệnh viện dã chiến Thới Hòa, Bến Cát (Bình Dương). Những hình ảnh này cho thấy số lượng bệnh nhân đông, khu vực rộng, giường bệnh nhân nằm sát cạnh, xen kẽ nhau.
Nhìn thấy được những hình ảnh này, nhiều người có phần lo ngại đặt ra các câu hỏi về việc dồn các bệnh nhân F0 vào như vậy có ổn không? Điều kiện sinh hoạt, ăn ở trong khu chữa bệnh đó như thế nào…?
Trước những ý thắc mắc có phần trái chiều, mới đây anh H.V. P, bênh nhân vừa được điều trị khỏi bệnh tại khu điều trị F0 phường Thới Hòa, Bến Cát (Bình Dương) đã có những chia sẻ để giảm bớt những hoài nghi.
Bệnh nhân H., bắt đầu câu chuyện của mình với hi vọng, những thông tin này sẽ giúp những người chẳng may bị nhiễm Covid – 19 mà không đủ điều kiện cách ly ở nhà nhưng đang do dự thì nên tham khảo để có thêm thông tin trước khi đưa ra quyết định đúng nhất, an toàn nhất cho mình, gia đình và những người xung quanh.
“Vui sướng, vỡ òa khi biết khỏi bệnh”
“Trong môi trường toàn là F0 với nhau nên không còn những ánh mắt “dị nghị, nhòm ngó, đề phòng” của hàng xóm mà thay vào đó là những lời động viên nhau cố gắng ăn uống, tập thể dục để mau khỏi bệnh và sớm được về nhà. Từ đó, F0 sẽ cảm thấy thoải mái hơn, tinh thần tốt hơn, ngủ ngon hơn”, bệnh nhân H. tâm sự.
Bệnh nhân H., cho rằng việc thu dung tập trung bệnh nhân là F0 vào khu chữa trị này là ổn, bởi tại khu điều trị F0 bệnh viện dã chiến Thới Hòa được xây dựng dựa trên tính toán khoa học rất tỉ mỉ của Chính phủ, các cơ quan chức năng và đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học đứng đầu ngành y.
“Có ổn thì chính quyền mới có chủ trương lập các cơ sở thu dung, khu điều trị dành cho F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ” bệnh nhân H. bày tỏ ý kiến.
Theo quan điểm riêng cá nhân bệnh nhân H., trong môi trường cách ly, điều trị toàn bệnh nhân F0 với nhau thì việc nằm sát nhau, số lượng bệnh nhân đông đúc là điều bình thường và không thể tránh khỏi.
“Nếu xét về không gian ở khu cách ly so với những nhà có điều kiện và tự cách ly ở nhà thì không thể so sánh được. Thế nhưng với phòng trọ công nhân thì ở khu điều trị tốt hơn rất nhiều và cảm giác được an toàn hơn”, bệnh nhân H. khẳng định.
Cũng theo chia sẻ của bệnh nhân H., đối với những người tự test ở nhà và phát hiện mình bị mắc Covid -19 thì có diễn biến tâm lý khá giống nhau.
Đầu tiên khi biết mình bị mắc bệnh Covid – 19 họ cảm thấy hơi sốc và có nhu cầu tìm bác sĩ hoặc tìm những trường hợp F0 đã khỏi bệnh để nhờ được tư vấn kết quả test nhanh như vậy có phải dương tính hay không và bước tiếp theo thì nên làm những gì?
Bệnh nhân xuất viện có xe đưa về tận nhà
Bệnh nhân H., cũng giống như nhiều bệnh nhân khác phải trải qua cuộc “đấu trí” để có những lựa chọn sáng suốt.
Các giả thiết được đặt ra: Nếu tự cách ly ở nhà thì cần phải chuẩn bị những loại thuốc nào, mua thiết bị đo nồng độ oxy, nhịp tim ở đâu, làm sao để có bình oxy nhằm phòng bệnh diễn biến nặng…và quan trọng nhất là tìm số điện thoại của cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để gọi khi cần.
Có được số điện thoại rồi thì lại lo không biết lúc mình cần gọi họ có đến không, lỡ quá tải họ không đến được thì sao?
“Khi suy nghĩ đến đó không những riêng bản thân tôi mà rất nhiều bệnh nhân F0 tôi đã gặp và họ đều đưa ra lựa chọn đi cách ly tập trung thay vì tự cách ly ở nhà. Khi đi vào khu cách ly tập trung thì tất cả những lo lắng, sợ hãi sẽ không còn. Bởi vì bên cạnh mình có bác sĩ, có oxy nếu bệnh diến biến nặng thì họ sẽ xử lý ngay”, bệnh nhân H, khẳng định.
Đối với những F0 có triệu chứng thì lên khu khám bệnh báo, sẽ có bác sĩ khám bệnh, phát thuốc đến tận giường và thăm khám khá, hướng dẫn tận tình, thường xuyên.
F0 nào nặng thì sẽ được cho thở oxy, vì có oxy đến tận mỗi giường. Khu điều trị F0 Thới Hòa có không gian rộng nên các F0 thoải mái tập các môn thể dục như đi bộ, chạy, đá cầu.
Đến kỳ xét nghiệm danh sách được niêm yết từ tối hôm trước, các F0 lên xem danh sách có tên mình thì sáng hôm sau ra khu vực chờ đọc tên lên lấy mẫu xét nghiệm.
“Vui sướng và vỡ oà hạnh phúc nhất trong thời gian này là các bệnh nhận F0 đủ điều kiện xuất viện. Bệnh viện sẽ gọi điện thông báo từ tối hôm trước để cá nhân tự chuẩn bị thu xếp đồ, chiều hôm sau làm các thủ tục để được xuất viện. Người xuất viện động viên người ở lại cố gắng sớm khỏi bệnh để trở về với gia đình”, bệnh nhân H. chia sẻ.
Điều kiện ăn, ở trong khu điều trị F0 thế nào?
Tại khu B., nơi bệnh nhân H, điều trị có 4 phân khu nhỏ, trung bình mỗi phân khu nhỏ có khoảng 1.000 F0 được bố trí ở.
Nơi ăn, ngủ, nghỉ của bệnh nhân được chia thành từng ô nhỏ khoảng 6m2 đến 8m2 đủ kê 2 giường đơn cho 2 người ngủ, giữa 2 giường có chiếc tủ gỗ nhỏ để đựng đồ ăn như sữa, mì gói, chai nước…
Giữa các ô có vách ngăn được đánh số dãy theo bảng chữ cái, số giường theo thứ tự.
Tại khu điều trị, cách ly tập trung này được bố trí 2 giường sẽ có 1 chiếc quạt cây, còn các phân khu khác thì có quạt thông gió chạy suốt ngày đêm.
Mỗi phân khu nhỏ, hệ thống nhà vệ sinh đảm bảo đáp ứng được, hệ thống vòi hoa sen cũng được lắp đặt để đảm bảo có thể tắm, giặt.
Bệnh nhân sẽ được bệnh viện phát quần áo cho các F0 và quần áo bẩn sẽ được thu gom lại mang đi giặt rồi khử khuẩn sạch sẽ sau đó mới phát lại cho bệnh nhân.
“Ngày 3 bữa, sáng, trưa, tối bệnh nhân được phát đồ ăn. Ngoài cơm thì mỗi F0 được phát thêm 1 hộp, bịch sữa và trái cây. Trẻ nhỏ thì đăng ký cháo, người ăn chay sẽ có cơm chay. Bệnh nhân có đói vào nửa đêm cũng sẽ được phát cho mì”, bệnh nhân H. cho biết.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.