Xã hội siêu thông minh 5.0: Xu hướng tất yếu của thế giới và khát vọng Việt Nam hùng cường
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) đang tạo ra những biến đổi sâu sắc, chưa từng có về kinh tế, xã hội và con người. Thời gian qua, Việt Nam đã nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai các chính sách nhằm bắt kịp cuộc cách mạng này song vẫn chưa nhận thức đầy đủ tác động của nó đối với sự hình thành của mô hình xã hội mới với những phương thức quản lý, điều hành hoàn toàn khác trước.
Trên nền tảng của công nghiệp 4.0 và những thành tựu quản lý hiện đại, các nước phát triển đang tiên phong xây dựng một mô hình xã hội “siêu thông minh” và “siêu hiệu quả” với tên gọi “xã hội 5.0”. Mục tiêu của mô hình xã hội này là vì con người và hướng vào con người, khai thác tốt nhất khía cạnh nhân văn của các thành tựu công nghệ mới.
Điều này có những gợi mở quan trọng cho việc xác định khát vọng và tầm nhìn phát triển cũng như chiến lược “đi tắt, đón đầu” của Việt Nam, tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhật Bản là nước đi tiên phong trong việc xây dựng xã hội 5.0. Tháng 01/2016, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Kế hoạch cơ bản về khoa học và công nghệ lần thứ 5 với nội dung trọng tâm là xã hội 5.0. Tháng 3/2017, Thủ tướng Shinzo Abe đã giới thiệu và quảng bá cho mô hình xã hội siêu thông minh (xã hội 5.0) tại Hội chợ máy tính CeBIT ở Hannover, Đức, nơi Nhật Bản là nước đối tác chính thức.
Các quốc gia khác cũng xây dựng nhiều chiến lược và chính sách khác nhau để vươn tới những mô hình tương tự, thông qua việc huy động toàn bộ sức mạnh của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trước đó, Đức đã đưa ra mô hình Công nghiệp 4.0, chú trọng vào vấn đề phát triển kinh tế và công nghệ.
Singapore đưa ra chiến lược xây dựng “Quốc gia thông minh”. Chính phủ Ấn Độ đã triển khai Đề án “Ấn Độ số” (Digial India) với mục tiêu tiến hành số hóa 14 thành phố với một trong những trụ cột quan trọng nhất là từng bước xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ di động và chính phủ số.
Estonia đưa ra kế hoạch xây dựng một đất nước điện tử (e-Estonia) và đã triển khai rất thành công, được Tạp chí Wired coi là một trong những xã hội số phát triển nhất thế giới.
Nền tảng công nghệ của xã hội siêu thông minh là công nghiệp 4.0. Với sự bùng nổ của công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), hầu như tất cả các đối tượng, vật thể khác nhau (từ máy móc trong công nghiệp, thiết bị gia đình, ôtô và điện thoại di động… và cả động vật lẫn con người) đều có thể được trang bị hệ thống cảm biến để thu, phát dữ liệu, thông tin. Điều này khiến cho lượng thông tin của thế giới tăng lên không ngừng; dữ liệu thông tin có dung lượng ngày càng lớn, được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu lớn và trở nên quá phức tạp, vượt xa khả năng phân tích, chọn lọc của con người.
Trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công cụ hết sức quan trọng, đủ “thông minh” giúp trích xuất, phân tích “các thông tin có ý nghĩa” từ cơ sở dữ liệu khổng lồ do các hệ thống cảm biến thu được để phục vụ con người. Do vậy, dữ liệu thực sự đã trở thành “nguồn nguyên liệu” và có tiềm năng biến đổi kinh tế và xã hội.
Dữ liệu “thô” có thể được chiết xuất, tinh chế để tăng cao giá trị. Cơ sở dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo là công cụ để “chế biến” các dữ liệu “thô”, gửi lại các dữ liệu “tinh” để con người sử dụng. Nếu dữ liệu được chia sẻ đúng cách giữa các quốc gia và cộng đồng xã hội, có thể được truy cập ở những thời điểm và địa điểm hữu ích nhất thì nó sẽ trở thành công cụ có thể thay đổi hoàn toàn cách sống và làm việc.
Xã hội 5.0 tích hợp cả ba yếu tố: con người, thể chế và công nghệ.
Xã hội 5.0 tích hợp cả ba yếu tố: con người, thể chế và công nghệ. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Thể chế là yếu tố để kết nối con người về mặt xã hội và mang lại giá trị cho con người, gồm cả việc củng cố, duy trì những giá trị truyền thống và sáng tạo ra những giá trị mới.
Công nghệ là phương tiện được sử dụng để khắc phục những yếu kém về mặt thể chế (như giúp tăng cường thông tin, minh bạch và kết nối) và để phục vụ con người tốt hơn. Nhờ những thành tựu công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và robot, các cá nhân được giải phóng khỏi những công việc và thao tác mà họ không thuần thục, không chuyên môn.
Các loại hàng hóa và dịch vụ cần thiết được điều phối, cung cấp theo nhu cầu, tại đúng thời điểm và đúng số lượng, có khả năng đáp ứng được nhu cầu xã hội đa dạng, nhờ vậy tối ưu hóa quá trình vận hành của các hệ thống kinh tế – xã hội và tổ chức đạt tới mức độ “siêu hiệu quả”.
Các bước hình thành xã hội 5.0.
Xây dựng và hướng tới xã hội 5.0 đã được nhiều quốc gia triển khai thực hiện như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn độ, Hàn Quốc… với việc xây dựng các quy định nhằm thúc đẩy việc sử dụng và ứng dụng của dữ liệu; xem xét, rà soát việc sửa đổi hệ thống pháp luật và các quy định có liên quan để phù hợp với hoạt động đổi mới, sáng tạo trong công nghiệp 4.0 và xã hội 5.0; đổi mới hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hoạt động sở hữu trí tuệ đối với hệ thống dữ liệu khai thác chung, phục vụ công nghiệp và đời sống con người.
Ứng dụng trong các hoạt động Chính phủ số; Chiến lược kinh tế số; chứng minh thư số; Chương trình cư trú điện tử… Cách tiếp cận của thế giới hiện nay đối với xã hội 5.0 hay những mô hình tương tự thể hiện khát vọng chung của nhân loại hướng tới một mô hình xã hội hiện đại và nhân văn; đủ năng lực vượt qua những thách thức và khủng hoảng; bảo đảm phát triển bền vững vì con người, lấy con người làm trung tâm, khai thác những giá trị tốt nhất của khoa học – công nghệ để phục vụ tốt hơn con người, giải phóng và phát triển con người.
Điều đó cũng khẳng định yêu cầu xây dựng khát vọng và tầm nhìn phát triển Việt Nam hướng tới một xã hội hiện đại, nhân văn, vì con người, lấy con người làm trung tâm như một giá trị cốt lõi, phổ quát nhất của nhân loại.
Xã hội 5.0 là định hướng quan trọng để Việt Nam tiếp cận đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế không chỉ dưới góc độ kinh tế – kỹ thuật mà cả dưới góc độ kinh tế – xã hội, thể hiện được thuộc tính nhân văn và bản chất tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa trong mô hình này, trong đó đặt con người ở vị trí trung tâm. Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia trên thế giới làm chủ và có thể phát triển một số công nghệ hạ tầng viễn thông hiện đại. Đây là lợi thế và là yếu tố quan trọng để Việt Nam chủ động rút ngắn lộ trình xây dựng xã hội 5.0.
Nội dung tham khảo sách “Tư tưởng, lý luận với đổi mới và phát triển đất nước” – GS.TS Nguyễn Xuân Thắng